Mỹ Latin từng là “tâm bão” Covid-19 khi chiếm hơn 30% số ca tử vong vì căn bệnh này trên toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này hiện vượt mặt Mỹ và phần lớn thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, theo Wall Street Journal.
Áp dụng kết hợp các loại vaccine của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, Nam Mỹ đã tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ cho khoảng 62% dân số, cao hơn châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo Our World in Data, khoảng 60% người châu Âu đã nhận đủ 2 liều vaccine, trong khi khoảng 56% người ở Bắc Mỹ và 54% người châu Á được tiêm chủng đầy đủ.
Tỷ lệ khả quan của Mỹ Latin một phần là nhờ bài học từ những chiến dịch tiêm chủng thành công trước đây của khu vực (như trong cuộc chiến chống bệnh sốt vàng da), và người dân nói chung đều đón nhận vaccine.
Tỷ lệ tiêm chủng cao
Sự lan rộng của Omicron ở châu Âu và Mỹ cho thấy vẫn còn quá sớm để Mỹ Latin vui mừng trước những thành công của họ, khi mà biến chủng này đang bắt đầu lây lan ở khu vực trong kỳ nghỉ lễ.
Thêm vào đó, không phải tất cả quốc gia trong khu vực đều có chiến dịch tiêm chủng hiệu quả. Đơn cử, chỉ mới 1/3 dân số Guatemala nhận được liều vaccine đầu tiên. Mexico xếp cuối cùng trong số các nước Mỹ Latin về tỷ lệ chủng ngừa Covid-19.
Tiêm ngừa Covid-19 ở El Salvador. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, khu vực đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể về tình hình dịch bệnh.
Mỹ Latin chỉ chiếm 8% dân số thế giới, nhưng đến giữa năm 2021 đã ghi nhận 1/3 số ca tử vong trên toàn cầu. Nhưng đến tháng trước, con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 8%, khi chiến dịch tiêm chủng được mở rộng ở nhiều quốc gia, từ Brazil và Chile giàu có hơn, cho đến một số quốc gia nghèo hơn như El Salvador.
Các quan chức y tế tin rằng đó là một trong những lý do giúp số ca bệnh ở khu vực này chưa tăng cao dù đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Gần 2/3 trong số 6,5 triệu người El Salvador đã tiêm 2 liều vaccine, đứng thứ hai ở Trung Mỹ, sau Costa Rica. Các nhân viên y tế cho rằng sự tiến bộ này là nhờ nỗ lực thu mua vaccine từ hầu hết nhà sản xuất, từ Trung Quốc cho đến các hãng dược của Mỹ và châu Âu như Pfizer và AstraZeneca.
Tỷ lệ tiêm vaccine cao trong nước thậm chí đã giúp El Salvador có vaccine để tài trợ hơn 30.000 liều cho nước láng giềng Honduras trong năm nay. Trong tháng này, Tổng thống Nayib Bukele cho biết đất nước của ông sẽ chọn không nhận thêm vaccine từ cơ chế COVAX.
“Chúng tôi nhường phần của mình cho các quốc gia khác. Ơn trời, chúng tôi có đủ, và có những quốc gia khác cần chúng hơn”, ông viết trên Twitter.
“Về việc cung cấp vaccine cho người dân, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã quản lý khá tốt”, tiến sĩ Iván Solano - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng, công nhận nỗ lực của chính phủ.
Thoát khỏi tâm bão Covid-19
Trên toàn khu vực, các cơ quan y tế cho biết tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp các chính phủ có thể nới lỏng hạn chế đối với việc di chuyển và kinh doanh. Tại Brazil, nơi ghi nhận 618.000 người chết vì Covid-19 - cao thứ 2 thế giới sau Mỹ, phần lớn cuộc sống đã trở lại bình thường.
Mỹ Latin từng là một trong những tâm dịch của thế giới, chiếm đến ⅓ số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu hồi giữa năm 2021. Ảnh: AP. |
Carlos Fortaleza, nhà dịch tễ học tại Đại học bang São Paulo, cho biết: “Bước nhảy vọt về tỷ lệ tiêm chủng là yếu tố đưa Brazil ra khỏi tâm bão Covid-19”.
Hiện nay, gần 80% dân số Brazil tiêm ít nhất một liều vaccine, 66% đã nhận đủ hai liều, và hơn 10% đã được tiêm nhắc lại, theo Our World in Data.
Tại Colombia, hơn 50% trong số 50 triệu người dân đã được chủng ngừa Covid-19 đầy đủ. Các cơ quan y tế bày tỏ sự nhẹ nhõm khi tỷ lệ mắc và tử vong vì Covid-19 giảm mạnh. Nước này cũng trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới đã tiêm chủng cho trẻ em dưới 3 tuổi.
Colombia đang ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, giảm sâu so với 30.000 trường hợp hồi tháng 6. Số người chết đã giảm từ gần 700 người mỗi ngày cũng trong tháng 6 xuống còn 50 người mỗi ngày trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết họ đang tăng cường một chiến dịch công khai nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng đầy đủ và tiêm nhắc lại, vì lo ngại về khả năng bùng dịch do tụ họp trong kỳ nghỉ lễ và do Omicron.
Julian Fernández, Giám đốc dịch tễ học của Bộ Y tế Colombia, cho biết: “Hai tuần sắp tới rất quan trọng để tiêm chủng”.
Ở phần lớn khu vực Mỹ Latinh, các thành phố lớn có tỷ lệ tiêm chủng cao, với ⅔ dân số đã được tiêm ít nhất một liều. Hơn 70% người dân ở Pereira của Colombia đã được tiêm chủng đầy đủ.
Thị trưởng Pereira Carlos Maya cho biết nhân viên y tế thành phố đã dựng các trạm tiêm chủng tạm thời tại trạm xe buýt và cáp treo công cộng, cũng như bên ngoài sân vận động bóng đá để đẩy mạnh việc tiêm vaccine. Đây là thành phố đầu tiên trong cả nước yêu cầu chứng nhận tiêm chủng đối với người đến xem bóng đá, thị trưởng nói.
Một điểm tiêm ngừa Covid-19 ở Panchimalco, El Salvador. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, sự đồng thuận của người dân góp phần vào thành công của chiến dịch tiêm chủng. Tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, 83% trong số 3 triệu dân của thành phố đã được tiêm phòng đầy đủ, và 14% đã được tiêm nhắc lại.
Người đứng đầu cơ quan y tế của thành phố, Fernán Quiros, cho rằng thành công này là nhờ “mối quan tâm của xã hội Argentina đối với các chiến dịch tiêm chủng”.
“Họ nhanh chóng chấp nhận vaccine,” ông nói.
Tại El Salvador, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn 90% người dân được khảo sát đều chấp thuận cách xử lý đại dịch của chính phủ.
Hector Enrique Díaz (35 tuổi) một tài xế xe tải đang chuẩn bị tiêm vaccine tăng cường, nói: “Bất kể chính phủ dùng cách gì để giúp mọi người được tiêm phòng, đó đều là cách đúng đắn”.
Tuy nhiên, trong khi các thành phố lớn ở Mỹ Latin đã đẩy mạnh việc chủng ngừa, thì tỷ lệ tiêm vaccine ở các vùng nông thôn lại bị tụt lại hậu. Brazil có 78% người dân ở bang São Paulo được tiêm phòng đầy đủ, nhưng chưa đến 40% người ở bang Roraima nhận đủ 2 liều. Các quốc gia khác cũng phải đối mặt với khoảng cách rõ rệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa thành phố và nông thôn.
Bộ trưởng Y tế Colombia Fernando Ruiz cho biết: “Vẫn còn thách thức trong việc tiếp cận các vùng nông thôn”.