Sáng 15/5, tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Qua gần 1.400 cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị này đã được Ban Dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết (giảm 357 kiến nghị so với kỳ họp trước).
Bộ, ngành trả lời cử tri 'đang nghiên cứu, sẽ giải quyết'
Ban Dân nguyện cho biết 59/59 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành đánh giá việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, 43/59 đoàn nhận xét vẫn còn hiện tượng một số bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết các vấn đề.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong khi cử tri kiến nghị bộ, ngành nghiên cứu tìm các biện pháp để giải quyết ngay các vướng mắc, hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm thì lại được trả lời bằng việc cung cấp thông tin, chỉ dẫn một số văn bản hiện hành có liên quan, hoặc trả lời "đang nghiên cứu", "sẽ giải quyết".
"Đây là một hạn chế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu liên tục trong các báo cáo giám sát từ các kỳ họp Quốc hội khóa XIII đến nay nhưng chưa được các bộ, ngành khắc phục triệt để. Nhiều văn bản trả lời cho cử tri còn rất chung chung, diễn giải lòng vòng, khó hiểu, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp", bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Ví dụ, cử tri các TP.HCM, Bình Định và một số tỉnh khác bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng, do chưa được trang bị đầy đủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Việc trang cấp thiết bị cho lực lượng PCCC còn chưa đảm bảo...
Tăng cường thanh, kiểm tra PCCC thiệt hại về người sẽ giảm
Theo đánh giá của đơn vị giám sát, Bộ Công an trả lời cử tri khá đầy đủ thực hiện khá nhiều biện pháp để giải quyết như: Phối hợp với Bộ Quốc phòng trong sử dụng trang thiết bị, công tác tuyên truyền cũng được tiến hành nhiều và rất bài bản...
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Vì vậy, tình trạng vi phạm tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ xảy ra khá phổ biến, chưa được xử lý kịp thời. Đồng thời, việc phối hợp giữa Bộ Công an với UBND các tỉnh, thành trong công tác PCCC còn có bất cập, dẫn đến tình hình cháy nổ, diễn biến phức tạp.
Vụ chạy chung cư cao tầng Carina ở TP.HCM khiến 13 người chết. Ảnh: Lê Trai. |
“Nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại các khu chung cư cao tầng, các khu chợ, nhà hàng. Đặc biệt đáng lưu ý là vụ cháy chung cư Carina tại TP.HCM ngày 23/3/2018 làm 13 người chết, hàng chục người bị thương và thiệt hại nhiều về tài sản”, báo cáo nêu.
Do đó, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cần quan tâm hơn tới phản ánh của cử tri, tích cực tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để chấn chỉnh...
Từ đó, bà Nguyễn Thanh Hải nhận định việc giải quyết và trả lời cử tri về PCCC của Bộ Công an chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Cử tri mong muốn, Bộ tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, xử lý thật nghiêm các vi phạm trong công tác phòng chống cháy nổ của các chủ đầu tư, cơ sở kinh doanh.
Trưởng ban Dân nguyện đề nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm phòng, chống cháy nổ, đề ra giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân.