Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cứ 30 giây sẽ có một bệnh nhân tiểu đường phải đoạn chi

Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), 11 người trưởng thành (từ 20-79 tuổi) có một người bị đái tháo đường, trong đó 50% không được chẩn đoán, điều trị.

Là một trong những bệnh nhân nặng đang điều trị tại khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông N.V.T (54 tuổi ở Khu Gang thép Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã có 5 năm sống chung với bệnh tiểu đường type 2 trên nền nhiều bệnh lý khác như viêm gan C, tim mạch.

Trước đây, mỗi lần đi làm về mệt, thời tiết nắng nóng, ông T. thường pha nước đường uống. Sau khi cảm thấy mệt mỏi kéo dài, ông vào viện khám và được phát hiện mắc tiểu đường, kèm theo đó là bệnh viêm gan C. Từ đó sức khỏe của ông đuối dần.

“Khi biết mình mắc bệnh này, tâm lý tôi bị ảnh hưởng nhiều. Điều tôi lo lắng nhất lúc đó là cuộc sống của các con, vì tôi là trụ cột của gia đình, các con đang tuổi ăn học. Tôi từng điều trị ở bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau khi bệnh ngày càng nặng, các bác sĩ chuyển tôi về Bệnh viện Nội tiết Trung ương”, ông T. nói.

Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng sốt, hoại tử chân, sức khỏe suy kiệt. Sau khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ bàn chân trái của ông T. và điều trị theo phác đồ bệnh tiểu đường, sức khỏe ông T. dần hồi phục.

Theo chẩn đoán của bác sĩ, khả năng đi lại của bệnh nhân T. là 95% nếu bệnh nhân tập luyện tốt.

Trường hợp nữ bệnh nhân N.T.Th (55 tuổi, quê Điện Biên) cũng phải cắt bỏ một bên bàn chân phải và 2 ngón của chân trái chỉ sau 6 năm (từ 2012-2018) do mắc bệnh tiểu đường.

Bà Th. cho hay hơn 10 năm trước bà bị mắc tiểu đường type 2. Thời điểm đó, trong những lần mệt mỏi, bà thường pha nước đường và chanh uống. Thời gian sau đó, tình trạng mệt mỏi kéo dài khiến bà không thể làm việc hiệu quả. Sau khi đi khám ở bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bà bị mắc tiểu đường.

“Năm 2012 các ngón chân của tôi tự dưng bị tím có vết loét. Tôi đã điều trị tại nhà nhưng không khỏi. Các bác sĩ nói phải cắt bỏ những ngón chân bị hoại tử của tôi. 6 năm qua tôi đã phải cắt bỏ bàn chân phải và hai ngón của chân trái”, bà Th. chia sẻ.

ThS.BS Đặng Thị Mai Trang, Phụ trách khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho hay hiện nay bệnh tiểu đường đã trở thành căn bệnh khá phổ biến trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 4% dân số mắc bệnh đái tháo đường.

Ở nước ta, thói quen ăn uống, lối sống hiện đại khiến bệnh nhân mắc đái tháo đường và gặp biến chứng đang ngày càng tăng.

Các bác sĩ khoa Chăm sóc bàn chân mỗi ngày tiếp nhận từ 4-10 bệnh nhân gặp biến chứng do đái tháo đường. Nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng, biến chứng bàn chân rất nặng.

Thông thường bệnh nhân đến viện điều trị căn bệnh này muộn. Các bác sĩ không được gặp các bệnh nhân có tổn thương sớm, tổn thương độ 1, độ 2 hoặc những nhiễm trùng bàn chân xảy ra ngay những ngày đầu tiên. Bệnh nhân hay tự điều trị hoặc tự điều trị bằng các loại thuốc dân gian, thuốc truyền miệng, cũng có thể họ trung chuyển qua nhiều cơ sở, đến đây là tuyến cuối.

Họ đến khi tổn thương bàn chân rất nặng, độ 3, độ 4. Trong trạng thái đó, các bác sĩ cố gắng bảo tồn tối đa bàn chân cho bệnh nhân bằng cách sửa chữa, cắt thịt hoại tử, thường xuyên dùng kháng sinh phối hợp để chống nhiễm trùng, thường xuyên có sự can thiệp thêm từ phía chuyên khoa mạch máu.

