Điểm dừng chân đầu tiên của hành trình “Cùng xây ước mơ” mùa 2 là xứ dừa Bến Tre. Tình cờ nghe kể về tấm gương nghèo vượt khó của chị Bùi Thị Kiều ngụ ở ấp An Hoà, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, đoàn thực hiện với sự đồng hành của “giáo sư Búa Su” - diễn viên Hoàng Mập đã quyết định ghé thăm để tìm hiểu về hiện trạng ngôi nhà và chất lượng sống của gia đình.
Chị Kiều và các con trong căn nhà xiêu vẹo, chắp vá. |
Anh Thuận và chị Kiều cưới nhau đã hơn 10 năm, có 4 người con 2 trai, 2 gái. Gia đình thuộc hộ nghèo của xã nên được cấp cho một con bò dự án để nuôi. Hàng ngày chị Kiều đi cắt cỏ cho bò rồi về nhà bó chổi mướn, mỗi tháng chị cũng kiếm được chừng một triệu đồng. Anh Thuận giữ đầm tôm mướn được 4 triệu đồng/tháng, do phải túc trực ở đầm nên ít khi được về nhà. Nhiều người thương tình đã cho anh chị mượn đầm tôm nuôi quãng canh, nhưng càng làm càng lỗ nên không dám nuôi nữa. Tuy vậy, anh chị vẫn bám trụ tại quê nhà chứ không đi xứ khác lập nghiệp vì “không đâu bằng nhà mình”.
Dưới mái nhà lụp xụp ấy, trên dưới luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, chẳng ai nghe thấy lời qua tiếng lại bao giờ. “Nghèo thì nghèo đó nhưng chưa bao giờ tôi thấy khổ, nhìn tụi nhỏ chăm sóc, bảo ban nhau mà thấy vui trong lòng. Đời tôi đã không học được nhiều, giờ phải ráng lo cho tụi nó học hành tới nơi tới chốn”, chị Kiều chia sẻ.
Ngôi nhà lá của gia đình chị Kiều khi trời mưa không có lấy một chỗ khô ráo, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. |
Căn nhà lá của gia đình được cất trên nền đất mẹ chồng cho. Hơn mười năm nay, chị chỉ có tiền thay lá 2 lần, cứ dột chỗ nào là sửa chỗ đó. “Cả nhà sợ nhất là trời mưa, tội mấy đứa nhỏ không có chỗ học, có cái bàn học cũ được người ta cho chia nhau mỗi đứa một góc. Chồng mắc đi làm ít khi ở nhà nên tôi toàn đi xin mủ tôm về rồi tự leo lên trải trên nóc. Có lần xém té vì cây gỗ bị mục”, chị Kiều vừa kể vừa cười vô tư.
Cậu con trai cả của chị Kiều là Vốn - sinh viên năm nhất Đại học Marketing TP.HCM, học giỏi từ nhỏ và lên đại học nhờ học bổng của trường. Khi không đi học, Vốn phụ mẹ trông em, cắt cỏ cho bò, đi đặt lợp, giặt đồ và bó chổi thuê. Trước khi lên thành phố nhập học, biết mẹ không có tiền nên Vốn đã bó chổi thuê suốt một tháng để kiếm tiền. Em khoe: “Hồi đó, cứ cắt cỏ cho bò ăn xong là em ngồi bó chổi từ 10 giờ sáng tới chiều, một ngày em bó được 70-80 cây chổi. Bó cả tháng được hơn 1.000 cây chổi là em kiếm được 1 triệu mấy làm lộ phí lên Sài Gòn”.
Vốn- chàng trai hiếu thảo, học giỏi với ước mơ “Ngàn cây chổi”. |
Vốn rất quý trọng ba, trong mắt em, ba Thuận ít nói nhưng rất nhẹ nhàng, thương vợ thương con.. Ba chính là cái động lực cho Vốn phấn đấu học hành và làm việc để giúp đỡ cho gia đình.
Sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, giáo sư Búa Su đã quyết định đóng cọc, cắm cờ hiệu chương trình. Ngôi nhà mới là món quà đặc biệt của “Cùng xây ước mơ” và nhà tài trợ thép Pomina dành tặng cho những con người luôn lạc quan, yêu đời không đầu hàng số phận.
Ngôi nhà với gạch trắng và tường xanh mát đều theo nguyện vọng của gia đình, có cột bê tông cốt thép được xây cất kiên cố. Nền nhà được nâng cao, mái tôn vững chãi an toàn, được chống thấm kỹ càng để cả nhà không còn cần lo lắng mỗi khi mùa mưa tới.
Nhà còn có phòng riêng dành cho các con lớn đi học, đi làm xa, anh chị Thuận, Kiều còn nói đùa sau này nếu Vốn lấy vợ thì phòng đó sẽ là của riêng 2 đứa. Còn cậu con trai út thì mê tít chiếc bàn học bên cạnh cửa sổ. Chương trình hy vọng Thành sẽ yêu thích góc học tập mới này và phấn đấu học giỏi như anh trai của mình.
Căn nhà mới khang trang, vững chãi sẽ là tổ ấm bình yên cho cả gia đình. |
Chiếc tủ quần áo mới và góc học tập yêu thích của cậu bé Thành. |
Bằng tất cả sự lạc quan và tinh thần vượt khó bền bỉ, câu chuyện về gia đình anh Thuận, chị Kiều chính là những thước phim chân thực về người cha người mẹ vì các con mà trở nên phi thường, về đàn con dù nhỏ tuổi nhưng vô cùng hiếu thảo.
Hãy cùng đón xem số đầu tiên của “Cùng xây ước mơ” mùa thứ hai vào 20h45 thứ 6, 11/1 trên kênh HTV9. Độc giả có thể truy cập fanpage chính thức của chương trình để biết thêm thông tin chi tiết.