Sau khi đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông tát vào mặt nữ nhân viên tại trung tâm thương mại Saigon Centre được đăng tải lên mạng xã hội, tài khoản Facebook Vũ Khánh (Khánh Casa) đã gửi lời xin lỗi tới nhân viên bán máy pha cà phê.
Khoan hãy bàn ai đúng ai sai, song lý do “đang ở trạng thái tâm lý không thoải mái” hay “mất bình tĩnh” để lý giải cho hành vi “thẳng tay tát cô gái đang mang bầu” được dân mạng đánh giá là "không đúng chuẩn mực của một xã hội văn minh". Vậy luật pháp các nước trên thế giới sẽ xử tình huống này như thế nào?
Ông Vũ Khánh tát vào mặt nữ nhân viên. Ảnh: Cắt từ clip. |
Cú tát "trị giá" 1 triệu USD
Tháng 9/2012, khách mời của chương trình Tuần lễ thời trang New York được phen náo loạn bởi cú tát trời giáng của biên tập viên tạp chí thời trang Pháp Jennifer Eymere dành cho nữ nhân viên truyền thông sự kiện Lynn Tesoro.
Ngay lập tức, Lynn đã đệ đơn kiện Jennifer Eymere và đòi 1 triệu USD vì cáo buộc “hành hung, tấn công, gây tổn thương và bôi nhọ danh dự nhân phẩm”. ABC cho biết Jennifer thừa nhận đã quá nóng giận, khi không được sắp xếp chỗ ngồi. Tuy nhiên, cô một mực khẳng định “nó chưa mạnh để gây thương tích, mà chỉ khiến Lynn bẽ mặt”.
Luật sư John Lenoir, thuộc công ty Luật Lenoir ở thành phố New York cho rằng số tiền bồi thường phụ thuộc vào vị trí xã hội của bạn và ai phải hứng chịu cơn thịnh nộ đó. Ông nói: "Tại Tuần lễ thời trang, nguyên đơn có thể yêu cầu số tiền lớn hơn nhiều so với một cuộc cãi lộn ở cửa hàng tạp hóa".
Jennifer bị buộc tội hành hung và phỉ báng người khác. Tuy nhiên, chi tiết cuộc dàn xếp được giữ kín, truyền thông đưa tin nữ biên tập viên đã gặp riêng và xin lỗi Lynn.
Tháng 6/2017, bà Shi Ka Yee, 72 tuổi người Singapore phải hầu toà. Bà bị cáo buộc đấm một lái xe vì anh này không chịu nhường đường. Vụ việc xảy ra vào tháng 12/2014, khi bà Shi yêu cầu Chong Yen Ping, 39 tuổi di chuyển chiếc xe để bà lách qua.
Tuy nhiên, ông Chong đã làm ngơ. Quá nóng giận, nữ kiến trúc sư dừng xe giữa đường và lao đến đấm người đàn ông này, nạn nhân bị một vết sẹo ở lông mày trái.
Tại phiên xét xử, luật sư của bà Shi khẳng định thân chủ “chỉ tát ông Chong” và hành động đó theo bản năng, vì ông Chong có nhiều “lời lẽ xúc phạm, thô tục” tới bà. Với nhiều cáo buộc khác như quấy rối hàng xóm, bà Shi đang đối mặt với bản án 2 năm tù và mức phạt 5.000 USD.
Bà Shi Ka Yee ( ảnh trái) khẳng định chỉ tát ông Chong. Ảnh: Strait Times. |
Tháng 7, dư luận Singapore lại xôn xao về vụ việc một phụ huynh 47 tuổi đột ngột xông vào lớp tát một học sinh 9 tuổi vì cho rằng cậu bé đã bắt nạt con gái mình. Người đàn ông này nhanh chóng bị bắt giữ để phục vụ công việc điều tra của cảnh sát. Toà án Singapore quyết định kết án ông 2 tuần tù giam, sau khi các công tố viên kháng cáo rằng khoản nộp phạt 3.500 USD là “quá nhẹ nhàng và chưa đủ sức răn đe".
Strait Times cho biết cậu bé khá sợ sệt và bị ướt quần sau khi bị “dạy cho một bài học”. Thẩm phán See Kee Oon cũng nhận định đây là hành vi cố ý gây thương tích: “Hành vi tấn công một đứa trẻ 9 tuổi ngây thơ, không có khả năng tự vệ đáng bị lên án”.
Có thể ngồi tù vài năm
Việc tấn công và hành hung người khác được nêu rõ trong bộ luật Hình sự của Singapore. Theo đó, dù vô tình hay hữu ý, hành vi này có thể bị phạt tù lên đến một năm hoặc bị phạt 1.100 USD hoặc cả hai. Bên cạnh đó, người cố tình gây thương tích nặng sẽ phải "bóc lịch" trong 7 năm hoặc chịu đòn roi.
Tại Nhật Bản, bất kỳ ai bạo hành người khác, dù không để lại thương tích, sẽ đối mặt với bản án 2 năm tù, phạt tiền tới 2.700 USD.
Luật pháp Mỹ quy định những "hành vi tấn công đơn giản" như tát, đá người khác được cấu thành phạm tội, và có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm, tùy thuộc vào các điều khoản cụ thể của mỗi bang. Với các tội danh nhẹ hơn, bị cáo có quyền lựa chọn hình phạt như thực hiện dịch vụ cộng đồng, tham gia các chương trình cải tạo hoặc bị quản thúc tại gia, thay vì phải ngồi tù.