Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cứ kêu cứu nhiều, điện ảnh Việt sẽ bị khán giả khinh thường

Một số nhà sản xuất phim Việt lên tiếng kêu cứu nhằm lôi kéo khán giả mua vé. Song, điều đó dần tạo ra hiệu ứng ngược khiến công chúng có cái nhìn tiêu cực với điện ảnh nước nhà.

Nghệ sĩ lên tiếng về việc 'phim Việt kêu cứu' "Phim dở có kêu cứu cũng không có người ủng hộ. Việc kêu cứu khiến khán giả khinh thường điện ảnh Việt hơn", đạo diễn Vũ Ngọc Phượng chia sẻ.

Năm 2019, khán giả chứng kiến nhiều nhà sản xuất (NSX) lên tiếng kêu gọi khán giả đến rạp để ủng hộ mua vé nhằm giúp tăng doanh thu phim. Mới nhất, NSX Dung Bình Dương viết tâm thư trên trang cá nhân với mong muốn người hâm mộ ủng hộ Ngốc ơi tuổi 17 để tránh nguy cơ lỗ nặng.

Trước đó, chị cũng tha thiết “cầu xin” các hệ thống rạp cho tác phẩm nhiều suất chiếu hơn với mong muốn thu hồi vốn. NSX cam đoan nếu phim không đạt doanh thu sau 7 ngày thì sẽ chấp nhận giảm suất chiếu theo quy định.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của nhiều đạo diễn phim, việc các NSX liên tục kêu cứu khán giả đang dần trở thành xu hướng tiêu cực. Thay vì ủng hộ, khán giả ngày càng thờ ơ và có cái nhìn thiếu thiện cảm với điện ảnh Việt.

Phim dở… có kêu trời cũng không thấu

Giữa thời điểm Ngốc ơi tuổi 17 đang trình chiếu, NSX Dung Bình Dương viết trên trang cá nhân rằng CGV chèn ép, không hỗ trợ tác phẩm trình chiếu rộng rãi. Theo lời bà, cụm rạp lớn nhất Việt Nam đã bỏ rơi phim Việt, đẩy phim vào bước đường cùng khi có nguy cơ thua lỗ nặng.

“Khi scandal của phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con xảy ra, CGV đã hoàn toàn bỏ rơi tôi, không tiếp tục phát hành Ngốc ơi tuổi 17 để tạo điều kiện cho nhà sản xuất phim thu hồi vốn. Họ còn chơi không đẹp khi sắp xếp suất chiếu quá ít như vậy”, bà chia sẻ trên báo chí.

phim viet keu cuu anh 1
NSX phim Ngốc ơi tuổi 17 đang lên tiếng kêu cứu khán giả ra rạp, tránh nguy cơ thua lỗ.

Anh Đinh Tuấn Vũ - đồng đạo diễn phim Ngốc ơi tuổi 17 - tỏ ra buồn bã khi bộ phim của mình bị CGV từ chối phát hành.

Chia sẻ với Zing.vn trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam năm nay, nhà làm phim tâm sự: “Tuy không tham gia sản xuất bộ phim ngay từ đầu, nhưng tôi khẳng định Ngốc ơi tuổi 17 là một tác phẩm chỉn chu, trọn vẹn khoảng 90%. Bộ phim học đường mang lại nhiều thông điệp, ý nghĩa cho khán giả. Người xem không những cười mà còn khóc với các nhân vật trong phim. Việc CGV không phát hành phim khiến cho bộ phim gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công chúng”.

Trước Ngốc ơi tuổi 17, lần lượt các NSX phim của Yolo - Bạn chỉ sống một lần hay Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi đã lên tiếng kêu cứu, cầu mong khán giả ủng hộ. Song, theo một số đạo diễn, việc phim Việt liên tục cầu cứu người xem đã trở thành một xu hướng tiêu cực, dần mang lại hiệu ứng ngược.

phim viet keu cuu anh 2
NSND Bùi Bài Bình mong muốn các NSX nâng cao chất lượng bộ phim trước khi ra rạp.

Cũng tại Liên hoan phim Việt Nam năm nay, NSND Bùi Bài Bình chia sẻ: “Một bộ phim làm ra mà không có ý nghĩa, không chứa đựng giá trị nhân văn, thì việc kêu cứu dường như vô nghĩa. Phim mà dở thì kêu trời cũng không thấu. Việc khán giả quay lưng cũng chính là bài học cho những tác phẩm không ra gì. Trước khi cầu cứu người xem hay đổ lỗi cho nhà phát hành, hãy xem lại chất lượng phim của mình”.

