Vụ lừa đảo bạc tỷ của một cô gái có nickname Tina Duong đang gây xôn xao những ngày gần đây. Một bài đăng trên Facebook tố cáo người này lên kế hoạch bài bản, thuê diễn viên, thao túng tâm lý, tổ chức đám cưới giả để "săn mồi" các nạn nhân.
Câu chuyện này có nhiều nét tương đồng với các vụ lừa đảo nổi tiếng trên thế giới, nơi hung thủ cũng dùng vỏ bọc giàu sang, mác "tiểu thư", "rich kid" để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Số lượng nạn nhân trong một số vụ là hàng trăm hay thậm chí là hàng nghìn người.
Cặp vợ chồng lừa đảo ở Singapore
Giữa tháng 8, cặp vợ chồng Pi Jiapeng (26 tuổi, người Singapore) cùng vợ Pansuk Siriwipa (27 tuổi, người Thái Lan) đã hầu tòa phiên đầu tiên sau khi bị dẫn độ về nước, theo Straits Times.
Tại phiên tòa, mỗi nghi phạm đối diện với ba cáo buộc, hai trong số đó liên quan đến hành vi lừa đảo, một cáo buộc còn lại là rời khỏi Singapore trái phép.
Trước đó, sau hơn một tháng lẩn trốn, cặp vợ chồng Pi và Siriwipa đã bị bắt giữ và đưa về Singapore hôm 11/8.
Kể từ tháng 6, cảnh sát Singapore đã nhận được gần 200 khiếu nại, trình báo việc bị lừa đảo khi đặt mua hàng hiệu của vợ chồng Pi và Siriwipa.
Các nạn nhân khai rằng họ đã thanh toán trước một khoản tiền lớn để đặt mua các vật phẩm có giá trị như đồng hồ Rolex, túi Hermès song không nhận được hàng. Số tiền lừa đảo được cho lên đến 23 triệu USD.
Pi Jiapeng và vợ Pansuk Siriwipa bị bắt vì cáo buộc lừa đảo 23 triệu USD và bỏ trốn. Ảnh: CNA. |
Theo các nạn nhân, Pi và Siriwipa đã cố tình tạo dựng cuộc sống xa hoa, đáng mơ ước, sau đó tiếp cận, làm thân với họ bằng 1-2 giao dịch hàng hiệu trót lọt ban đầu.
Nhưng khi số tiền giao dịch lên đến hàng triệu, cặp vợ chồng cố gắng trì hoãn việc giao hàng, cắt đứt liên lạc và cuối cùng bỏ trốn ra nước ngoài.
Một số nạn nhân thậm chí được cặp đôi lừa đảo mời đến nhà dùng bữa, trở nên rất thân thiết và nhận được lời đề nghị hợp tác kinh doanh.
"Có những chi tiết rất đáng ngờ nhưng mối quan hệ thân thiết khiến tôi nghĩ rằng có thể mình đã suy nghĩ quá nhiều. Họ nói sắp mở một cửa hàng, cần mua thêm đồng hồ để sẵn sàng cho việc khai trương và nói tôi có thể đầu tư cùng", một nạn nhân tiết lộ.
Nếu bị kết tội, cặp vợ chồng có khả năng đối mặt với mức án tù 10 năm và phải nộp tiền bồi thường cho hành vi lừa đảo. Với tội xuất cảnh bất hợp pháp, họ có thể bị bỏ tù 6 tháng và phạt tiền.
Hot girl Thái Lan lừa 6.000 người
Natthamon Khongchak (29 tuổi) đang bị cảnh sát Thái Lan truy bắt vì bị cáo buộc lừa đảo 6.000 nhà đầu tư với số tiền lên đến 2 tỷ baht (hơn 55 triệu USD).
Natthamon, vũ công kiêm ca sĩ từng ra mắt tại Hàn Quốc, được cho lợi dụng sự nổi tiếng và hình ảnh sang chảnh trên mạng xã hội để mời gọi người theo dõi gửi tiền vào tài khoản của mình, hứa hẹn lợi nhuận cao.
Đa số nạn nhân đều là những người hâm mộ Natthamon lâu năm. Một số người đã theo dõi cô hơn 10 năm và sẵn sàng gửi số tiền hàng chục triệu baht khi được mời gọi đầu tư.
Natthamon có hơn 800.000 người đăng ký trên kênh YouTube và rất nhiều lượt theo dõi trên các nền tảng trực tuyến khác. Năm ngoái, cô bắt đầu tự quảng cáo mình là một chuyên gia kinh doanh ngoại hối.
Natthamon Khongchak được cho đã bỏ trốn sang Malaysia sau khi lừa đảo hơn 55 triệu USD. |
Cô gái 29 tuổi này nói mình có thể kiếm được 300.000 baht (8.200 USD) trong 10 phút.
Luật sư Phaisal Ruangrit, đại diện các nạn nhân, cho biết Natthamon hứa hẹn những người đầu tư cùng mình sẽ nhận được lợi nhuận ít nhất 35% và các khoản thanh toán hàng tháng. Hơn 6.000 người đã tin tưởng và bị lừa.
"Cô ấy thường đăng ảnh xe hơi, đồng hồ, túi xách và tài sản khác trên mạng xã hội để thể hiện sự giàu có. Cô ấy cũng khẳng định bản thân đã kiếm được tiền để mua những món đồ này nhờ các giao dịch ngoại hối thông qua một nhà môi giới có tên 'IQ option'", Trung tá Watthana Ketumpai, Trưởng phòng điều tra tội phạm số 5, nói với truyền thông Thái Lan.
Các nhà chức trách đã nhận được hơn 100 đơn khiếu nại. Lệnh bắt giữ đã được ban hành đối với Natthamon và trợ lý của cô.
Kẻ lừa đảo Tinder
Tự giới thiệu mình là con trai của tỷ phú kim cương Lev Leviev, Shimon Hayut (hay còn gọi là Simon Leviev) đưa các cô gái vào tròng bằng những món quà, chuyến đi, lời hứa hẹn về tình yêu, cam kết.
Sau khi có được lòng tin, Hayut yêu cầu nạn nhân cung cấp số tiền lớn với lý do anh ta cần bảo vệ danh tính của mình khỏi "kẻ thù".
Cecilie Fjellhoy, Pernilla Sjoholm và Ayleen Charlotte là những nạn nhân đã xuất hiện trong bộ phim The Tinder Swindler (tạm dịch: Kẻ lừa đảo Tinder) do Netflix sản xuất để kể việc họ đã gặp Hayut trên Tinder như thế nào và bị anh ta thao túng tâm lý, lừa tình, lừa tiền ra sao.
Fjellhoy, 29 tuổi khi gặp Hayut vào năm 2019, nói rằng cô đã bị lừa hơn 270.626 USD. Còn Sjoholm kể mình đã đưa cho kẻ lừa đảo ít nhất 45.000 USD.
Shimon Hayut khoe khoang cuộc sống sang chảnh trên mạng xã hội. Ảnh: @simon_leviev_official. |
Trong The Tinder Swindler, Simon bị cáo buộc dùng tiền của nạn nhân trước để gây ấn tượng cho các nạn nhân sau và phục vụ cuộc sống xa hoa của mình.
Ba cô gái vạch trần Simon trong bộ phim tài liệu thực chất mới là chỉ là "phần nổi". Con số nạn nhân thực tế lớn hơn rất nhiều.
Những nạn nhân này đã tạo ra một trang GoFundMe nhằm kêu gọi sự giúp đỡ để trả nợ. Trong khi đó, Hayut bị kết án 15 tháng tù nhưng được thả tự do chỉ sau 5 tháng.
Người này hiện vẫn có cuộc sống xa hoa tại Israel, kiếm lời từ sự nổi tiếng của The Tinder Swindler, viết sách, ra mắt podcast và thậm chí mong muốn gia nhập Hollywood.
Tiểu thư dựng chuyện Anna
Vài ngày sau khi công chiếu The Tinder Swindler, Netflix tiếp tục cho ra mắt một bộ phim khác cùng chủ đề, Inventing Anna.
Phim dựa trên câu chuyện có thật về kẻ lừa đảo khét tiếng, Anna Sorokin. Từ năm 2010 đến 2017, Sorokin đóng giả làm người thừa kế triệu phú Anna Delvey để lừa đảo các tổ chức tài chính và giới thượng lưu toàn cầu.
Về bản chất, Sorokin và Hayut đã lên kịch bản tương tự nhau: Dành nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để xây dựng hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội, cố gắng chiếm lấy lòng tin trước khi lừa gạt các nạn nhân.
Anna Sorokin lần đầu tiên trở thành tâm điểm chú ý vào mùa xuân năm 2018 sau một câu chuyện trên tạp chí New York của nhà báo Jessica Pressler.
Theo Pressler, Sorokin đã sử dụng danh tính giả là "người thừa kế Anna Delvey sinh ra tại Đức" để thâm nhập giới giàu có ở Manhattan và sống xa hoa trong các khách sạn Soho.
Cô đã lên kế hoạch huy động vốn từ các ngân hàng để phát triển Quỹ Anna Delvey, một không gian nhà hàng và nghệ thuật hỗn hợp.
Anna Sorokin ngồi tù vì lừa đảo các tổ chức, cá nhân dưới cái mác "tiểu thư nhà giàu". Ảnh: AP. |
Sorokin cuối cùng bị bắt vào năm 2017 và bị xét xử vào năm 2019. Cô bị kết án 8 tội danh và được trắng án 2 tội - bao gồm cả tội nghiêm trọng nhất là cố gắng ăn cắp hơn 1 triệu USD từ City National Bank.
Cô được trả tự do vào tháng 2, sau 4 năm ngồi tù, nhưng bị bắt lại vì quá hạn visa. Sorokin đang bị giam giữ tại nhà tù New Jersey bởi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ trong thời gian chờ trục xuất về Đức.
Đầu năm 2021, Netflix được cho đã trả 320.000 USD cho Sorokin để đưa cuộc đời "rich kid giả mạo" lên một bộ phim "nửa thật nửa hư cấu".
Sorokin đã sử dụng 199.000 USD trong số tiền này để bồi thường cho các ngân hàng, cộng với 24.000 USD để giải quyết các khoản phạt khác của tiểu bang. Ngoài ra, cô còn tốn phí luật sư và các thủ tục pháp lý.
Theo Insider, Sorokin có thể còn lại khoảng 22.000 USD trong khoản thỏa thuận 320.000 USD với Netflix.