Cuộc chiến giành nước ở mỏ kim loại 'quý hơn vàng' ở Chile
Thứ bảy, 20/10/2018 06:05 (GMT+7)
06:05 20/10/2018
Hai công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất lithium đang cạnh tranh về nguồn nước mặn ở mỏ khai thác Chile, nhưng nguồn nước có thể chẳng còn đủ cho bất kỳ cuộc chiến nào.
Đầu năm nay, hai công ty dẫn đầu thị trường sản xuất kim loại lithium công bố thỏa thuận mới với chính quyền Chile, cho phép họ tăng sản lượng khai thác lithium ở Atacama, sa mạc khô cằn nhất thế giới. Tập đoàn Albemarle của Mỹ và tập đoàn SQM của Chile hoạt động cách Salar 5 km, lưu vực này là mỏ lithium có sản lượng lớn nhất thế giới. Lithium được mệnh danh là "kim loại quý hơn vàng" vì là nguyên liệu làm nên pin Li-ion, thành phần quan trọng trong hầu hết vật dụng điện tử hiện nay, từ điện thoại, máy tính đến ôtô điện.
Albemarle và SQM khẳng định có thể tăng sản lượng lithium trong lúc vẫn giữ nguyên hạn mức khai thác nước muối giàu lithium
đã tích tụ trong khoang ngầm bên dưới sa mạc Atacama qua thiên niên kỷ. Hai công ty đối thủ cho biết họ đã khai thác đủ lượng nước muối cần thiết cho quá trình sản xuất hiện tại và tương lai. "Tôi không thấy có bất kỳ vấn đề gì về sức khai thác (nước muối) của chúng tôi đến hết thời hạn được quy định trong hợp đồng", ông Luke Kissam, giám đốc công ty Albemarle, trả lời các nhà đầu tư hồi tháng 8.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Reuters, giám đốc Kissam khẳng định ông "không nghi ngờ gì" về việc Salar có đủ lượng nước để phục vụ cho quá trình sản xuất. Sản lượng lithium của công ty Albemarle
tính riêng tại khu vực là 80.000 tấn/năm, đáp ứng được gần 36% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu trong năm 2017. Theo ông Kissam, tập đoàn Albemarle
đã phát triển được công nghệ giúp chiết xuất nhiều lithium hơn từ cùng lượng nước muối.
Tuy nhiên, theo điều tra của Reuters, tập đoàn Albemarle từng có giọng điệu khác về công ty đối thủ SQM. Trong một tập hồ sơ được đệ trình vào tháng 3/2017, Albemarle bày tỏ quan ngại về lượng nước muối mà SQM đã khai thác và những tác động có thể xảy đến đối với hoạt động sản xuất lithium trong tương lai. Giới chức Chile cũng khẳng định SQM đã điều chỉnh hoạt động của các giếng khai thác mà chưa được chính quyền cho phép, khiến việc giám sát trở nên khó khăn.
SQM chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về cáo buộc của công ty đối thủ. Tập đoàn này khẳng định đã khai thác đủ lượng nước muối để sản xuất lithium theo đúng dự kiến. Trong vòng 2 năm trở lại đây, công ty sản xuất lithium của Chile đã gửi 4 bản kế hoạch cho cơ quan xây dựng hệ thống quy định bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ lượng nước muối công ty này dự định khai thác. 3 bản kế hoạch đầu tiên bị yêu cầu chỉnh sửa, bản kế hoạch thứ 4 được đệ trình hồi tháng 9 và chưa được phản hồi.
Cùng lúc đó, SQM cũng cáo buộc Albemarle khai thác quá mức lượng nước muối cho phép, gây ảnh hưởng đến trữ lượng của các khoang chứa. Albemarle từ chối bình luận về vấn đề này. Trong khi đó, các nhà địa chất thủy văn và nhà hóa học môi trường bày tỏ quan ngại về lượng nước muối còn lại của lưu vực Salar và về việc các công ty có thể khai thác trong bao lâu. Giới chuyên gia cho rằng chính quyền Chile và các tập đoàn chưa thực sư hình dung được vấn đề sau khi kế hoạch tăng cường sản xuất được thông qua.
Sản lượng nước ngọt và nước mặn của Salar luôn nằm dưới sự theo dõi của giới chuyên gia, bởi khu vực này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lithium trên toàn cầu. Salar được xem là mỏ khai thác lithium hiệu quả nhất thế giới về mặt kinh tế, và cả Albemarle và SQM đều phụ thuộc vào tình trạng sản xuất lâu dài ở đây. Theo chuyên gia Joe Lowry, lithium đã trở thành loại hàng hóa "được săn đuổi nhất" hiện nay.
Theo nhà địa chất thủy văn Mariana Cervetto, chuyên gia từng làm việc với Corfo,
cơ quan phát triển sản xuất của Chile, và các cộng đồng bản địa sinh sống quanh khu vực Atacama, câu hỏi được đặt ra vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. "Khi mọi người hỏi tôi, 'Có phải trữ lượng nước đang sắp cạn kiệt?', tôi trả lời họ, 'Sự thật là chúng tôi cũng không biết'", bà Cervetto nói.
Xung đột giữa Albemarle và SQM nổ ra từ năm 2013, thời điểm thanh tra chính phủ Chile kiểm tra cơ sở sản xuất của SQM và nhận thấy nhiều điều bất thường. 23 cây Algarrobo, loài thực vật thân gỗ bản địa ở sa mạc Atacama sinh sống bằng việc phát triển hệ thống rễ sâu đến tầng nước ngầm, đang rụng lá và chết.
Số lượng trên chiếm đến 1/3 tổng số cây Algarrobo mà công ty SQM cam kết giám sát. Theo các chuyên gia, tình trạng kém phát triển của loài thực vật này là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy nguồn nước tại Salar hiện nay không đảm bảo. Đến năm 2015, lượng cây Algarrobo chết nhiều hơn, nhưng SQM không báo cáo với chính quyền.
"Nếu công ty SQM khai thác nhiều nước muối hơn sản lượng cho phép, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng bảo tồn lưu vực Salar cho các dự án khác", nhóm luật sư từ Rockwood Lithium Ltd, công ty con của Albemarle, viết trong tài liệu đệ trình vào tháng 3/2017. SQM lập tức phản hồi, khẳng định họ cảm thấy "bị xúc phạm" khi công ty đối thủ tự đảm nhận vai trò "người bảo vệ môi trường" trong khi cũng khai thác quá mức vào năm 2008 và trong khoảng từ năm 2010 đến 2012.
Theo nghiên cứu mới nhất của Corfo, lượng nước quay trở lại các khoang ngầm ở Salar qua mưa và tuyết tan không thể bù đắp lượng nước mất đi do bị khai thác hoặc bốc hơi. Tuy nhiên, Corfo không xác định được công ty nào chịu trách nhiệm cho sự mất cân bằng này. Dù vậy, cơ quan phát triển sản xuất của Chile cũng đề nghị các nhà làm luật siết chặt quy định khai thác. Quá trình sửa đổi luật tại Chile đang được thúc đẩy.
Điều tra cho thấy Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Việt Nam thải nhiều rác nhựa ra biển hơn tất cả các nước còn lại trên thế giới cộng lại.
Dự án hồ tưới tiêu tại Bồ Đào Nha thu hút nhiều nông dân nước ngoài đến hỏi mua nước, giải phóng khỏi mối lo hạn hán và khan hiếm nước bào mòn sức sống trên đất canh tác của họ.
Bất chấp thời tiết giá lạnh, hàng nghìn người vẫn xếp hàng tham dự buổi mít tinh ăn mừng chiến thắng của ông Trump tại Washington hôm 19/1, một ngày trước lễ nhậm chức tổng thống Mỹ.