Cậu bé sinh năm 2020 phải phẫu thuật 3 lần vì tinh hoàn ẩn. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Từ niềm vui có con trai đầu lòng, vợ chồng chị N.T.L. (tỉnh Thái Bình) sống trong bộn bề lo lắng, chạy chữa tứ phương vì con bị tinh hoàn ẩn. Càng thăm khám nhiều, người mẹ lại càng mong M. (3 tuổi) mãi bé bỏng để em không nhận ra sự bất thường ở vùng kín.
Khi M. được 1 tuổi, các bác sĩ quyết định nội soi thăm dò ổ bụng, tìm mọi ngóc ngách xem hai tinh hoàn "lẩn trốn" ở đâu. Kết quả người mẹ này nhận được là những "cái lắc đầu". Bác sĩ nói, ống dẫn tinh, mạch máu nuôi cũng tiêu biến.
“Tôi sụp đổ hoàn toàn, không chấp nhận được sự thật!". Chị L. xin thực hiện tất cả xét nghiệm có thể để tìm một chiếc phao cứu sinh. Kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể, hormone đều khẳng định M. là con trai.
Không cạn hy vọng, vợ chồng chị tiếp tục đưa con đến một bệnh viện khác khi bé 2 tuổi. Các bác sĩ lại phẫu thuật thăm dò hai bên bẹn của bé nhưng không tìm thấy gì, chẩn đoán bị teo tinh hoàn hai bên. Giải pháp cuối cùng là chờ đến khi 4 tuổi, con sẽ được phẫu thuật tạo hình và đặt 2 viên bi giả vào bìu.
“Chồng tôi thành tâm cầu khấn nhiều nơi, anh còn mơ thấy con sẽ có đủ hai bên. Tôi chỉ cầu mong con thanh thản, không phải sống trong mặc cảm, dù con như thế nào tôi cũng chấp nhận”, chị L. tâm sự.
Cha bé trai gọi bác sĩ “cháy máy”
Đầu tháng 3, bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Siêu âm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, tiếp nhận bệnh nhi này sau nhiều lần thăm khám, chạy chữa không thành công. Sự căng thẳng hiện rõ, chị L. nín thở dõi theo thao tác siêu âm của bác sĩ.
Theo bác sĩ Chí, khoảng 80-90% tinh hoàn ẩn nằm ở ống bẹn, khoảng 10% nằm ở ổ bụng. Nhiều trường hợp, tinh hoàn sẽ tự đi xuống bìu sau một thời gian hoặc cần phải can thiệp phẫu thuật sớm. Nếu không, trẻ sẽ lớn lên sẽ sống trong mặc cảm, chức năng sinh tinh bị ảnh hưởng, nguy cơ xoắn tinh hoàn, chấn thương và đặc biệt nguy cơ ung thư hóa (khi tinh hoàn trong ổ bụng) có thể xảy ra.
Vì thế, ông cẩn trọng dò tìm suốt 15 phút và nhận thấy có một cấu trúc cuống dài dính trên cuống lách của cậu bé. Dò ngược lên, ông thấy một cấu trúc dạng tinh hoàn nằm trên cao, khoảng giữa bụng. Ông khẽ nhíu mày và rút điện thoại gọi cho bác sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu, thay vì trả kết quả về phòng khám như thường lệ.
“98% là có tinh toàn trên cuống lách, rất hiếm gặp. Ca này anh Hùng đồng ý cho nhập viện nhé?”, cuộc điện thoại của bác sĩ Chí đã khơi bùng dậy hy vọng cho vợ chồng chị L.
Những ngày sau, chồng chị L. liên tục gọi điện nhắn tin cho bác sĩ Chí và bác sĩ Hùng đến “cháy máy” để hỏi thăm tình trạng của con. “Tôi hỏi bác sĩ rất nhiều và muốn được đến nhà cảm ơn trước nhưng bác nhất định không cho. Tôi lo lắm”, người chồng kể.
Tinh hoàn vùi ở lách, rất hiếm gặp
Ngày phẫu thuật, dù bác sĩ Hùng nói sẽ cố gắng nhiều nhất có thể, chị L. vẫn nghĩ đến tình huống xấu nhất. Những cái lắc đầu sau hai lần phẫu thuật trước đó vẫn còn nguyên cảm giác đau đớn.
Bác sĩ Lê Thanh Hùng kiểm tra cho một bệnh nhi sau phẫu thuật. Ảnh: GL. |
Bên trong phòng mổ, bác sĩ Hùng soi thấy tinh hoàn trái từ cuống lách đúng như kết quả siêu âm của bác sĩ Chí. Thám sát tổng thể ổ bụng, ông tiếp tục tìm thấy một tinh hoàn phải ở hố chậu. Ê-kíp phẫu thuật đưa cả hai tinh hoàn xuống dưới bìu, trả về đúng vị trí của nó.
Kết quả bất ngờ này khiến vị bác sĩ già không giấu được xúc động. Tinh hoàn ẩn ở lách là tình huống rất hiếm gặp và khó xử trí. Đây là ca thứ 2 ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM từ trước đến nay.
"Cha mẹ bé lặn lội xa xôi vào TP.HCM vốn đã không còn chút hy vọng nào, giờ bé tìm thấy đủ hai bên, tôi mừng lắm", ông nói.
“Bác sĩ Hùng gọi chúng tôi vào thông báo thấy cả 2 tinh hoàn của con trai. Vợ chồng chỉ ôm nhau rồi khóc, lần đầu tiên chồng tôi khóc to thành tiếng như vậy. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến, còn chồng cũng chỉ dám mơ thôi.”, chị L. xúc động nói.
Theo bác sĩ Hùng, tinh hoàn ẩn là bất thường sinh dục khá phổ biến ở trẻ trai. Những trường hợp cần phẫu thuật và ở vị trí thấp, bệnh nhi có thể xuất viện trong ngày. Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là trước 9 tháng tuổi. "Nếu chậm trễ, các cháu sẽ lớn lên trong mặc cảm, chức năng sinh dục bị ảnh hưởng và có nguy cơ ung thư hóa”, ông nói.
Ăn uống khoa học không còn là vấn đề xa lạ với mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ thời điểm và loại thức ăn phù hợp để áp dụng. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến độc giả cuốn sách Ăn gì, khi nào - tác giả Michael CrupainMichael RoizenTed Spiker.
Cuốn sách khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.