Sau một kỳ thực hiện, hàng loạt em yếu kém vươn lên học lực trung bình hoặc khá.
Trên tay thầy Trang Văn Phước (phó hiệu trưởng) là bảng thống kê học lực của hơn 130 học sinh trung bình hoặc khá. Thầy cười nói: “Mới học kỳ trước số em trên đều là học sinh yếu kém môn toán và môn văn, có tâm lý chán nản muốn bỏ”.
Thầy Nguyễn Thế Hùng, giáo viên môn toán, hướng dẫn học sinh trong một tiết học ở trường THCS Lý Tự Trọng. |
Phụ đạo đặc biệt
"Chương trình bổ túc đặc biệt này được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học và quan trọng là tình thương đối với các em học sinh cũng như hiểu được tâm lý của các em và còn phải lắng nghe tâm sự của chính cha mẹ các em", Thầy Phan Thanh Nguyên
Thầy Phước giải thích có được kết quả trên nhờ tâm của hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên khi chính ông đã vạch ra chương trình phụ đạo đặc biệt cho học sinh của trường.
Theo thầy Phước, khác với chương trình phụ đạo trước đây, mô hình này có tổ chức và khoa học hơn.
Thứ nhất, học sinh và nhà trường không phải bận tâm chuyện tiền bạc chi trả cho giáo viên mà thông qua ban liên lạc cha mẹ học sinh vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền dạy cho giáo viên đứng lớp.
Thứ hai, căn cứ để chọn học sinh yếu kém dựa vào quá trình theo dõi từ lớp dưới đến học lực hiện tại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em.
Thứ ba, tuy dạy phụ đạo nhưng lớp học giống như chính quy khi có sổ đầu bài và được ban giám hiệu cử người giám sát chặt chẽ.
Thứ tư, lớp học không đông mà chỉ trên dưới 20 học sinh để giáo viên theo dõi và giảng dạy từng em cho thật tốt.
Thứ năm, ban giám hiệu chọn giáo viên giỏi, có đạo đức tốt, lên giáo án giảng dạy riêng để xóa yếu kém trên cơ sở khơi lại kiến thức căn bản và cách học khoa học, không dạy nâng cao.
Về chương trình phụ đạo đặc biệt, hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên chia sẻ mô hình lội ngược dòng xuất phát từ kế hoạch của Hội Khuyến học TP Trà Vinh khi khơi ý tưởng đến cho các trường, mong muốn giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh yếu kém phải biết vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài những việc giúp đỡ học sinh nghèo, thầy Nguyên căn cứ tình hình thực tế của trường, rút kinh nghiệm những năm học phụ đạo trước đó và tự soạn ra chương trình phụ đạo mới trình lãnh đạo phòng phê duyệt.
Hiệu quả sau một học kỳ
Hết sợ môn toán
Em Đặng Thị Yến Nhi (học sinh lớp 9) kể em học yếu môn toán do bị mất căn bản, không theo kịp chương trình trên lớp, từ đó rất sợ môn toán. “Khi đến tiết toán em thấy hoang mang bởi bị gọi lên là không biết giải bài tập. Sau một học kỳ học phụ đạo, nỗi lo của em đã vơi bớt, giờ em đã học trung bình môn toán và theo kịp chương trình với các bạn” - Nhi chia sẻ.
Chỉ sau một kỳ áp dụng (từ tháng 9/2013, chỉ dạy chủ nhật hằng tuần), hiện 125/268 học sinh yếu kém môn toán thuộc bốn khối của trường đã vươn lên trung bình hoặc khá.
Còn môn văn thì đạt hiệu quả cao hơn khi có đến 109/166 học sinh yếu kém vươn lên học lực trung bình hoặc khá.
Thầy Nguyễn Thế Hùng, được giao nhiệm vụ dạy phụ đạo môn toán, cho biết giáo viên tuy hiểu được học lực của từng học sinh nhưng có cái khó là không thể dạy chậm, dạy đủ cách để các em yếu kém hiểu bài bởi không đủ thời gian và khiến trò loại khá, giỏi nhàm chán.
“Chính điều này khiến các em yếu kém càng yếu kém hơn đâm ra tâm lý sợ hãi môn học. Việc nhà trường xin chủ trương thực hiện chương trình phụ đạo kiểu mới khi sàng lọc đúng đối tượng, chia thành từng lớp nhỏ có giáo trình riêng để giảng dạy nên hiệu quả cao”, thầy Hùng nói.
Cô Lê Thị Ngọc Liễu phụ đạo môn văn cho hay chương trình phụ đạo đặc biệt giúp các em ổn định kiến thức căn bản, cách học khoa học, yêu mến môn mình học yếu kém trước đó. Quan trọng hơn là giáo viên dạy nhiệt tình hơn, tránh tình trạng kéo học sinh học thêm.
Là học sinh học yếu môn văn và luôn cảm thấy sợ môn này, em Trầm Ái Hiền (học sinh lớp 9) tâm sự hiện cảm thấy thích môn văn hơn và học lực nâng lên trung bình sau một học kỳ theo học “phụ đạo đặc biệt” do trường thực hiện.
Em giải thích bị đuối kiến thức, không theo kịp bạn bè nhưng không có thời gian hỏi thầy cô. Sau khi học phụ đạo, em được thầy cô tập trung giảng dạy chậm cũng như củng cố cách học khiến em ngộ ra vấn đề khi trở lại lớp học chính thức.
Học kém môn toán, em Nguyễn Thị Trà My (học sinh lớp 9) cho biết có lúc em chán nản muốn bỏ học vì học mãi không tiến bộ nhưng nay đã khác khi nắm lại các nền tảng kiến thức, cách giải bài tập. “Giờ môn toán có khó gì đâu”, My cười nói.