Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cung đường 500 km xuyên rừng và đèo từ TP.HCM đi Đà Lạt

Trong hơn 40 lần chạy xe ngang dọc Đà Lạt, cung đường đèo Sài Gòn - Đà Lạt không đi theo QL20 là tuyến đường mình yêu thích, và đã đi rất nhiều lần.

Cung đường này cũng được nhiều anh em xe đạp yêu thích, vì ít xe, an toàn, đi qua vô số cảnh đẹp hùng vĩ, đa dạng. Mình xin chia sẻ lại kinh nghiệm đi tuyến này.

Cung đường Sài Gòn - Đà Lạt cho các bạn tham khảo. Cung màu xanh là cung đường mình đang nói tới, còn cung đường đỏ là QL20.

Tổng cự li khoảng 500 km, đi qua nhiều rừng, nhiều đèo, hồ, thác. Tuy nhiên đường dễ đi. Ôtô 2 cầu, xe ga, xe số đi thoải mái nếu đường không lầy lội quá. Hiện nay, nhiều đoạn đã được cải tạo, nâng cấp rất nhiều, không khó như xưa. Có một số chỗ nhiều lựa chọn cho bạn thay đổi một chút, nhưng cơ bản vẫn theo lộ trình chính.

Lộ trình

Từ TP.HCM, bạn đi QL1K qua cầu Hóa An, đi theo TL768 dọc sông Đồng Nai về phà Hiếu Liêm. Đi phà qua chợ Hiếu Liêm (ở đây có 2 phà, các bạn cẩn thận đi nhầm).

Sau đó, bạn đi tiếp về phía bắc, bắt đầu xuyên rừng chiến khu D rất đẹp. Đến ngã ba, bạn rẽ phải về ngã ba Phú Lý, rồi rẽ trái về tiếp chợ Phú Lý, chạy giữa rừng theo con đường nhựa tuyệt đẹp.

Đoạn tiếp theo là chặng offroad theo mạn nam rừng Nam Cát Tiên về phà 107, qua phà về nhập lại QL20. Ở đây, bạn cũng có thể đi đường nhỏ, cập QL20 lên Tân Phú, Madagui theo chú thích (1) ở hình trên.

Chụp ảnh bên hồ Đạ Pal.

Sau khi nhập lại QL20, bạn tiếp tục đi qua Định Quán, Tân Phú, tới Madagui rẽ trái về Đạ Tẻ. Trước khi qua cầu sắt ở đầu thị trấn Đạ Tẻ, rẽ phải về xã Triệu Hải.

Lúc này bạn có thể ghé ngang thác Triệu Hải và thác Dakala chơi, rồi bắt đầu offroad nhẹ nhàng xuyên rừng lên hồ Đạ Pal rất đẹp. Nếu từ Madagui thay vì về Đạ Tẻ đi đèo Triệu Hải, bạn có thể đi tiếp một đoạn qua đèo Chuối, vừa qua cầu Đại Quay rẽ trái đi theo đường lên thủy điện Đambri. Đây là đoạn có nhiều đá lớn, rồi nhập lại cung đường trên ở hồ Đạ Pal theo chú thích (2). Sau đó, bạn đi tiếp tham quan đồi chè Tam Châu. 

Đoạn Triệu Hải khá khó đi, chỉ phù hợp với xe offroad 2 cầu.

Vẻ đẹp của thác Triệu Hải.

Ở đoạn tiếp theo, các bạn rẽ trái theo TL725 (có thể đi tắt đoạn này ở cầu lớn cạnh hồ Tà Đùng). Từ ngã 5 Dambri nói trên, thay vì qua đèo B40 vòng qua Quảng Khê, chúng ta có thể đi thẳng về thị trấn Lộc Thắng, theo TL725 cũng rất đẹp. Sau đó, bạn chạy thẳng lên thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).

Bạn vẫn có thể tách một đoạn lên hồ Tà Đùng chơi lúc gặp ngã ba giao QL28 theo chú thích (3) ở hình trên.

Từ đây, bạn theo đường mới mở, đẹp và rộng rãi, đi ngang thủy điện ĐN2 về thị trấn Đinh Văn, rồi về ngã ba Lâm Hà. Sau đó rẽ trái về thị trấn Nam Ban (tỉnh Lâm Đồng), ghé thác Voi nếu các bạn thích, rồi leo đèo Tà Nung lên Cam Ly. Tại đây bạn có thể ghé sân bay Cam Ly bỏ hoang để chụp ảnh, rồi về Đà Lạt, kết thúc cung Sài Gòn - Đà Lạt 500 km nhiều đèo và rừng.

Đoạn đường đi qua cầu Cũ.

Cung đường dự kiến

Các tay lái cứng và quen phượt địa hình có thể đi hết cung đường này trong một ngày tương đối thoải mái. Xuất phát từ 4h, và lên tới Đà Lạt trong ngày, nhưng nên ngủ một đêm ở hồ Tà Đùng để giữ sức khỏe.

Để có hành trình thư thả hơn, tối thứ sáu, các bạn xuất phát lúc 20h đến bến phà Hiếu Liêm (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ngủ tại đây. Sáng hôm sau chạy theo cung đường trên đến hồ Tà Đùng, cắm trại ngủ tối thứ 7. Sáng chủ nhật, bạn dậy sớm, chạy tiếp lên Đà Lạt rồi 15h đi từ từ về Sài Gòn.

Hoặc nếu muốn thoải mái, các bạn có thể chơi và ăn uống ở Đà Lạt tới khuya, rồi gửi xe và đi xe khách về Sài Gòn, ngủ một giấc trên xe, đến sáng thứ hai đi làm.

Đường QL28 mới mở đi qua hồ Tà Đùng rất thoáng và đẹp.

Cung đường này rất đa dạng. Bạn có thể đi mùa mưa offroad chơi, đi mùa hoa dã quỳ vì hoa có rất nhiều trên đường, hoặc đi tắm thác và ngắm hồ Tà Đùng... Mùa nào cũng đẹp và có cái thú vị riêng.

Mùa hè trên cung đường biển Nam Trung Bộ

Duyên hải Nam Trung Bộ với những con đường ven biển tuyệt đẹp, sở hữu những bãi biển đẹp nhất cả nước luôn có sức hấp dẫn với bất kỳ ai đam mê dịch chuyển.

Trần Đặng Đăng Khoa

Bạn có thể quan tâm