Chung ý kiến với NSND Bùi Bài Bình, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho biết việc thường xuyên kêu cứu khán giả đã khiến người xem ngày càng khinh thường nhà làm phim.

“Tôi nghĩ khi bỏ tiền thực hiện một bộ phim mà bị thua lỗ thì ai cũng xót xa. Tuy nhiên, phim đã dở thì kêu cứu ai cũng không ai ủng hộ. Thời gian gần đây, một số phim Việt lên tiếng cầu cứu khán giả để tránh thua lỗ. Tuy nhiên, chính điều này khiến người xem cảm thấy thương hại và khinh thường NSX. Trong suy nghĩ của họ, đạo diễn và ê-kíp là những người đáng thương, đáng tội nghiệp. Điều này khiến chúng tôi, những nhà làm phim chân chính, không mong muốn. Chúng tôi luôn tự hào, kiêu hãnh với nghề nghiệp của bản thân", anh khẳng định.

Đạo diễn của 100 ngày bên em đồng thời mong muốn trong tương lai, các NSX sẽ hạn chế việc cầu cứu khán giả trên mạng xã hội.

"Theo góc nhìn cá nhân tôi, việc kêu cứu khán giả không mang lại nhiều giá trị trong việc bán vé, tăng doanh thu, mà ngày càng trở thành xu hướng tiêu cực”, anh nhận định.

Phim dở mới phải cầu cứu khán giả đến rạp

Sau bài viết Vì sao ngày càng có nhiều phim Việt cầu cứu khán giả mua vé? đăng trên Zing.vn hôm 24/11, nhiều khán giả đã chỉ ra nguyên nhân họ quay lưng với phim Việt.

Độc giả Hạo Nam bình luận: "Thay vì làm một sản phẩm kiểu mỳ ăn liền, tại sao các nhà làm phim không đầu tư chỉn chu. Chỉ những người kém tài năng hoặc chất lượng phim quá dở mới phải đi cầu cứu. Việc khán giả quyết định bỏ tiền đi coi một bộ phim là tùy thuộc vào chất lượng tác phẩm đó. Phim dở thì dù phát miễn phí cũng không bỏ công đi xem, phí thời gian".

phim viet keu cuu anh 3
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng chia sẻ khó khăn của phim Việt là thiếu kịch bản hay, chỉn chu.

"Lâu lắm rồi tôi không ra rạp để coi một bộ phim Việt Nam. Bỏ tiền coi phim Việt thấy uổng lắm. Đa phần các bộ phim đều có cốt truyện thiếu mạch lạc, toàn chạy theo các xu hướng trên mạng xã hội nên dần dần thành nhảm, không có giá trị", độc giả Hoàng Nam nhận xét.

Một tài khoản khác bày tỏ: "Thay vì tạo ra chiêu trò để thu hút khán giả, mong các NSX hãy chú trọng đến chất lượng bộ phim. Phim hay thì khán giả sẽ kéo đến rạp, phim dở thì quay lưng".

Bàn về những khó khăn của điện ảnh Việt trong những năm gần đây, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho biết vấn đề quan trọng nhất vẫn là thiếu kịch bản hay, chỉn chu, và có giá trị xã hội.

"Tôi nghĩ để nâng cao chất lượng của phim Việt thì phải thay đổi kịch bản. Kịch bản hay sẽ tạo nên một tác phẩm có giá trị. Ở Việt Nam đang thiếu những nhà biên kịch xuất sắc. Chính vì vậy, tôi mong muốn các trường điện ảnh sẽ mở ra nhiều lớp đào tạo chuyên sâu cho các nhà biên kịch, để họ tạo ra những kịch bản hay và ý nghĩa. Biên kịch nên được nhìn nhận như một ngành khoa học", anh cho biết.

Điện ảnh Việt liên tục cầu cứu khán giả trong năm 2019

Năm nay, khán giả Việt Nam chứng kiến nhiều đoàn làm phim lên tiếng cầu mong người hâm mộ tới rạp mua vé ủng hộ khi doanh thu kém cỏi.

Vì sao ngày càng có nhiều phim Việt cầu cứu khán giả mua vé?

Vài năm qua, nhiều nhà sản xuất phim Việt cứ thế “than trời” khi bị chèn ép suất chiếu và kêu gọi khán giả ra rạp giải cứu “đứa con tinh thần” của họ.


Tường Bách

Bạn có thể quan tâm