Dai thao duong anh 1
Bệnh nhân N.V.T đang được các bác sĩ chăm sóc tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: BH

"Tại khoa, số lượng bệnh nhân nặng chuyển đến đông và thường đến ở giai đoạn khá muộn nên tỷ lệ bệnh nhân phải đoạn chi ở mức độ nhỏ như ngón, cho tới cao hơn là cẳng chân hoặc cắt cụt đùi phải trên 30%”, bác sĩ Mai Trang thông tin.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), khoảng 15-20% bệnh nhân đái tháo đường gặp biến chứng loét chân trong suốt cuộc đời. Cứ 30 giây sẽ có một bệnh nhân đái tháo đường ở đâu đó phải đoạn chi.

“Đây là một con số rất khủng khiếp. Là những người làm công tác chăm sóc bàn chân cho bệnh đái tháo đường, chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ giảm tỷ lệ cắt cụt cho bệnh nhân. Nguyên tắc điều trị của chúng tôi là cố gắng bảo tồn tối đa. Nếu bệnh nhân phải đoạn chi ở mức độ nhỏ, bác sĩ sẽ cố gắng sửa chữa ngón và bàn chân để giữ chi cho bệnh nhân đi lại tốt nhất”, bác sĩ Đặng Thị Mai Trang nói thêm.

Bệnh nhân bị tổn thương bàn chân thông thường sẽ có thời gian mắc bệnh trên 10 năm. Ngoài biến chứng bàn chân đái tháo đường họ cũng hay gặp các vấn đề về bệnh tim mạch, mắt, thần kinh ngoại vi, mạch máu ngoại vi, thận mạn tính.

Vì vậy, bác sĩ này khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường không nên tự chăm sóc, điều trị nhiễm trùng tổn thương bàn chân. Bởi chúng ta không hiểu biết về loại hình tổn thương cũng như mức độ tổn thương của bàn chân có thể dẫn tới nhiều hậu quả nguy hiểm là đoạn chi, cắt cụt chi.

Nhiễm trùng bàn chân và các tổn thương khác ở bàn chân khi xảy ra trên một người bệnh đã có bệnh lý thần kinh ngoại vi hoặc mạch máu ngoại vi thì những triệu chứng như giảm cảm giác, mất cảm giác đau, mất khả năng nhận biết được những triệu chứng tự bảo vệ của cơ thể, thị lực giảm, tiến triển rất nhanh.

“Từ một tổn thương nhỏ, đơn giản có thể do nứt kẽ ngón chân, viêm da, tê bì dùng các phương pháp sưởi nóng cổ truyền, có thể sau đó bệnh nhân không kiểm soát được, tổn thương đó âm thầm tiến triển hàng ngày và trở thành những vết loét, nhiễm trùng bàn chân lan rộng, viêm xương”, bác sĩ Mai Trang chia sẻ.

Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2017:

- Cứ 11 người trưởng thành (từ 20-79 tuổi) có 1 người bị đái tháo đường (425 triệu người), trong đó 50% không được chẩn đoán, điều trị (trên 212 triệu người).

- Thế giới phải chi 12% ngân sách (727 tỷ USD) cho bệnh đái tháo đường.

- Khoảng 1/6 số trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ.

- Có 79% số người mắc đái tháo đường đang sinh sống ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình, trong đó có Việt Nam.

Ước tính tới năm 2045: 1/10 người trưởng thành sẽ bị đái tháo đường (629 triệu người), chi phí y tế liên quan đến căn bệnh này sẽ vượt quá 776 tỷ USD.

Hơn 425 triệu người hiện sống với bệnh đái tháo đường trên thế giới, đa số là đái tháo đường type 2, phần lớn có thể ngăn ngừa được thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, duy trì môi trường sống lành mạnh.

Bệnh nhân nguy kịch vì chủ quan không tái khám sau khi thông tim

Bệnh nhân là một trong những người đầu tiên thực hiện đặt stent tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhưng không đi tái khám mà chỉ uống toa thuốc cũ.

Huệ Nguyễn

Bạn có thể quan tâm