Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cục Bản quyền tác giả yêu cầu dừng thu tiền tác quyền qua tivi

VCPMC chỉ được phép đưa ra biểu mức tiền quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên khi được khai thác, sử dụng tại khách sạn.

Chiều 26/5, trao đổi với Zing.vn qua điện thoại, lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả xác nhận đơn vị đã yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tạm dừng việc thu tiền tác quyền qua tivi đối với các tác phẩm âm nhạc. 

VCPMC chỉ được phép đưa ra biểu mức tác quyền

Theo vị lãnh đạo này, sáng cùng ngày Cục Bản quyền tác giả đã có cuộc họp với nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC. Tại cuộc họp, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho rằng việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm âm nhạc của VCPMC đúng với quy định luật pháp hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật, đề nghị VCPMC phải thực hiện đúng quy trình và có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác, sử dụng tác phẩm. VCPMC chỉ được phép đưa ra biểu mức tiền quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên khi được khai  thác, sử dụng tại khách sạn.

Mo tivi xem phai tra tien ban quyen anh 1

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, tại cuộc họp với Cục bản quyền tác giả hôm qua.

Ảnh: DC.

Cục Bản quyền tác giả yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn cho đến khi VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc nào được khai thác, sử dụng của tác giả/chủ sở hữu là hội viên của VCPMC.

Bên cạnh đó, VCPMC phải xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật, báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trao đổi thêm với Zing.vn, ông Hùng cho biết sắp tới đơn vị này sẽ tổ chức một hội nghị tại Đà Nẵng để phổ biến các quy định về bản quyền, tác quyền đối với các tác phẩm âm nhạc cho các chủ khách sạn. 

VCPMC ban hành văn bản không đúng thẩm quyền?

Hoan nghênh động thái trên của Cục Bản quyền tác giả, luật sư Đỗ Thành Nhân (Đoàn Luật sư Đà Nẵng), cho biết văn bản mà VCPMC gửi các chủ khách sạn ở Đà Nẵng không đúng thẩm quyền.

Cụ thể, theo quyết định số 19 năm 2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (quyết định thành lập VCPMC - PV), VCPMC là tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận. Hiểu theo một cách đơn giản hơn, trung tâm này chỉ là tổ chức nghề nghiệp thực hiện quản lý tập thể đối với các quyền tác giả âm nhạc được ủy thác.

Mo tivi xem phai tra tien ban quyen anh 2
Văn bản do VCPMC gửi các chủ khách sạn ở Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

"Ngay ở quyết định thành lập thì trung tâm này không phải là cơ quan hành chính Nhà nước. Do đó, VCPMC không có quyền ra bất cứ văn bản hành chính nào để buộc các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân phải nộp tiền bản quyền cho trung tâm này", luật sư phân tích.

Nói về văn bản số 177 do ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam ký gửi các chủ khách sạn ở Đà Nẵng, luật sư Nhân cho hay trung tâm này không có thẩm quyền ra văn bản hành chính thì tất cả những nội dung trong đó đều không có giá trị pháp lý.

Theo quy chế điều lệ hoạt động, VCPMC chỉ có quyền chỉ đạo đối với các tổ chức, cá nhân là thành viên của trung tâm. Còn các chủ khách sạn, họ là một doanh nghiệp hoạt động theo luật Doanh nghiệp, không chịu sự quản lý của VCPMC. Do đó, trung tâm này không có quyền bắt doanh nghiệp phải trả tiền khi chưa có hợp đồng ủy thác của các tác giả âm nhạc".

Trong trường hợp, các tác giả phát hiện tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc của mình mà chưa được phép, thì chủ nhân của các tác phẩm phải có hợp đồng ủy thác cho VCPMC. "Khi đó, trung tâm mới có quyền phối hợp với các cơ quan chức năng khác, thu tiền những đối tượng sử dụng tác phẩm âm nhạc", ông Nhân nhấn mạnh.

Mo tivi xem phai tra tien ban quyen anh 3
Luật sư Nhân. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư Đà Nẵng), việc thu tiền tác quyền âm nhạc thực ra là chuyện bình thường ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt việc sử dụng tác phẩm âm nhạc cho các hoạt động kinh doanh thì chuyện trả phí cũng bình thường.

Tuy nhiên, theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ thì đối tượng phải nộp tiền bản quyền là các đài truyền hình. "Doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đài truyền hình để được sử dụng dịch vụ. Nếu có việc trả tiền bản quyền thì các đài truyền hình phải chịu chứ không phải người sử dụng tivi", ông Cao phân tích.

Luật sư Nhân nói thêm rằng hiện nay cả nước có khoảng 100 triệu dân thì có đến hơn trăm triệu chiếc tivi. Những chiếc tivi này xét cho cùng cũng chỉ là phương tiện giải trí. Người xem cũng bị thụ động vì sau khi ký hợp đồng, đài truyền hình chiếu chương trình nào, người dân xem chương trình đó. 

"Nếu không tạm dừng thì cái văn bản trên của VCPMC khiến tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam cứ bật tivi xem ca nhạc là phải trả tiền à", luật sư Nhân gay gắt.

Trao đổi với Zing.vn, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), xác nhận việc Trung tâm sẽ tạm dừng thu phí bản quyền âm nhạc tại phòng ngủ trong các khách sạn.

“Trên tinh thần cầu thị và chu đáo đến tận cùng, trung tâm sẽ tạm dừng thu phí tác quyền âm nhạc tại phòng ngủ để xây dựng cơ sở giải thích cho kỹ lưỡng. Ngoài phòng ngủ, nhạc phát ở sảnh, quán bar, sàn diễn trong khách sạn vẫn thu như bình thường”, ông Phương nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết âm nhạc trong phòng ngủ là đối tượng khó phân phối, chưa rõ danh sách bài hát nên sẽ tạm dừng, còn các vị trí khác, việc sử dụng âm nhạc là “rất rõ ràng và hiển nhiên phải đóng tác quyền”.

Bị đòi tiền bản quyền bài hát khi mở tivi

Chủ các khách sạn ở Đà Nẵng bất ngờ nhận được văn bản của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, yêu cầu trả tiền khi sử dụng tác phẩm âm nhạc.

Đoàn Nguyên - Quang Đức

Bạn có thể quan tâm