Ông Jung Won-young trong căn hộ bán hầm của mình tại Seoul. |
Nấm mốc khiến trần và tường nhà đen sì. Hai căn phòng nhỏ luôn trong tình trạng ẩm thấp, thiếu ánh sáng, theo ABC News.
"Mùi bốc lên rất kinh khủng. Tôi không thể nấu ăn, không thể vào bếp. Tôi chỉ ăn một hoặc hai bữa mỗi ngày trong gần một tháng qua. Sức khỏe tinh thần của tôi đã bị ảnh hưởng trầm trọng".
Căn hộ bán hầm của ông Jung là một trong số khoảng 200.000 banjiha ở Seoul. Những ngôi nhà nằm dưới các tòa nhà chung cư, thường chỉ có một cửa sổ nhỏ hướng ra mặt đường.
Trước đây, banjiha được thiết kế làm nơi trú ẩn, không phải không gian sinh sống, nhưng trong những năm qua, chúng đã trở thành nơi ở của tầng lớp nghèo khó của thành phố.
Nhà bán hầm trở thành biểu tượng của sự bất bình đẳng tràn lan ở một trong những thành phố giàu có nhất thế giới.
Căn hộ bán hầm bị hư hại do mưa lũ hồi đầu tháng 8. |
Nguy hiểm rình rập
Đầu tháng 8, khi Seoul trải qua trận mưa lớn nhất trong một thế kỷ qua, tình cảnh cơ cực của người sống trong những ngôi nhà ẩm thấp, tăm tối đã được phơi bày.
Nhà của ông Jung cao hơn những nơi khác, nhưng vẫn bị hư hại nghiêm trọng. "Tôi không thể ngủ được và đã dành cả đêm để múc từng xô nước mưa đổ ra đường", ông kể.
Nhưng chính cái chết của một gia đình mới thực sự gây chấn động cả nước.
Một cô bé 13 tuổi, mẹ và người dì mắc hội chứng Down đã chết đuối trong banjiha khi dòng nước lớn chặn lối ra duy nhất.
Trận mưa lớn bóc trần khoảng cách giàu nghèo tại một trong những thành phố phát triển nhất thế giới. |
Nhiều cư dân khác cũng suýt mất mạng.
Một cặp vợ chồng ở độ tuổi 90 may mắn được cứu giúp kịp thời. Hàng xóm đã phá cửa sổ để kéo cả hai ra ngoài an toàn khi ngôi nhà chìm trong nước lũ.
Trước những câu chuyện thương tâm và gây phẫn nộ, chính quyền thành phố Seoul tuyên bố sẽ đưa cư dân ra khỏi banjiha trong khoảng 10-20 năm.
Tuy nhiên, những cam kết này có đạt kết quả hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Tiếp tục rơi vào lãng quên
Banjiha nổi lên vào những năm 1970, khi chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy các nhà phát triển xây dựng một phần không gian tầng hầm để hoạt động như boongke, trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Chuyên gia về nhà ở Park Mi-sun thuộc viện nghiên cứu định cư Hàn Quốc cho biết: "Banjiha không dành cho các khu dân cư. Nhưng sau khi đất nước phát triển nhanh chóng, được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa, nhiều người đã chuyển từ các vùng nông thôn ra thành thị - đặc biệt là Seoul, nơi có nhiều cơ hội hơn. Họ cần nhà ở. Banjiha đóng vai trò là nhà ở giá rẻ cho những người có thu nhập thấp".
Nhà bán hầm trở nên nổi tiếng, được truyền thông quốc tế chú ý khi bộ phim Parasite (Ký Sinh Trùng) ra rạp vào năm 2019.
Bộ phim từng đoạt giải Oscar mô tả một gia đình nghèo tìm cách mưu sinh và thoát khỏi căn nhà bán hầm của mình.
Trong thời kỳ bùng nổ bất động sản của Seoul, nhiều công trình kiến trúc cũ có banjiha đã bị phá bỏ và thay thế bằng các chung cư cao tầng. Nhưng kiểu nhà vẫn còn phổ biến ở một số khu vực nghèo hơn.
Ông Jung Won-young cho rằng chính phủ chỉ cam kết xóa bỏ banjiha mỗi khi xảy ra sự cố nghiêm trọng. |
Nhân viên xã hội Park Yong-hyun, người làm việc cho nhóm phúc lợi Sinwol, cho biết khoảng 10% khách hàng của ông vẫn sống trong banjiha.
"Đó là một không gian rất thiếu thốn cho người ở. Một điều quan trọng đối với con người là nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng nhà bán hầm thiếu ánh sáng mặt trời và ẩm thấp kể cả mùa hè. Nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống ở banjiha vì vấn đề tiền bạc", Park nói.
Giá bất động sản ở Seoul đã tăng vọt trong những năm gần đây và người dân phải đặt cọc khoản tiền rất lớn khi thuê nhà.
Chuyên gia về nhà ở Park Mi-sun cho biết các khoản tiền cọc lớn thường khiến những người sống ở banjiha không thể chuyển đi. "Số tiền đó nhiều hơn gấp 10-20 lần, hoặc thậm chí có khi gấp 100 lần tiền thuê".
Nếu chính phủ Hàn Quốc thực hiện cam kết của mình, bà Park ước tính cần xây thêm 100.000 ngôi nhà mới để di dời cư dân banjiha.
Nhưng theo bà, cũng cần phải làm việc nhiều hơn nữa để hiểu lý do cá nhân tại sao nhiều người tiếp tục sống trong banjiha.
Jung Won-young là một trong những người may mắn hơn. Ông dự kiến được chuyển đi trong vài tuần tới.
Nhưng ông lo ngại nhiều người khác sống ở banjiha sẽ bị bỏ lại phía sau và tiếp tục rơi vào quên lãng.
"Tôi nghĩ chính phủ chỉ nói vậy vì đó là một vấn đề cấp bách. Họ chỉ nói khi có sự cố. Nó sẽ bị lãng quên trong thời gian ngắn".