Đầu tháng 11, chung cư Sunrise City View (quận 7, TP.HCM) đề nghị cư dân đưa vật nuôi ra khỏi căn hộ trước ngày 10/11. Ban quản lý sẽ tiến hành cưỡng chế mang các con vật đi nếu cư dân không thực hiện.
Ngày 27/10, một con mèo bị tẩm dầu hỏa, thiêu sống ở quận Đống Đa (Hà Nội) do xích mích tình cảm giữa đôi tình nhân.
Ngày 9/10, 16 con chó, mèo của một cặp vợ chồng F0 bị cán bộ trong khu cách ly ở Cà Mau nóng vội tiêu hủy do lo ngại truyền nhiễm Covid-19.
Liên tiếp các sự việc không hay xảy ra liên quan đến vật nuôi khiến những người yêu mến động vật bất bình, tức giận. Họ cho rằng xã hội còn thiếu lòng trắc ẩn với các sinh vật sống, đặc biệt những vật nuôi gần gũi con người như chó, mèo.
Trong khi đó, nhóm không thích vật nuôi nói rằng những sự việc trên không đáng để dấy lên làn sóng phản đối.
Cuộc tranh cãi giữa hai nhóm yêu mến và không thích động vật đã tồn tại từ lâu. Song, nó dường như không có hồi kết, thậm chí ngày càng căng thẳng hơn, nhất là khi nuôi thú cưng trở thành sở thích phổ biến.
Chú mèo bị thiêu sống đang được các bác sĩ thú y điều trị tích cực. Ảnh: Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội. |
Dành nhiều tình cảm cho 'người bạn 4 chân'
Quyết định của vợ chồng Uyên Như (30 tuổi, TP.HCM) khiến nhiều người bàn tán ra vào: Họ chọn không sinh con để dành thời gian và sức khỏe chăm sóc cho gần 350 thú nuôi bị thương tật, bỏ rơi hoặc buôn bán tại lò mổ.
Ngoài gần 70 con vật được nuôi nấng ở nhà riêng, đôi trẻ chăm nom số còn lại tại trạm cứu hộ ở quận Bình Chánh. Năm 2016, họ cũng từng hủy đám cưới một lần để dành tiền chuyển trạm sang địa điểm hiện nay.
Ngoài công việc kinh doanh, hai vợ chồng thường giải cứu chó, mèo qua tin nhắn thông báo từ người dân. Với những con bị thương nặng, họ đưa tới bác sĩ thú y chữa trị trước khi mang về trạm. Tất cả thú nuôi đều được triệt sản và tiêm phòng đầy đủ hàng năm.
Uyên Như cho biết mỗi tháng, vợ chồng cô dành khoảng 80-100 triệu đồng để nuôi “đàn con”, trong đó 30-40% là phần hỗ trợ của mạnh thường quân. Họ cảm thấy may mắn khi có khả năng duy trì trạm cứu hộ suốt nhiều năm qua.
“Ngày nào không được gặp tụi nó, tôi sẽ rất buồn. Tôi chỉ lo lắng mình không đủ thời gian ôm ấp, chăm lo tỉ mỉ cho từng đứa”, cô chia sẻ.
Vợ chồng Uyên Như nhận nuôi gần 350 động vật. Ảnh: Phương Lâm. |
Với những người không có điều kiện như ông Sơn, người bán vé số ở quận 1 (TP.HCM), ông vẫn cố gắng dành những điều tốt nhất cho người bạn đồng hành mới của mình là chú cún tên Vui.
“Thỉnh thoảng, có vài người đến đây tặng đồ và tiền. Nếu họ cho số tiền ít thì tôi nhận, còn nhiều thì tôi không dám lấy. Được tặng chú cún này là tôi vui mừng lắm rồi. Có nó, tôi đỡ buồn và cô độc”, ông viết lên tấm bảng để giao tiếp với Zing.
Trước đó, ông từng cưu mang Bông, chú cún được mệnh danh là “công chúa nhỏ của Sài Gòn”. Người đàn ông bị câm, điếc này cẩn thận lót ổ, chuẩn bị sẵn thức ăn và đồ chơi cho cún cưng nằm bên cạnh mình trong khi ông mời khách mua vé số.
Nhiều người cảm động khi chứng kiến lòng trắc ẩn của ông Sơn, một người đàn ông phải lo từng bữa mỗi ngày song vẫn chăm chút cho “đứa con nhỏ”. Tuy nhiên, đầu tháng 10, Bông không may qua đời do bị chó lớn tấn công.
Ông Sơn cùng Vui, cún cưng mới được tặng. Ảnh: Thục Hạnh. |
Mặt khác, với những người yêu mến động vật có điều kiện tài chính ổn định, họ không ngại chi tiền, sẵn sàng cung cấp điều kiện sống tốt nhất cho thú cưng của mình.
Kể từ tháng 7, khi TP.HCM siết chặt lệnh giãn cách xã hội, Thanh Huyền (28 tuổi, TP Thủ Đức) quyết định tạm gửi chó cưng tới một trung tâm chăm sóc vật nuôi ở nội quận.
