Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cú liều lĩnh đưa nữ sinh đến đại học hàng đầu thế giới

Sau khi giành huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế, Phạm Mai Phương (lớp 12 Hóa, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) vừa trở thành sinh viên Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ.

Trong kỳ thi Olympic quốc tế 2014 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Mai Phương và một bạn cùng trường đã xuất sắc giành huy chương vàng với số điểm thuộc top 3 chung cuộc.

Đạt thành tích cao, nhưng việc được trở thành tân sinh viên của trường công nghệ xếp hạng số một thế giới - Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) - là điều Mai Phương cũng bất ngờ.

Chia sẻ về quyết định lựa chọn này, Mai Phương cho biết: “Lớp 12 của em có đến 10 bạn du học Mỹ. Ban đầu, lựa chọn này có phần theo phong trào, em chỉ nộp để thử sức, không được cũng vui vẻ. Em nộp hồ sơ vào MIT không phải vì trường danh tiếng, mà đơn giản rất thích một giáo sư đang hướng dẫn cho người bạn về đề tài ứng dụng hợp chất thiên nhiên để tạo nhiên liệu sạch, có hiệu suất cao. Đây là hướng đi em muốn theo đuổi”.

Mai Phương.
Mai Phương. Ảnh: VietNamNet.

Mai Phương cho hay, chỉ bắt tay vào việc chuẩn bị hồ sơ trước hạn chót 4 tháng. Điểm số các bài thi của Phương, theo bạn, không có gì nổi trội: TOEFL iBT: 109/120, SAT1: 2100/2400, SATS: 2400/2400.

“Tiếng Anh của em cũng không tốt bằng nhiều bạn. Em gặp khó khăn trong viết luận khi ngôn từ và cách diễn đạt lủng củng. Một số anh chị cũng bảo cơ hội vào MIT của em không lớn” – Mai Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, MIT không yêu cầu ứng viên viết hẳn bài luận khoảng 650 từ, mà chia nhỏ thành các câu hỏi, trả lời theo dạng đoạn văn, nên ngôn từ và đặc biệt ý tưởng của Mai Phương vẫn đủ sức thuyết phục hội đồng tuyển sinh của trường.

5 câu hỏi thú vị vào MIT

Câu hỏi đầu tiên của Mai Phương là ngành học yêu thích và tại sao bạn chọn MIT.

Câu thứ hai, quê hương của bạn có điểm gì đặc biệt ảnh hưởng con người bạn, hình thành ước mơ của bạn. Mai Phương đã chọn nói về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

Đồ ăn ở Việt Nam khá nổi tiếng, nhiều bạn bè quốc tế cất công sang Hội An tìm và thưởng thức cơm gà Bà Buội, bánh mỳ Phương…, nhưng việc quảng bá còn ít so với nước khác.

Việc vệ sinh an toàn thực phẩm là dấu hỏi lớn. Nhiều lần, Phương chứng kiến khách hàng của bố là người nước ngoài mang cả nước lọc sang Việt Nam. Họ rất cẩn thận, chỉ cần cốc nước không sạch, họ sẽ không bao giờ uống nữa. Nếu làm tốt việc này, có thể đưa đồ ăn Việt Nam đến với thế giới rộng rãi hơn. 

Câu thứ ba Mai Phương phải trả lời là trở ngại nào từng trải qua, ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của mình.

Ở câu này, Phương kể về lần đi gia sư môn Hóa học cho học sinh lớp 7. “Bố mẹ học sinh em dạy là bác sĩ, muốn con học Hóa để theo nghiệp gia đình. Nhưng qua vài buổi, em nhận ra bạn đó không có năng khiếu, và cũng nhiều lần phản kháng. Thấy con chậm tiến bộ, bố mẹ yêu cầu tăng buổi dạy thêm. Em quyết định nói với gia đình về khả năng học hóa của bạn và gửi lại tiền công, không dạy nữa. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bực tức, nói em thiếu nhiệt tình. Nhưng sau đó vài tuần, học sinh đó gọi điện nói bố mẹ đã cho em theo học môn tiếng Anh yêu thích. Bây giờ, bạn đó đã là học sinh trường chuyên ngữ và kết quả rất tốt".

Câu thứ tư yêu cầu Mai Phương viết 100 chữ kể một việc làm vì thích, vui. Thích chơi piano mỗi khi rảnh rỗi nên câu này không có gì khó khăn với Phương.

Cuối cùng, câu hỏi đặc điểm tính cách gì bạn thấy tự tin nhất ở mình, Mai Phương cho biết:. “Từ nhỏ em đã tò mò, lúc nào cũng muốn nạp thông tin. Có lẽ vậy, em rất hay đưa ý tưởng ở mọi vấn đề”.

Cú liều khác ở Microsoft

Không chỉ học giỏi môn Hóa, Mai Phương còn là thành viên Ban quản trị nhân sự của dự án sinh viên đại sứ công nghệ Microsoft thế hệ 5.

Chia sẻ về hoạt động này, Mai Phương cho biết: “Microsoft trước nay chỉ tuyển anh chị là sinh viên các trường đại học. Em đánh liều, cứ nộp hồ sơ. Qua đến vòng 3, em mới nói chưa từng học đại học. Có lẽ sự liều lĩnh ấy gây ấn tượng với họ nên em được nhận”.

Mới nhận công việc, Mai Phương đã khiến sếp trực tiếp của mình bị khiển trách. Lý do là một lần cô bạn đưa kế hoạch triển khai hoạt động, được sếp đồng ý, Phương quyết định mở Fanpage riêng tuyên truyền. Tuy nhiên, nội dung đó khác hoàn toàn quyết định trước đây khi cô nói chuyện với sếp.

Đến 23h, Phương nhận cuộc gọi qua Skype của sếp. Bạn đã trình bày chi tiết về kế hoạch của mình. Cuối cùng, sếp hỏi vậy dự án cần bao nhiêu người, em có làm lãnh đạo được không. Phương chắc chắn sẽ làm được và chỉ cần 2 người. Sếp đáp lại: “Nếu không thành công, em sẽ phải ra khỏi tổ chức. Nếu thành công, anh chưa nói trước được gì”.

“Thật vui là dự án thành công, em được đi dự buổi tiệc vừa qua của Microsoft tại Đà Nẵng” – Mai Phương cho hay.

Tháng 8 tới, Mai Phương sẽ đến Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), học chuyên ngành công nghệ hóa học. Sau khi hoàn thành bậc đại học và thạc sĩ, Mai Phương dự định sẽ trở về Việt Nam và khởi nghiệp trong lĩnh vực hóa học với mong muốn phát triển đất nước hơn nữa.

Học viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ (MIT) được đánh giá là trường đại học tốt nhất thế giới. MIT, nổi tiếng nhờ hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong các ngành Vật lý, Kỹ thuật, Sinh học, Kinh tế, Ngôn ngữ, Quản lý. Trường này có 81 người được giải Nobel và nhiều giải thưởng khoa học danh giá khác.

U.S. News xếp MIT hạng thứ 5 tổng thể (best value) trong số các trường đại học cấp quốc gia ở Mỹ, trong đó, riêng ngành đào tạo Kỹ thuật được xếp hạng nhất (gồm 6 ngành Không gian, Điện, Hóa, Thông tin, Vật liệu và Cơ khí), về Kinh doanh xếp hạng 2, Kỹ thuật sinh học xếp hạng 4, Khoa học về sức khỏe và y tế xếp hạng 7 (2010).

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/241253/cu-lieu-linh-dua-nu-sinh-den-dai-hoc-hang-dau-the-gioi.html

Theo Văn Chung/Báo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm