Nghề shipper giúp Tang Yong Jun trả khoản nợ hơn 400.000 nhân dân tệ. Ảnh: Baidu. |
Năm 2015, Tang Yong Jun tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật sinh học của Học viện Phàn Chi Hoa Tứ Xuyên (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp đại học, Tang không chọn làm công việc liên quan chuyên ngành mình theo học mà quyết định làm nhân viên bán thiết bị y tế cho một công ty ở Phàn Chi Hoa (Tứ Xuyên).
Sau đó, do công việc không suôn sẻ, anh quyết định về lại trường cũ mở cửa hàng kinh doanh nước.
Tuy nhiên, vào năm 2016, khi công việc làm ăn đang tiến triển tốt đẹp, cha của Tang Yong Jun bỗng đổ bệnh nặng, anh đành bỏ công việc kinh doanh, trở về quê hương ở Toại Ninh (Tứ Xuyên, Trung Quốc) để bán hàng cho một công ty nông nghiệp.
Tang Yong Jun từng thử kinh doanh nhưng bị lừa hết tiền và gánh khoản nợ lớn. Ảnh: Haibao News. |
Năm 2017, nhận thấy triển vọng phát triển rộng mở của ngành nông sản hữu cơ, Tang Yong Jun quyết định cùng bạn bè hợp tác phát triển ngành này.
“Vào thời điểm đó, tôi lấy tiền tiết kiệm của mình và vay mượn từ người thân, bạn bè để đầu tư, tổng cộng là 300.000 nhân dân tệ (tương đương 43.000 USD)”, Tang cho biết.
Thời gian đầu, công việc của Tang diễn ra rất thuận lợi. Nhưng vì nhẹ dạ cả tin, anh đã bị bạn bè lừa mất trắng 300.000 nhân dân tệ tiền đầu tư, thậm chí anh phải gánh thêm khoản nợ 400.000 tệ (gần 58.000 USD)”.
Sự thất bại trong lần kinh doanh này không hề khiến Tang Yong Jun gục ngã. Dù đang gồng gánh áp lực từ khoản nợ lớn, anh vẫn lên kế hoạch tìm công việc mới kiếm tiền trả nợ.
Chuyển nghề shipper, giao 1.000 đơn mỗi tháng
Tang Yong Jun chia sẻ với Haibao News rằng anh chọn làm shipper giao đồ ăn vì công việc này không tính lương theo tháng mà trả lương theo số lượng đơn hàng. Hoàn thành càng nhiều đơn hàng, anh càng kiếm được nhiều tiền.
Lúc đầu chưa thạo việc, mỗi ngày Tang chỉ kiếm được 100-200 nhân dân tệ (tương đương 14-29 USD). Sau đó, anh nhận ra buổi tối đường vắng xe, hiệu suất giao đồ ăn cao hơn ban ngày rất nhiều. Vì thế, anh bắt đầu giao nhiều đơn hàng vào ban đêm hơn, từ đó thu nhập tăng lên.
Tang Yong Jun tâm sự khoảng thời gian đầu, nợ nần quá nhiều nên anh rất hay mất ngủ, mỗi ngày anh chỉ ngủ 5-6 giờ, thời gian còn lại, anh đều đi giao hàng kiếm tiền.
“Sau 21h, nhiều đơn đặt hàng phải chạy hơn 5 km, nhưng vì buổi tối không tắc đường, phí ship lại cao, tôi vẫn quyết định nhận đơn”, Tang cho biết.
Ước tính trong một tháng, Tang có thể giao nhiều nhất khoảng 1.000 đơn, kiếm 20.000 nhân dân tệ (tương đương 2.896 USD).
Tang có thể giao 1.000 đơn hàng mỗi tháng. Ảnh minh họa: Visual China. |
Trả hết nợ, mua được nhà
Đây là năm thứ 6 Tang Yong Jun làm công việc giao đồ ăn. Giờ anh đã là nhân viên chính thức của công ty giao hàng Meituan. Sau 5 năm làm việc, ngoài việc trả được khoản nợ hơn 400.000 nhân dân tệ, Tang còn mua được một căn nhà tại Thành Đô.
“Vào khoảng cuối năm 2021, tôi đã mua một căn chung cư nhỏ ở Thành Đô với giá khoảng 300.000 tệ, tôi phải đặt cọc trước cho người ta 100.000 tệ (gần 14.500 USD)”, Tang chia sẻ, đồng thời cho biết mục tiêu năm nay của anh là mua một chiếc xe mới.
Tuy nhiên, điều khiến Tang Yong Jun vui hơn việc mua nhà là trong những năm đi giao đồ ăn, anh đã gặp được nửa kia của mình.
"Cô ấy cũng là một shipper, chúng tôi gặp nhau khi đi giao đồ ăn. Tôi và cô ấy rất hay trò chuyện với nhà và cả hai đều có ấn tượng tốt về nhau. Trò chuyện mãi rồi chúng tôi quyết định đến với nhau”, Tang Yong Jun hạnh phúc chia sẻ với. Gần đây, cả hai cũng đang bàn đến chuyện kết hôn.
Sau khi câu chuyện của Tang được các trang báo Trung Quốc đưa tin, nhiều lời bàn tán về anh cũng bắt đầu xuất hiện. Không ít người cho rằng anh đang lãng phí những điều mình đã được học ở trường, thậm chí có người thẳng thừng nói cha mẹ cho con tiền đi học đại học không phải để sau này con làm shipper.
Tang không quá bận tâm đến những lời ra tiếng vào này. Với anh, tự kiếm tiền không phải điều đáng xấu hổ.
Ngày 3/2, khi trả lời phỏng vấn của Haibao News, Tang cho rằng không có nghề cao quý hay thấp kém, sự cao quý phải do bản thân mình tạo ra. Tuy đã trả hết nợ, anh vẫn sẽ tiếp tục làm công việc này.
Lý giải cho việc tốt nghiệp đại học nhưng lại làm shipper, Tang cho biết sau khi ra trường, anh chưa từng làm công việc liên quan kỹ thuật. Do đó, bây giờ anh rất khó để đặt chân vào thị trường việc làm của ngành kỹ thuật. Dù làm trái ngành, mẹ của Tang vẫn ủng hộ quyết định của anh, bản thân anh cũng đang dần chuyển hướng sang công việc quản lý.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.