Cuộc chiến giành giật sự sống của một bệnh nhi ung thư máu
LTS: Trong khi phiên tòa xét xử các bị cáo trong đường dây nhập thuốc điều trị ung thư giả của công ty VN Pharma diễn ra trong phòng xử án; ngoài kia, tại các bệnh viện, những bệnh nhân ung thư đang ngày đêm vật vã với những cơn đau thấu xương tủy và người thân của họ phải chạy vạy lo từng đồng tiền thuốc men.
Zing.vn xin chia sẻ đến quý bạn đọc câu chuyện về cuộc chiến giành giật sự sống từ tay thần chết của một bệnh nhi bị ung thư máu, cô bé 9 tuổi, tên Tăng Thị Thanh Kiều, quê Trà Vinh. Em chỉ là một trong số hàng chục nghìn trường hợp đang chịu đựng đau đớn mỗi ngày vì căn bệnh ung thư, cả về thể xác lẫn tinh thần, mà báo chí không thể nào kể hết từng số phận.
Bé Tăng Thị Thanh Kiều , 9 tuổi. Ảnh: Liêu Lãm. |
5h, trời còn chưa sáng, nghe tiếng gà gáy, chị Mai lọ mọ thức dậy, khẽ khàng soạn quần áo bỏ vào bịch nylon, vỏn vẹn 2 bộ đồ cho mẹ, 2 bộ đồ cho con. Con gái chị - bé Kiều - cựa quậy một lúc rồi mở mắt, chui ra khỏi mùng tìm mẹ.
Kiều quá quen với cảnh gói ghém đồ đạc vào sáng sớm nên chỉ ngồi nhìn ngó. Đã lâu lắm rồi, cô bé chẳng còn háo hức với chuyện lên Sài Gòn nữa. Những gân xanh nổi lên dưới lớp da mỏng, tâm trí Kiều lởn vởn mùi thuốc kháng sinh và kim tiêm.
Hãy còn sớm, chị Mai chải đầu như thói quen, còn Kiều chỉ ngồi thẫn thờ nhìn mẹ. Đầu Kiều trọc lóc. 12 ngày sau đợt hoá trị đầu tiên, Kiều đã bỏ hẳn cái lược chải đầu.
Chị Mai với tay lấy 2 chiếc áo khoác màu xanh dương mà chị gọi là “màu hy vọng” mặc vào cho Kiều, đội nón, khép cửa rồi hai mẹ con dìu nhau bước đi. Tay Kiều ôm chặt con gấu Teddy xám đã ngả màu. Lần thứ bao nhiêu từ Trà Vinh lên Sài Gòn, Kiều cũng không đếm hết.
Chiếc áo xanh hy vọng
5h45, xe trung chuyển dừng đầu cổng. Chiếc quần thun xắn cao, Kiều lê từng bước chân yếu trên đôi dép nhựa màu tím, cố gắng đi trước mẹ. Xe trung chuyển chật kín, chỉ còn dư một chiếc ghế cho hai mẹ con.
“Nó yếu nên không ngồi như người ta được, tui phải mua vé xe giường nằm. Bận đi, bận về là hết 500.000 đồng rồi”, chị Mai nói.
Trên xe, Kiều ôm chiếc iPad chơi. Vốn hiền lành, ít nói, không giao tiếp nhiều với mọi người cộng thêm căn bệnh ập đến khi chỉ vừa tròn 9 tuổi khiến Kiều như thu mình lại. Mẹ mua chiếc iPad để Kiều làm bạn trong những chuyến xe dài và những ngày chờ đợi mòn mỏi trước phòng bệnh.
Ở trạm dừng chân, Kiều và mẹ chia nhau một chiếc bánh bao. “Em thích ăn kem lắm, nhưng chỉ khi nào về quê em mới được ăn. Ở bệnh viện mua mắc”, Kiều bất chợt quay sang nói khi nhìn thấy một cậu bé gần đó đang cầm que kem.
Xe dừng ngay dọc quốc lộ. Hai mẹ con gọi xe ôm với giá 50.000 đồng để về nhà trọ của chị gái Kiều.
“Ngày mai là tới hẹn để truyền máu, truyền lana. Truyền tới 8-9 lọ mà mỗi lọ tới 4,5 triệu nên tui lên ở nhà con gái cho nó chạy tiền đã. Mai chắc chưa vào viện được ngay...”, chị Mai trầm ngâm.
Hành trình đến viện của bé Kiều còn qua một chặng xe buýt từ quận 7 qua bệnh viện Ung Bướu TP.HCM ở quận Bình Thạnh. Đường phố đầy xe, còn bệnh viện thì đông đến ngộp thở. Kiều bước khẽ chỉ sợ va vào những người nằm, ngồi dọc cầu thang lên xuống.
Kiều không thích mùi bệnh viện, nhưng ở đây, cô bé tìm thấy những người giống như mình. Điều dễ nhận ra nhau nhất là những cái đầu trọc lóc, đôi chân khẳng khiu, làn da xám xịt… Và những đôi mắt buồn rười rượi nhìn nhau nữa, giống như mắt của Kiều, nhưng thật khác với mắt của bạn bè ở quê lúc còn đi học.
Cơm từ thiện
Ngay buổi sáng đầu tiên vào viện, mẹ và Kiều đã nhanh chóng gia nhập đời sống ở hành lang và cầu thang bệnh viện. Đó là nơi mà những bệnh nhân và người nhà của họ sống, tiết kiệm từng đồng tiền lẻ cho những đợt điều trị đắt đỏ giá hàng triệu đồng. Ở khu vực dành cho bệnh nhi ung thư, người nhà chủ yếu là các bà mẹ.
Chị Mai thường nhịn bữa sáng, còn bữa trưa và bữa tối có thể xin suất ăn từ thiện. Nhờ thế, phần ăn của Kiều thi thoảng sẽ có thêm món gà rán hoặc món cua tươi ngon mua từ chợ Bà Chiểu. Bình thường, chi phí cho một bữa ăn của Kiều vào khoảng 30.000-50.000 đồng.
Lúc An, một người làm từ thiện ở bệnh viện Ung bướu đi qua cửa phòng, chị Mai nghe thấy tiếng rao: “Trước cổng bệnh viện có cháo nấm rơm, ai ăn ra lấy nha”. Thông tin được những người nuôi bệnh truyền tai nhau. Cả người làm từ thiện lẫn người ăn đều quen mặt nhau. Thời gian họ ở bệnh viện này không tính bằng ngày, tháng, mà tính bằng năm.
Bé Kiều đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu. Ảnh: Liêu Lãm. |
Anh Nguyễn Thanh Cường (46 tuổi) làm chủ một quán ăn cạnh bệnh viện. Quán của anh chỉ bán buổi trưa, đến chiều tầm 3h chiều, anh lại cùng vợ và đứa em út chạy xe mang các phần cơm đến trước cổng bệnh viện, dựng bảng để phát.
“Mỗi ngày khoảng hơn 100 phần, tôi làm đều đặn được hơn 1 năm nay. Người nhà mất vì căn bệnh này cũng có, bạn bè mất cũng nhiều, vậy nên bản thân tôi có sự đồng cảm trước những hoàn cảnh ở đây”, anh Cường tâm sự.
Lâu hơn cả anh Cường, nhóm “Chị em láng giềng” của chị Thảo đã phát các suất ăn miễn phí ở bệnh viện Ung bướu 10 năm nay. Những bệnh nhân đã quen mặt, đến một ngày, chị Thảo chẳng bao giờ còn gặp lại họ nữa. Mỗi ngày, đều có những người mới đến và những người cũ ra đi.
Tiệm tóc cho… người đầu trọc
Một năm trước, sau đợt hoá trị đầu tiên, đầu bé Kiều trọc lóc. “Tóc nó lúc trước dài và đen lắm. Lúc bắt đầu rụng, nó khóc quá trời. Nó bảo sao tóc con đâu rồi, sau này có mọc lại không mẹ”, mẹ Kiều lau nước mắt kể.
Tóc nó lúc trước dài và đen lắm. Lúc bắt đầu rụng, nó khóc quá trời.
mẹ Kiều lau nước mắt kể
Rồi bé Kiều cũng chấp nhận quả đầu trọc của mình. Chiếc lược đã không còn cần đến nữa. Nhưng những bệnh nhân khác, họ tìm đến dịch vụ “gia công tóc” sau đợt hoá trị.
Nằm đối diện với bệnh viện Ung Bướu ở đường Nguyễn Huy Lượng, tấm biển “Gia công tóc 500k” gây tò mò cho nhiều người. Tiệm tương đối nhỏ bên trong trưng bày rất nhiều đầu tóc giả với đủ màu sắc.
Theo chia sẻ của chủ quán, những người tìm đến với dịch vụ này hầu hết là phụ nữ, tuổi từ 30-45. Sau mười mấy ngày hóa trị tóc sẽ rụng dần, có người vì tự ti nên muốn có được mái tóc để nhìn đỡ… trống trải. Dịch vụ gắn tóc giả có giá 500 nghìn, khách hàng thân thiết của tiệm này là các bệnh nhân ung thư.
Cạnh đó, nhiều tiệm bán tóc giả khác cũng nở rộ với giá không hề rẻ. Từ 200-700 nghìn đồng/bộ tùy theo chất lượng và độ dài.
"Không có tiền thì đem nó về"
Đã 1 năm đi đi về về giữa Sài Gòn và Trà Vinh sau những đợt hóa trị dài ngày, chị Mai vẫn chưa thể quen với nhịp sống của Sài Gòn.
“Tui vẫn sợ ở đây lắm, người thì đông, đồ ăn thì mắc mà nhìn thấy tụi nhỏ chết không à. Mấy bé vô cùng đợt với Kiều nhà tui đi hết rồi, còn có mỗi nó với bé kia thôi. Người lúc nào cũng trong trạng thái hồi hộp”, chị Mai run run nói.
Có những hôm chị ôm con khóc khi dẫn Kiều ra quán ăn và bắt gặp ánh nhìn e dè của những người xa lạ. Họ bưng bát đi sang chỗ khác ngồi hay vội tính tiền khi thấy hai mẹ con.
“Người thành phố lạ thiệt, có người thì tốt lắm còn có người thấy cũng lạnh nhạt quá chừng. Bệnh này đâu có đến nỗi lây qua đường nói chuyện đâu mà họ dè chừng mấy đứa trẻ thấy tội nghiệp”, chị ngậm ngùi.
Còn bên trong hành lang bệnh viện, chỉ có những đứa trẻ đầu trọc ngơ ngác và những người mẹ đau khổ. Những tờ hoá đơn viện phí cứ ngày một dày lên trong bịch nylon đựng quần áo mang từ nhà.
“Nếu đợt này không có tiền thì tui đem nó về luôn”, chị Mai thở dài. Bên cạnh chị, những người mẹ khác mệt mỏi, mắt trũng sâu vì lo lắng và thiếu ngủ ngồi một hàng dài.
“Nếu đợt này không có tiền thì đem nó về luôn”, mẹ của Kiều thở dài. Ảnh: Liêu Lãm. |
Cơn đau ập đến với bé Kiều vào một buổi chiều tháng 11/2016. Sau buổi học, cô bé đột nhiên không thở nổi, người lịm dần đi. Lúc này, chị Mai đang làm phụ hồ ở Sài Gòn.
Các bác sĩ ở Trà Vinh chỉ đưa ra một lời khuyên ngắn gọn: Lên Sài Gòn gấp! Chị Mai nghe tiếng em gái mình hoảng hốt trong điện thoại. “Tui nghe mà tay chân bủn rủn, vội vàng bắt xe về ngay trong đêm để đưa con lên thành phố”, chị Mai kể.
Mời bạn đọc đón xem kỳ sau vào sáng mai, 20/10.