Sau 25 năm với hàng tá lần tham dự Cannes, Củng Lợi vẫn cảm thấy hồi hộp mỗi khi đặt chân đến đại lộ Croissette.
"Tôi chưa bao giờ quen với chuyện đó" - nữ diễn viên 49 tuổi phát biểu - "Lần nào, tôi cũng thấy người tràn đầy năng lượng bởi sự trân trọng mà mọi người dành cho những nhà làm phim và nghệ sĩ".
Tại Cannes năm nay, Củng Lợi tham dự với tư cách là diễn viên chính của Coming Home - một trong những phim được chọn để trình chiếu nhưng không tham gia tranh giải. Nhân vật của Củng Lợi là một người phụ nữ bị mất trí nhớ ngay trước sự trở lại của chồng, sau hàng chục năm ly biệt vì cách mạng văn hóa.
Coming Home cũng là bộ phim đánh dấu sự tái hợp của Củng Lợi với Trương Nghệ Mưu kể từ Hoàng Kim Giáp năm 2006. Cặp đôi vàng của điện ảnh Hoa ngữ đã bắt đầu mối lương duyên với Cao lương đỏ năm 1987 và tiếp tục kéo dài sự kết hợp để đời của mình bằng những tác phẩm được đánh giá cao như Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao.
Củng Lợi trong Coming Home. |
Là một trong những người góp phần nâng tầm cái tên Trung Quốc trên bản đồ điện ảnh thế giới, Củng Lợi tin rằng "quê hương cũ" (Củng Lợi đã nhập tịch Singapore vào năm 2008) của cô vẫn có thể làm được nhiều hơn thế.
Trung Quốc - được đánh giá sẽ là thị trường phim lớn nhất thế giới vào năm 2020 - là quốc gia có số lượng đại biểu kỷ lục tham dự Cannes năm nay và cũng là đơn vị đồng tổ chức tiệc mở màn của liên hoan phim danh giá này. Tuy nhiên, để có tác động thực sự lên thị trường điện ảnh thế giới, Củng Lợi cho rằng, Trung Quốc cần phải làm ra nhiều bộ phim có giá trị hơn nữa - những bộ phim mà theo mỹ nhân Hoa ngữ, đó là "thể loại khiến người ta thấy yêu điện ảnh sau khi xem phim".
- Chị và Trương Nghệ Mưu đã chọn dự án chung như nào?
- Không có nhiều đạo diễn làm phim về phụ nữ. Trong khi đó, ngay từ những ngày đầu, Trương Nghệ Mưu, từ Cao lương đỏ và bây giờ là Coming Home, đã luôn thể hiện bộ phim dưới góc nhìn của phụ nữ. Anh ấy thường chọn cốt truyện trước khi nghĩ tới diễn viên. Về phần tôi, nếu không chắc chắn tới 80% là mình sẽ làm được, tôi sẽ không nhận lời. Với tư cách là một diễn viên, tôi không muốn lặp lại chính mình. Trong khi đó, với những tác phẩm của một đạo diễn cố định, bạn rất dễ rơi vào tình trạng như vậy. Tuy nhiên, Trương Nghệ Mưu không bao giờ để tôi làm điều đó.
- Cách làm việc của chị và Trương Nghệ Mưu thay đổi thế nào qua thời gian?
- Chúng tôi không phải giao tiếp nhiều trên phim trường. Anh ấy luôn bảo: "Em đã biết nhân vật rồi nên không cần ai khác phải hướng dẫn". Còn tôi cũng nói: "Đúng là em không cần. Nếu em không thể hiện đúng hình dung của anh, hãy cho em biết. Còn không, hãy để em làm công việc của mình". Đó chính là cách chúng tôi hợp tác. Đó là một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và thấu hiểu. Tôi biết, Trương Nghệ Mưu tin tôi có thể thể hiện được những gì mà anh ấy muốn thấy ở nhân vật.
Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu trên phim trường Hoàng Kim Giáp (2006). |
- Lần đầu chị tham dự Cannes là khi nào?
- Năm 1988, với Cao lương đỏ. Đó là bộ phim đầu tiên của Trương Nghệ Mưu và cũng là của tôi. Trước đó, bộ phim đã đoạt giải Gấu vàng ở Berlin dù chúng tôi không ai tham dự. Vào thời điểm đó, Trung Quốc mới mở cửa và chúng tôi không hiểu nhiều về các liên hoan phim. Chúng tôi không thực sự hiểu cơ hội mà chúng mang lại, bởi đó là điều chưa bao giờ xảy ra.
