Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cú đấm kép' vào giới trẻ Mỹ

Chi phí thuê nhà đắt đỏ và lạm phát ở mức cao nhất trong 41 năm đã trở thành gánh nặng lớn với người trẻ tại xứ cờ hoa. Họ buộc từ bỏ ước mơ tự lập, quay về sống với cha mẹ.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cộng thêm “cú đánh bồi” của lạm phát đã khiến nhiều người trẻ Mỹ tiếp tục “lánh nạn” ở nhà cha mẹ.

Điều đó đồng nghĩa với kế hoạch học tập, mua nhà và một số dự định khác của họ cũng phải tạm hoãn. Những người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z đã chuyển về sống cùng phụ huynh trong thời gian khủng hoảng vẫn cảm thấy bị phân tán.

Cuộc khảo sát mới nhất từ LendingTree cho thấy phần lớn người đã về quê trong thời kỳ đại dịch vẫn sống ở đó, hơn 2 năm sau khi Covid-19 lần đầu tấn công nước Mỹ.

Dữ liệu trên được dựa vào câu trả lời khảo sát từ hơn 1.300 bậc phụ huynh và ý kiến của nhóm Millennials (26-41 tuổi), thế hệ Z (18-25 tuổi) trong tháng 7/2022.

Kết quả chỉ ra rằng 32% đã chuyển về sống với gia đình trong thời gian bùng phát đại dịch, 2/3 trong số đó vẫn tiếp tục lưu trú tại đây.

Hơn một nửa cho biết việc trở lại thành phố lớn là không cần thiết, vì nhiều người tập trung vào việc trả nợ và tiết kiệm để mua nhà.

23% những người được khảo sát nói rằng cuộc di cư ngược là để tiết kiệm cho nghỉ hưu.

Hawaii, New Jersey và Florida là những bang có lượng người 24-40 tuổi sống với gia đình đông nhất.

Các nhà nghiên cứu cho biết chi phí sinh hoạt cao ở cả New Jersey và Hawaii có thể góp phần vào phát hiện này. Trong khi đó, thanh thiếu niên tại Florida, một bang có mức sống thấp hơn, quyết định ở lại đây để chăm sóc cha mẹ già.

Song voi gia dinh anh 1

Nhiều người trẻ không muốn quay lại nơi lập nghiệp mà tiếp tục sống với cha mẹ. Ảnh: Money Talks News.

Tính đến năm 2019, Florida có dân số 65 tuổi trở lên cao thứ 2 nước Mỹ, với hơn 1/5 (20,9%) người thuộc nhóm này trên toàn tiểu bang.

Việc chung sống với phụ huynh ít có khả năng xảy ra nhất ở North Dakota, Nebraska và South Dakota. Một phần có thể là do tỷ lệ thất nghiệp ở các bang này thấp.

Về phía các bậc cha mẹ, 85% nói rằng họ sẽ để con cái chuyển về ở khi trưởng thành hoặc đã làm như vậy.

73% không tính tiền thuê nhà nếu chúng quay lại. Nhưng đa số đều mong được phụ giúp trong công việc gia đình và những đứa trẻ của họ có việc làm ổn định.

Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra những thách thức mà người trẻ phải đối mặt khi mua nhà trong bối cảnh lạm phát gia tăng, lương trì trệ, giá thuê cao hơn ở xứ sở cờ hoa. Tất cả đều trở thành gánh nặng lớn cho giới trẻ.

“Đầu tiên là đại dịch, sau đó là giá cả, hai điều này đến liên tiếp, ảnh hưởng thẳng tới giới trẻ. Thực tế, với lạm phát cao như hiện nay và nền kinh tế suy thoái, rất khó để bất kỳ ai có thể đủ sống. Nhưng đặc biệt lao động trẻ mới bắt đầu sự nghiệp không thể xoay xở đủ tiền để thực hiện ước mơ tự lập”, Jacob Channel, nhà kinh tế cấp cao của LendingTree, nhận định.

Khi dọn ra khỏi nhà của cha mẹ, 73% số người được hỏi cho hay họ có xu hướng thuê nhiều hơn mua nhà.

Người nghèo ở Mỹ chỉ có thể thuê nhà của người giàu

Sau "cú đánh bồi" của đại dịch và lạm phát, thị trường nhà ở tại Mỹ trở nên bất ổn. Giá nhà cao, nguồn cung giảm đã khiến hy vọng mua nhà của tầng lớp trung lưu bị dập tắt.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm