Đại tá, TS.BS Nguyễn Huy Thọ - nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội cho biết, hiện nay, các trường hợp đứt rời bộ phận trên cơ thể như tay, chân, vành tai, mũi, thậm chí cả dương vật xảy ra tương đối nhiều.
Nguyên nhân có thể do tai nạn, sự cố lao động hoặc thương tích trong các vụ ẩu đả. Trong đó, các trường hợp đứt rời dương vật đa phần do cố ý, có thể nạn nhân tự cắt hoặc bị vợ/bạn gái chủ động tấn công.
Trường hợp bệnh nhân B. (22 tuổi, ở An Dương, Hải Phòng) dùng dao cắt đứt dương vật của mình trong cơn ngáo đá vào ngày 27/2/2014 là một ví dụ. May mắn sự việc được mẹ của anh này phát hiện kịp thời. Lúc này, B. cũng kịp tỉnh nên đã chỉ ra vị trí vứt "của quý". Anh được đưa đến bệnh viện gần nhà cùng bộ phận sinh dục đứt rời. "Cái ấy" được bảo quản trong nhiệt độ 4 độ C và chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, quá trình này mất 6 giờ.
Người trực tiếp tiến hành khâu nối dương vật cho bệnh nhân B. là tiến sĩ Nguyễn Tài Sơn (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay đây là một ca thành công do bộ phận đứt lìa được bảo quản đúng cách. Bác sĩ đã khâu nối một động mạch, lưng dương vật, 2 tĩnh mạch, và ráp nối thành công các dây thần kinh.
“Sau 3 tháng, anh B. đến kiểm tra lại, ngoài vẻ bên ngoài giống y như lúc chưa xảy ra vụ việc, dương vật của bệnh nhân này đã có thể tiểu thông, thậm chí vào mỗi buổi sáng vẫn có thể cương cứng như người bình thường”, bác sĩ Sơn cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ cho biết, tỷ lệ thành công của kỹ thuật vi phẫu nối liền các bộ phận đứt lìa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay lên tới 85-90% nhưng chủ yếu với chi thể và các bộ phận khác như mũi, tai, môi,...
Riêng dương vật, hiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mới ghi nhận 2 ca, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghi nhận 3 ca, Bệnh Viện Cần Thơ 1 ca, và Bệnh viện Trung ương Huế 1 ca.
Đa phần các vụ cắt đứt dương vật đều có chủ đích, có thể do vợ đánh ghen, trả thù chồng nên sẽ phi tang, cố ý hủy hoại bộ phận sinh dục. Bác sĩ Thọ cho biết có rất nhiều trường hợp dương vật bị cắt và vứt xuống sông, băm nhỏ, thậm chí xả trôi dưới bồn cầu… Trong những trường hợp này, họ sẽ phải tái tạo một dương vật mới.
Vẫn theo tiến sĩ Thọ, riêng các trường hợp may mắn tìm thấy bộ phận bị đứt lìa và bảo quản đúng cách, chuyển lên bệnh viện kịp thời, tỷ lệ ghép nối thành công rất cao song việc phục hồi chức năng sinh dục lại phức tạp hơn và khó ai biết trước.
“Việc phục hồi chức năng của bộ phận đứt lìa phụ thuộc nhiều yếu tố như mức độ tổn thương và chức năng của các bộ phận đó. Ví dụ, dương vật ngoài tiểu thông còn cần phải cương cứng để giao hợp. Thực tế, không phải tất cả các trường hợp đều có thể tiếp tục giao hợp với bộ phận sinh dục đã từng bị cắt rời”, tiến sĩ Thọ cho hay.
Với các bộ phận đứt lìa khác như chi thể đứt lìa, bên cạnh việc phải nối thông các mạch máu, bác sĩ còn cần phải nối liền các gân, cơ và thần kinh. Kết quả phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tổn thương.
"Một số trường hợp có thể cần phải tiến hành thêm nhiều lần mổ sau đó để phục hồi chức năng cho các bộ phận được chắp nối. Tuy nhiên, cũng khó có thể phục hồi hoàn toàn", bác sĩ Thọ nói thêm.