Ngày 30/9, rất đông thầy cô giáo ở TP.HCM cùng gặp gỡ, trò chuyện với nhau về nghề trong khuôn khổ tọa đàm “Nỗi niềm nghề giáo ở Việt Nam”, do TS Bùi Trân Phượng chủ trì.
Vấn đề được các thầy cô đưa ra bàn luận sôi nổi là trước thực trạng giáo dục hiện nay, các thầy cô sẽ làm gì? Than khóc, ném đá hay thôi kệ?
Với một góc nhìn khác tích cực hơn, thầy cô có thể làm gì để học sinh có cảm hứng mà học thật, để giáo viên - học sinh - phụ huynh cùng đồng hành với nhau?
Đừng quên trước mặt mình là một con người
Thầy Bùi Ngọc Chinh, Phó hiệu trưởng trường THCS, THPT Tuệ Đức, đưa ra câu chuyện về kỷ luật học sinh trong hầu hết nhà trường hiện nay. Thầy Chinh chia sẻ nhận thấy việc áp dụng các hình thức kỷ luật cho học sinh (như hít đất, thụt xì dầu...) chỉ khiến mâu thuẫn giữa học sinh với thầy cô, giữa thầy cô và phụ huynh ngày càng trở nên căng thẳng, nhà trường đã đưa ra hướng đi mới, đòi hỏi thầy cô phải tận tình hơn.
Theo đó, khi một học sinh vi phạm, thầy cô phải giúp học sinh hiểu được hành động đó là không đúng, tại sao học sinh lại phạm lỗi như vậy. Với những học sinh làm sai, nhà trường cho các em sắp xếp sách ở thư viện, lao động công ích từ 1-2 giờ đồng hồ...
Buổi trò chuyện do TS Bùi Trân Phượng (thứ hai từ phải qua) chủ trì thu hút nhiều thầy cô cùng đến tham gia. Ảnh: Thanh Tuyền/Pháp Luật TP.HCM. |
Những lần như vậy nhà trường đều có thông báo, trao đổi với phụ huynh của các em trước. Cũng chính từ cách làm này, thầy và nhà trường nhận ra một điều rằng giáo viên, học sinh và phụ huynh phải cùng đồng hành mới giúp các em đạt đến mục tiêu của mình.
Chia sẻ với cách làm của thầy Chinh, TS Bùi Trân Phượng nói việc cố gắng để thay đổi hành vi của trẻ vừa khó mà vừa dễ, vì xu hướng tự nhiên của trẻ là cố gắng để làm vui lòng người lớn. Lâu dần, chính điều này làm mất đi bản sắc riêng của mỗi đứa trẻ. TS Phượng nhấn mạnh là người thầy, đừng bao giờ quên rằng trước mặt mình là một con người.
“Mỗi con người không giống bất kỳ con người nào khác. Mỗi học sinh không giống bất kỳ học sinh nào mình từng gặp. Hạnh phúc của nghề giáo chính là trước mặt mình luôn là những con người khác biệt. Đừng nên quên con người trước mặt mình. Giúp một con người thay đổi hành vi, ứng xử, giá trị bên trong họ là quá trình lâu dài, nhất là không thể bỏ quên cái riêng của con người đó được”, TS Phượng nói.
Bà Phượng không đồng tình với cách gọi học sinh là cá biệt khi chúng không làm theo lời thầy cô dạy, lời người lớn khuyên răn.
“Cứ học sinh không nghe lời, thầy cô gán cho học sinh cái tên cá biệt. Nghe rất kỳ cục, con người thì phải là cá biệt, là cá thể khác biệt với người khác. Nếu con người không phải là cá thể khác biệt với người khác thì chẳng khác gì robot. Trên nguyên tắc, tất cả học sinh chúng ta đều phải cá biệt... Không cá biệt thì không phải là học sinh, trách nhiệm của mình là làm sao để cái cá biệt đó phát triển tốt nhất, sống hài hòa và hiệu quả nhất có thể”, TS Phượng nói.
TS Phượng luôn ủng hộ thầy cô đọc thật nhiều sách tham khảo, học hỏi thật nhiều để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng... Nhưng, bà mong thầy cô không áp dụng một cách rập khuôn những gì mình tích lũy được lên học sinh; phải để cho học trò nói lên quan điểm của mình.
“Mỗi khi bước vào lớp, tôi luôn xưng hô với học sinh của mình là tôi và cũng yêu cầu các em khi trả lời cũng xưng tôi. Điều đó tạo nên sự bình đẳng giữa hai bên, dễ dàng trao đổi cùng nhau hơn là việc xưng các em. Tôi thấy chúng ta cần thay đổi trước hết là từ việc xưng hô”, TS Phượng nói.
Thầy cô đừng xem mình là Đức Chúa trời
Đặt tiếp vấn đề về việc tôn trọng con người, mà ở đây là tôn trọng chính học sinh của mình, TS Bùi Trân Phượng nêu ra hai câu hỏi: “Nếu các thầy cô đã được học lý thuyết sư phạm mà bây giờ áp dụng vào nghề không còn phù hợp thì quá trình chuyển hóa bên trong đó diễn ra như thế nào? Có khi nào chúng ta tưởng rằng dạy người khác, hướng dẫn học sinh mà cuối cùng bất ngờ thấy rằng chúng ta lại học từ nó hay không?”.
Tại buổi trò chuyện, một phụ huynh đặt câu hỏi rằng việc thay đổi SGK có là yếu tố quyết định trong giáo dục?
TS Phương trả lời thẳng thắn: “SGK không phải yếu tố quyết định trong giáo dục. Tất nhiên, nó quan trọng, nhưng nếu chúng ta có đổi đến hàng trăm lần nội dung SGK mà bản thân giáo viên không thay đổi được trong kiến thức, tư duy, não trạng, trong cách làm giáo dục thì cũng không có ý nghĩa gì cả”.
Anh Bách (25 tuổi, một thầy giáo) thẳng thắn chia sẻ rằng anh phải mất gần ba tháng để có thể bước khỏi bục giảng, tiến đến gần hơn với học sinh của mình.
“Tôi từng thấy thầy cô của mình đứng trên bục giảng, họ cứ đứng trên đó giảng bài còn chúng tôi cứ ngồi dưới lắng nghe. Đến lúc trở thành thầy giáo, tôi cũng lặp lại hành động y như họ. Tôi không cần biết học sinh mình bên dưới đang ngáp ngắn ngáp dài, có hiểu bài hay không...”, anh Bách nói.
Anh nói tiếp: “Rồi một ngày, tôi bước chân xuống dưới, một cảm xúc dâng lên thật khó tả. Tôi thấy nét mặt của cậu học trò đang căng ra để hiểu bài, thấy tập vở của em đang viết gì. Lúc đó, tôi cảm nhận rằng, đứng ở dưới bục giảng, tôi và học trò trở nên bình đẳng. Chúng tôi có thể thoải mái để trò chuyện với nhau. Tôi không còn là người thầy dạy các em mà giống như người bạn chia sẻ kiến thức”.
Phải mất gần ba tháng để tập quen, anh Bách mới có thể thoải mái bước xuống bục giảng để nói với các em như những người bạn. “Đó là điều mà tôi đã tự mình đặt xuống để tiếp tục với nghề giáo”, thầy Bách nói.
10 năm đứng trên bục giảng, cô Hoàng Oanh đã rời bỏ giảng đường chỉ vì càng dạy càng thấy ngõ cụt ở phía trước.
Cô tâm sự: “Khoảng thời gian đi dạy, mỗi lần kỷ luật học sinh vì lỗi sai, tôi luôn tự hỏi thầy cô bảo trò làm sai, nhưng cơ sở nào để chúng ta khẳng định chúng ta làm đúng? Mình có chắc là đúng và đứa trẻ là hoàn toàn sai? Ai có quyền cho rằng các em sai và mình đúng? Tôi nhận thấy đúng, sai nó vô chừng và phụ thuộc nhiều hoàn cảnh”.
Theo cô Hoàng Oanh, một điều nữa là thầy cô thường hay la học trò không sáng tạo.
“Nhưng ngay trong những hành động rất nhỏ của mình, ngay trong câu nói của mình đã dập tắt sự sáng tạo, người lớn đã vô tình lấy cái khung ở bên ngoài áp vào đứa trẻ”, cô Hoàng Oanh nói.
TS Phượng chia sẻ theo cảm nhận của bà, dường như, nhiều thầy cô vẫn nghĩ rằng những điều mình nói ra cho học trò là chân lý.
“Tôi tha thiết mong thầy cô suy nghĩ lại, không phải những điều mình nói ra cho học trò đều là chân lý. Mỗi khi bước vào lớp, câu đầu tiên tôi nói với học trò của mình rằng những điều tôi nói với các bạn hôm nay là những điều tôi biết cho đến hôm nay. Sau này có thể tôi biết khác, nhưng đến hiện tại biết được bao nhiêu, tôi chia sẻ cho các bạn bấy nhiêu.
Nhiệm vụ của thầy cô giáo là làm cho học sinh biết cách học suốt đời, chứ không phải dạy các em đi thi suốt đời. Tôi mong các thầy cô hãy biết giới hạn của nghề, chúng ta không phải là Đức Chúa trời!”, TS Phượng nói.
Nội dung buổi tọa đàm nằm trong dự án TEACH (Cùng giáo viên thay đổi) do TS Bùi Trân Phượng khởi xướng, xuất phát từ trăn trở về những bất cập trong giáo dục Việt Nam hiện tại.
TEACH hướng đến giáo dục phổ thông, từ tiểu học đến hết trung học, bao gồm dạy văn hóa trong các trường trung học nghề. Đây là hoạt động của khoảng 1,24 triệu thầy cô giáo và 22,21 triệu học sinh trên cả nước.
Mục tiêu của dự án này là giáo viên tự học bằng trải nghiệm từ các nguồn tri thức khoa học mới để áp dụng thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả dạy học; áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến vào thực tiễn dạy học; ý thức được đổi mới giáo dục cần dựa trên nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại; giúp học sinh có thói quen đọc sách và nhận thức về bình đẳng giới...