Cannes cũng là lần đầu tiên tôi xa nhà. Chúng tôi phải mặc đồ trang trọng và tôi chọn xường xám. Đó cũng là thời điểm tôi cảm nhận được rằng diễn viên là một nghề được tôn trọng. Khi mọi người yêu thích một bộ phim, họ thường đứng dậy với một tràng vỗ tay dài. Ở Trung Quốc, mọi người chỉ coi trọng nhà khoa học, giáo viên, chính trị gia. Từ kỳ liên hoan phim đó, tôi quyết định dành cả cuộc đời để trở thành diễn viên giỏi. Tôi vẫn luôn giữ niềm tin đó trong tim.
Củng Lợi một trong những ngày đầu ở Cannes. |
- Đã bao giờ chị nghĩ đến việc làm đạo diễn?
- Có nhiều người từng đề nghị tôi làm sản xuất hay đạo diễn nhưng tôi cho rằng mình không đủ khả năng. Chỉ cần làm tốt một việc trong đời đã là rất khó. Tôi không muốn ôm đồm. Chỉ cần là diễn viên giỏi thì tôi đã rất hài lòng.
- Chị đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường điện ảnh Trung Quốc?
- Nó đã phát triển rất nhiều. Những rạp chiếu phim cũ thường khiến khán giả cảm thấy khó chịu - ghế cứng, hệ thống âm thanh nghèo nàn. Nhưng khoảng 10 năm trước, Trung Quốc bắt đầu nâng cấp rạp chiếu và đi xem phim trở thành một phần trong cuộc sống của người Trung Quốc. Một lý do khác là tiêu chuẩn về cuộc sống của người Trung Quốc cũng đã cao hơn trước đây.
Thế giới nhìn Trung Quốc như một vùng đất rộng lớn với đông dân, một nơi lý tưởng để kiếm tiền. Ngày nay, có nhiều gia đình Trung Quốc gửi con ra nước ngoài học tập, họ tiếp xúc nhiều với văn hóa phương Tây hơn. Đó cũng là lý do những bộ phim Hollywood rất thành công ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với thị trường điện ảnh Trung Quốc là nó thiếu sự nuôi dưỡng. Rất nhiều bộ phim bản địa giống như đồ ăn nhanh. Những bộ phim hời hợt, vô nghĩa dễ dàng kiếm hàng chục triệu USD ngay tại quê nhà bởi số lượng dân đông đúc của Trung Quốc. Họ nghĩ "Chỉ cần chúng ta làm chúng ta vui là đủ". Họ không quan tâm tới thị trường nước ngoài, tới các liên hoan phim, tới Hollywood. Họ không cần biết phim của mình có được bán ở Mỹ hay châu Âu hay không. Họ có thể dễ dàng đút túi số tiền lên tới 8 con số mà không cần phải động một ngón tay. Vì vậy, họ không cần chất lượng cao. Đó là vấn đề mà các nhà làm phim Trung Quốc đang phải đối mặt. Những bộ phim này có doanh thu cao ở Trung Quốc nhưng không bán được ra nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc không gây được tác động.
Tôi hy vọng những đạo diễn có tài của Trung Quốc có thể thay đổi điều này. Những bộ phim ngờ nghệch không có lỗi nhưng chúng không thể trở thành dòng chính thống, dòng phổ biến của một nền điện ảnh. Chúng ta nên có những bộ phim ý nghĩa, giải trí nhưng vẫn khuấy động tâm hồn - những bộ phim khiến bạn cảm thấy yêu điện ảnh ngay khi xem xong. Những thể loại phim như thế đang rất hiếm ở Trung Quốc.
- Chị nghĩ thế nào về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại các liên hoan phim quốc tế?
- Đúng là có nhiều người Trung Quốc tại các kỳ liên hoan phim nhưng chúng tôi đến mà không nhất thiết phải có tác phẩm đi kèm. Chúng tôi không có nhiều bộ phim đủ chất lượng để tham gia tranh giải. Đó là một sự đáng tiếc. Chúng tôi có một vài phim ở Berlin, ở Venice, nhưng đã lâu rồi Trung Quốc không tranh giải ở Cannes. Rất nhiều diễn viên Trung Quốc bước trên thảm đỏ nhưng họ đem tới điều gì? Tôi nghĩ mang theo tác phẩm của mình thì sẽ tốt hơn.
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị với Cannes là gì?
- Đó là năm 1994, tôi tham dự Cannes với Phải sống của Trương Nghệ Mưu. Bộ phim bị cấm chiếu ở Trung Quốc nhưng vì nhà sản xuất là người Hong Kong và anh ấy nắm bản quyền nên có thể gửi phim tới Cannes. Trương Nghệ Mưu không đi, còn tôi đi cùng bạn diễn Cát Ưu. Anh ấy giành giải Nam diễn viên xuất sắc nhất còn phim cũng giành được giải thưởng lớn thứ 2 của Cannes - giải thưởng của ban giám khảo. Tôi được chỉ định là người nhận giải thay cho đạo diễn.
Nhưng ngay trong ngày hôm đó, tôi đã nhận được cuộc điện thoại báo tin cha tôi qua đời. Đó là bộ phim có tên Phải sống. Tôi không biết phải diễn tả tâm trạng của mình lúc đó như nào. Đạo diễn không có mặt, chỉ có 2 chúng tôi - 2 diễn viên. Không ai bên cạnh. Bạn không thể bước ra sân khấu và rơi nước mắt. Vì vậy, tôi đã đứng dậy, thay mặt đạo diễn cảm ơn ban giám khảo và nói: "Tôi muốn dành tặng bộ phim cho cha". Tôi không chia sẻ cha tôi đã qua đời, tôi chỉ nói cha đã rất muốn xem bộ phim này vì ông là người sống trong thời kỳ mà phim đề cập, nhưng ông đã không thể làm được vì quá ốm. Sau đó, tôi bước xuống sân khấu và đã khóc rất lâu.
Đôi lúc bạn phải chấp nhận để công việc xung đột với cuộc sống riêng tư. Tôi đã muốn về nhà ngay ngày hôm sau nhưng mọi người bảo không thể vì có rất nhiều cuộc phỏng vấn cần thực hiện. Và bạn thì không thể quá cảm xúc khi phỏng vấn, vì đó là công việc. Đó là ký ức khiến tôi học được rằng, diễn viên phải trả cái giá rất đắt. Cuộc đời và sự nghiệp phải hoàn toàn tách biệt. Trong công việc, bạn phải đối mặt với công chúng, truyền thông, và nếu có chuyện gì xảy ra trong cuộc sống, bạn cũng không thể đem nó lên phim trường bởi vì bạn đang thể hiện một nhân vật rất khác. Khi làm việc, bạn không thể chỉ quan tâm đến bản thân.
Hình ảnh Củng Lợi trong Phải sống. |
- Chị đã quen với Cannes hay chưa?
- Thành thật mà nói thì chưa. Tôi đã tham dự Cannes 15 hay 16 lần nhưng mỗi lần, tôi đều có cảm giác xáo động. Đó là điều tôi cho là Cannes đã làm rất tốt, bởi nó khiến người ta không nhàm chán. Nếu trước đó bạn có suy nghĩ "mình không muốn làm diễn viên nữa. Có lẽ mình nên nghỉ ngơi", thì khi tới đây, bạn sẽ luôn có cảm hứng làm nghề trở lại. Liên hoan phim này có tác dụng thúc đẩy diễn viên. Khi ở đây, bạn sẽ cảm nhận được công việc của bạn vẫn rất quan trọng. Có rất nhiều người nhìn bạn với ánh mắt mong đợi và nói: "Hãy làm thêm nhiều bộ phim nữa để chúng tôi có thể trải nghiệm một thế giới khác với chúng".
Do đó, khi ở Cannes trở về, bạn sẽ tự nhắc mình "Tôi muốn tiếp tục làm việc". Đó là sức mạnh của Cannes. Sẽ không có chỗ cho những ý nghĩ như "Ồ, mình đã quá quen với nó. Tham dự Cannes chỉ là một phần của công việc".
Mỗi lần tới Cannes, tôi luôn thấy tràn đầy năng lượng bởi sự trân trọng mà mọi người dành cho những nhà làm phim và nghệ sĩ.
Tháng 5/2014, Củng Lợi trở lại Cannes cùng Trương Nghệ Mưu (bìa trái). |