Cúng tiễn ông Công ông Táo về trời là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm, với mong muốn một cuộc sống no đủ, bếp gia đình lúc nào cũng rực lửa. Tuy nhiên, phong tục này hiện bị nhiều gia đình hiểu sai và biến tướng.
Nhiều người sắm đồ vàng mã quá nhiều, cầu kỳ, ngoài ba mũ ông Công còn có quần, áo, nhà lầu, xe hơi, tới máy bay, máy tính, điện thoại..., khấn xin tài lộc, thăng quan, tiến chức.
Tuy nhiên, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng cúng lễ ông Công, ông Táo chỉ cần các thủ tục đơn giản như văn sớ, đồ cúng lễ, thời gian cúng ông Táo...
Các gia đình nên cúng ông Công ông Táo trước 12h trưa 23 tháng Chạp. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thời gian cúng
Theo đó, lễ cúng ông Công ông Táo phải được thực hiện trước 12h ngày 23 tháng Chạp. Các gia đình có thể làm lễ cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp (trước 12h trưa).
Táo Quân là những vị thần cai quản chuyện nhà cửa, bếp núc nên nhiều gia đình đặt mâm cỗ cúng dưới bếp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu tâm linh, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, không phù hợp với phong tục và quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của dân tộc. Các vị Táo Quân đều phải được thờ phụng trên bàn thờ chính trong nhà chứ không phải ở dưới bếp.
Bên cạnh đó, Táo Quân lên chầu trời là để báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện lớn, việc nhỏ diễn ra trong năm ở dưới hạ giới. Vì vậy, khi cúng, bạn không nên xin tài lộc, sung túc mà chỉ nên cầu xin các Táo Quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng.
Không lãng phí vàng mã
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Viện nghiên cứu bảo tồn Văn hóa và phát triển phương Đông) nói rằng thông thường người dân sau khi cúng ông Công ông Táo sẽ rút tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ.
Tuy nhiên, năm nay, ngày 23 tháng Chạp trùng vào ngày lập xuân, nên các gia đình tránh lau dọn bàn thờ làm xê dịch bát hương, rút chân nhang. Bởi những quốc gia theo nền văn minh lúa nước như Việt Nam, ngày lập xuân được coi là ngày đầu của năm mới.
Ngoài ra, khi cúng, nhiều người đã lạm dụng sắm sửa vàng mã, quần áo, nhà lầu, xe hơi lên tới cả bạc triệu. Dù xuất phát từ lòng thành tâm của gia chủ, điều này thực sự rất lãng phí và không cần thiết.
“Đốt nhiều, đốt không đúng biến người ta thành kẻ ngông cuồng, một trò khoe của lố lăng”, GS Ngô Đức Thịnh nói.
Chúng ta tránh ném, thả, vứt cá chép từ trên cao xuống. |
Thả cá chép đúng cách
Trong ngày 23 tháng Chạp, người Việt có phong tục thả cá chép tiễn ông Táo chầu trời. Không chỉ mang ý nghĩa “đưa ông Táo bay về trời”, hành động phóng sinh còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Chính vì vậy, tục thả cá không coi trọng nhiều hay ít, cá to hay nhỏ mà quan trọng ở tấm lòng của người phóng sinh, không phạm vào những điều đại kỵ làm mất đi ý nghĩa của tục lệ và gây hại cho môi trường.
Ngoài ra, người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo cần lưu ý ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, kín đáo không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn… Trong lúc khấn cúng phải giữ tâm thái hoan hỉ, vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh.