Không có kiến thức, kỹ năng về làm bánh, nhưng nhờ chăm chỉ, kiên trì học hỏi, Nguyễn Thị Hiên (sinh năm 1990) từ nhân viên bồi bàn trở thành đầu bếp của khách sạn 5 sao.
Đầu bếp 9X Nguyễn Thị Hiên. |
Một năm chờ việc
Năm cuối đại học, bạn bè lo lắng về công việc sau khi ra trường, Nguyễn Thị Hiên (khoa Quản trị doanh nghiệp, đại học Thương Mại) tỏ ra bình thản. Bố mẹ, thông qua các mối quan hệ, đã lo cho Hiên chỗ làm ở một cơ quan dưới quê.
Thế nhưng về quê, Hiên đợi hơn 1 năm không có việc. “Chưa bao giờ tôi thấy thời gian trôi đi chậm thế. Tôi chỉ ở trong nhà, ngại ra ngoài gặp mọi người. Vì gặp, chắc chắn họ sẽ hỏi: “Sắp tới làm ở đâu hả cháu” hay “Xin việc đâu chưa?”. Tôi ngại cả những tin nhắn hỏi thăm của bạn bè về công việc, cuộc sống”, Hiên nhớ lại.
Cái Tết đầu tiên sau khi ra trường, Hiên ở lì trong nhà. “Năm mới, mọi người gặp nhau để nói về những gì làm được trong năm đã qua, dự định tương lai. Tôi thì vẫn thế, không có gì, thấy mình thật lạc lõng".
Thời gian đợi việc dưới quê, Hiên tìm thấy niềm vui trong làm bánh. Ban đầu, Hiên coi làm bánh là thú vui giết thời gian nhưng rồi sự tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế để tạo nên chiếc bánh trở thành niềm say mê của cô. Hiên lên mạng sưu tầm công thức làm các loại bánh. Chưa có đầy đủ dụng cụ, Hiên tập làm những loại đơn giản.
Hơn một năm đợi việc, Hiên xấu hổ khi thấy bố mẹ gầy rộc vì lo việc cho mình. “Tôi tự hỏi sao mình không tự “lập trình” tương lai của mình mà lại phụ thuộc, trông chờ vào người khác?”. Hiên nói với bố mẹ nguyện vọng quay lại Hà Nội tìm việc. Bố mẹ lưỡng lự nhưng vì công việc dưới quê không có tiến triển nên đành gật đầu đồng ý.
“Hồi thi đại học, tôi mơ ước học kiến trúc hoặc mỹ thuật vì vẽ khá đẹp. Nhưng bố mẹ muốn tôi học kinh tế vì nghĩ học kinh tế dễ xin việc. Tôi đã không đủ bản lĩnh theo đuổi mơ ước của mình. Bốn năm đại học gắn với 1 ngành không yêu thích, tôi không hào hứng. Vì thế cũng không có nhiều động lực để phấn đấu”.
Quay lại Hà Nội tìm việc, Hiên muốn làm những gì mình thực sự yêu thích. Cô muốn trở thành đầu bếp làm bánh.
Con đường trở thành đầu bếp khách sạn 5 sao
Hiên nói với bố mẹ sẽ xin một công việc đúng ngành học ở Hà Nội. Nhưng trong Hiên nung nấu ước mơ trở thành đầu bếp. Quay lại Hà Nội, Hiên ý thức rất rõ bản thân không có kinh nghiệm, không bằng cấp trong lĩnh vực này. Cô cũng không có tiền theo học những khóa dạy làm bánh ngắn hạn. Hiên xác định sẵn sàng làm không công cho các tiệm bánh để có cơ hội học việc.
Nguyễn Thị Hiên bên đứa con tinh thần. |
"Tôi nghĩ mọi trải nghiệm đều hữu ích và có nghĩa lí với mỗi cá nhân theo cách nào đó và ở nhiều thời điểm của cuộc sống. Tương lai tôi muốn mở 1 cửa hàng bánh riêng. Những kiến thức về quản trị doanh nghiệp có thể sẽ được sử dụng khi đó"
Nguyễn Thị Hiên
“Tôi nói với bố mẹ về những công việc đang làm. Bố mẹ tôi xót xa, bảo tôi quay về quê. Nhưng lúc đó tôi tin sẽ có ngày mình được trở lại làm việc trong bếp bánh. Tôi tin mình sẽ trở thành 1 đầu bếp làm bánh thực thụ. Niềm tin ấy khiến tôi tiếp tục gắn bó với công việc đang làm”.
Nhiệt thành và cầu thị của Hiên trong thời gian ngắn làm ở bếp bánh khiến bếp trưởng chú ý. Khi bếp bánh có người nghỉ sinh, bếp trưởng gặp Hiên, đề nghị nhận Hiên về làm nhân viên chính thức. Vui mừng nhưng Hiên vẫn không tự tin: “Tôi nói với bếp trưởng là tôi không có bằng cấp, kinh nghiệm, chỉ có sự yêu thích, say mê ”. Anh ấy nói đã gặp rất nhiều thợ bánh giỏi không được đào tạo bài bản nhưng họ có say mê, quyết tâm và kiên trì theo đuổi đến cùng cái mình làm”. Bếp trưởng bếp bánh là người thầy đầu tiên của tôi trong sự nghiệp đầu bếp ”.
Trở thành nhân viên chính thức của bếp bánh, ban đầu, Hiên làm những công việc vặt và được dạy chi tiết cách pha bột, pha kem, cách đưa bánh vào khuôn, cách trang trí,… Cô yêu thích công việc đến mức hết giờ làm việc, vẫn ở lại khách sạn học và thực hành. “Thực sự tôi không muốn về nhà, chỉ muốn ở lại chỗ làm với bột, kem, những nguyên liệu của bánh…”
Thời gian đầu, Hiên làm hỏng rất nhiều. Mỗi lần làm hỏng giống như một thứ dopping tinh thần khiến Hiên hăng hái hơn. “Tôi muốn tìm ra lí do bánh thất bại. Và muốn khắc phục ngay trong lần làm kế tiếp”.
Niềm vui của Hiên là khi cho bánh vào trong lò quan sát bánh dần chín. “Có những loại bánh chỉ cần quan sát trong lò khoảng 3 phút là biết thành công hay không”. Có lúc cô tiu nghỉu vì thất bại. Nhiều khi lại reo hò như trẻ con vì mẻ bánh thành công.
Với Hiên, làm bánh là nghệ thuật. Ở đó cô được sáng tạo trong những công thức, cách pha chế, trang trí. Cô thể hiện được sự khéo léo, tinh tế và óc thẩm mĩ trong việc tạo nên chiếc bánh.
“Tôi luôn thấy sự mới mẻ và thú vị trong việc mình làm. Điều khiến tôi gắn bó với công việc này là sự mới mẻ mình tìm thấy và mình tạo ra”. Đến giờ Hiên chính thức trở thành đầu bếp chuyên về làm bánh của khách sạn 5 sao Pullman.
Hỏi Hiên có tiếc 4 năm theo học Quản trị doanh nghiệp không, cô cười: “Tôi nghĩ mọi trải nghiệm đều hữu ích và có nghĩa lí với mỗi cá nhân theo cách nào đó và ở nhiều thời điểm của cuộc sống. Tương lai tôi muốn mở cửa hàng bánh riêng. Những kiến thức về quản trị doanh nghiệp có thể sẽ được sử dụng khi đó”.