Sau hơn 3 tháng, chi phí đã lên đến 63 triệu đồng, bao gồm tiền chăm sóc, chỗ ở, thức ăn và thuốc điều trị bệnh u lưỡi cho chú chó.
"Khi giãn cách xã hội, tôi không thể dẫn Wukong đi dạo như trước dịch. Nếu để một chú chó lớn như vậy ở yên trong căn hộ chung cư 24/7, nó có thể bị stress, bỏ ăn uống, nghịch ngợm gây ảnh hưởng tới người khác", cô giải thích.
Thanh Huyền thừa nhận khá ngại khi nghe người khác đánh giá mình hoang phí. Tuy nhiên, cô thấy mình có khả năng chi trả và dịch vụ xứng đáng với số tiền cô bỏ ra.
“Tôi chỉ quan tâm rằng chó của mình có được chăm sóc tốt hay không", cô chia sẻ.
Tranh cãi vì vật nuôi
Song song với đó là những sự việc không may liên quan đến vật nuôi, gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng.
Ngày 9/10, đàn chó, mèo gồm 16 con của một cặp vợ chồng F0 bị tiêu hủy do lo ngại truyền nhiễm Covid-19. Ông Lê Phong, Phó bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, cho biết việc tiêu hủy là phù hợp với quy định của pháp luật.
“Chủ của đàn chó, mèo là F0 nên chúng tôi tập trung điều trị, tránh gây tâm lý không tốt cho bà con”, ông Phong chia sẻ.
Cách xử lý của địa phương khiến nhiều người tức giận. Dưới góc độ pháp lý, vật nuôi chỉ bị tiêu hủy nếu được xác định mang mầm bệnh trong cơ thể, theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Dưới góc độ khoa học, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc chó, mèo là vật chủ trung gian truyền bệnh Covid-19 cho người.
Thế nhưng, một số khác cho rằng quyết định của chính quyền là hợp lý dựa trên tình hình dịch bệnh hiện tại. Ban điều hành cũng lập biên bản tiêu hủy đàn chó, mèo trước sự chứng kiến của người dân trong khu cách ly. Họ đồng tình với cách xử lý của cơ quan chức năng.
“Cách xử lý của cán bộ còn nóng vội, sai sót, song cũng phải hiểu rằng họ phải quản lý, chịu trách nhiệm cho hàng nghìn người hồi hương. Lo cho người còn không kịp thì lấy thời gian đâu lo cho mấy con chó, con mèo”, một tài khoản để lại bình luận mạng xã hội và nhận được sự đồng tình của nhiều người khác.
“Tiêu hủy là đúng. Chúng ta cần phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ động vật”, tài khoản Phạm Ngọc Minh chia sẻ.
Người đàn ông quê Bình Dương chở trên chục con chó vào Cà Mau. Ảnh: Cắt từ clip. |
Còn tại TP.HCM, một cuộc tranh cãi nổ ra giữa các cư dân ở chung cư Sunrise City View sau thông báo của ban quản lý. Cụ thể, ngày 10/11 là hạn cuối để cư dân nuôi động vật đem vật nuôi rời khỏi căn hộ.
Theo người đại diện ban quản lý, hàng ngày họ nhận được rất nhiều phản ánh của cư dân về tiếng chó sủa ồn ào, lông thú cưng gây dị ứng hay phân động vật ở hầm. Điều này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, nghỉ ngơi của những cư dân tuân thủ quy định.
Bên cạnh đó, một số gia đình lo ngại chó nhà hàng xóm có thể tấn công con cái mình, nhất là khi nhiều chủ nuôi quên không đeo rọ mõm cho thú cưng trong lúc đi thang máy hoặc dạo chơi ở khuôn viên sinh hoạt chung. Trẻ em cũng có khả năng mắc bệnh về hô hấp khi chơi đùa cùng các con vật.
Mặt khác, các cửa hàng bày bán mặt hàng thịt chó, mèo ở nhiều tỉnh, thành vẫn rất đắt khách. Thực khách cho rằng món ăn này là một đặc sản thơm ngon và bổ dưỡng, chứa nhiều chất đạm.
Thái Hà (23 tuổi, Hà Nội) coi món thịt chó là một nét văn hóa ẩm thực Việt Nam. Cô không đồng tình với quan điểm “ăn thịt chó mèo là man rợ”.
“Nhiều người yêu mến động vật cho rằng việc ăn thịt chó mèo là sở thích của ‘động vật bậc thấp’. Song, tôi không nghĩ vậy. Đương nhiên, tôi không ăn thịt con vật gia đình mình nuôi, nhưng tôi vẫn có thể ăn thịt chó ngoài quán. Một số nơi đã mở trang trại nuôi chó tương tự như gà, bò và lợn”, cô chia sẻ.
“Tôi tôn trọng sở thích nuôi thú cưng và quan điểm của những người yêu mến động vật. Ngược lại, tôi và những người không thích vật nuôi cũng hy vọng nhận lại sự tôn trọng tương tự. Chúng tôi không cổ xúy bạo hành, ngược đãi động vật, nhưng ẩm thực là một phạm trù văn hóa có sự khác biệt ở mỗi nơi”, cô nói thêm.