Đoạn video dài khoảng 2 phút ghi cảnh thanh niên đốt bằng đại học được chia sẻ trên mạng ngày 22/1.
"Cảm giác không còn gì để làm chỗ dựa sẽ khiến người ta cố gắng nhiều hơn. Từ bỏ mọi thứ để đến với ước mơ", chàng trai viết trên mạng.
Cựu sinh viên đã đốt bằng tốt nghiệp đại học do bất mãn với gia đình. Ảnh: Cắt từ clip. |
Phút nông nổi
Người này là P.A.T., quê Tiền Giang, sinh viên khóa 36 của ĐH Kinh tế TP.HCM. T. tốt nghiệp đại học hệ chính quy, chuyên ngành Chứng khoán, ngành đào tạo Tài chính - Ngân hàng. Nam thanh niên tốt nghiệp đại học năm 2014 loại trung bình khá.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thiện Duy, Trưởng phòng Công tác Chính trị, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết khi thấy thông tin trên mạng xã hội, nhà trường chủ động liên hệ để tìm hiểu nguyên nhân.
Qua trao đổi với T., ông Duy cho hay em này bức xúc vì không được làm việc theo ý muốn. T. muốn tự kinh doanh riêng, trong khi gia đình lại hướng chàng trai này theo ngành khác.
"Sau khi trao đổi, T. đã ý thức được hành động của mình gây ảnh hưởng không tốt. T. hối hận và đã gửi thư xin lỗi đến nhà trường", ông Duy nói.
Thư xin lỗi T. gửi đến nhà trường bày tỏ sự hối lỗi trước hành động nông nổi của mình. Ảnh: ĐH Kinh tế TP.HCM. |
Phủ nhận quá trình cố gắng
Trước T., mạng xã hội từng xôn xao trước việc cô gái trẻ đốt từ học bạ đến sách vở. Thông tin không rõ vì sao cô gái này đốt học bạ, nhưng đã gây ra luồng tranh luận về sự quan trọng của bằng cấp và hoài nghi về chất lượng giáo dục hiện nay.
Một trường hợp khác, tài khoản Facebook X.H cũng đăng thông tin một cử nhân của trường đại học có tiếng ở Hà Nội đốt bằng cử nhân với mong muốn… thức tỉnh cộng đồng. Thanh niên này đều cho rằng tấm bằng đại học không có giá trị, ý nghĩa khi họ bước vào đời.
Cử nhân một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ ảnh đốt học bạ, bằng đại học gây tranh cãi trên mạng. |
Nhiều ý kiến cho rằng tấm bằng không thể chứng minh được giá trị con người nhưng nó chứng nhận cho quá trình cố gắng của bạn trẻ. Đốt bằng đồng nghĩa việc phủ nhận quá khứ, sự nỗ lực và những năm tháng tuổi xuân của chính chủ nhân.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng bằng đại học không chỉ mang giá trị chứng nhận, mà là kết quả nhiều năm gây dựng của bản thân, thầy cô, bạn bè, và cả những giọt nước mắt, mồ hôi của bố mẹ. Đừng nghĩ bằng đại học là của riêng bạn, ngay cả khi bạn có thể tự lập từ sớm.