Huyền Trân, An Tư là hai công chúa nổi tiếng nhất thời nhà Trần. Đến nay, cuộc đời của họ vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ.
Những tư liệu còn lại về công chúa An Tư không nhiều. Đến nay, năm sinh năm mất của công chúa An Tư vẫn còn là câu hỏi lớn. Các bộ sử chính thống không cho biết bà sinh năm nào, chỉ biết là con gái út của vua Trần Thái Tông. Đây là vua đầu tiên của triều Trần.
Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi ngắn gọn: "Vua Trần sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm bớt tai họa cho nước vậy".
Xả thân vì nước
Sau thất bại tan tác trong cuộc chiến tranh xâm lược năm 1258, quân Mông Cổ vẫn chưa từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta một lần nữa. Hoàn thành việc thôn tính Trung Quốc để lập ra nhà Nguyên vào năm 1271, Hốt Tất Liệt ráo riết chuẩn bị cho việc xâm lược nước ta lần thứ hai.
Sau một thời gian chuẩn bị, cuối năm 1284, đầu năm 1285, lấy cớ vua Trần không sang chầu, Hốt Tất Liệt phong con trai (Thoát Hoan) làm Trấn Nam vương, dẫn đại quân tiến vào xâm lược nước ta. Giai đoạn đầu, với sức mạnh vượt trội, quân Nguyên giành thế áp đảo trên chiến trường.
Năm 1943, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết cuốn tiểu thuyết lịch sử An Tư, đề cập cuộc đời của công chúa nhà Trần. |
Ngày 9/3/1285, thủy quân giặc bao vây, 2 vua Trần bị vây, trong khi tướng Trần Bình Trọng dũng cảm hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc. Tướng Trần Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc nhưng không có kết quả.
Trước vận nước nguy nan, An Tư công chúa đã tự nguyện hy sinh thân mình để cản bước tiến của giặc bằng cách kết hôn với Thoát Hoan, tạo điều kiện cho vua tôi nhà Trần có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Cuộc “hôn phối chính trị” của công chúa An Tư đã góp công lớn trong việc thay đổi cục diện chiến tranh. Từ đây, quân Trần có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, từng bước thay đổi cục diện để giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Cuộc đời bí ẩn
Đến nay, phần còn lại của cuộc đời công chúa An Tư vẫn còn là điều hết sức bí ẩn đối với những người nghiên cứu lịch sử. Sau khi kết hôn với Thoát Hoan, công chúa sống thế nào? Bà thọ bao nhiêu tuổi? Cuộc đời bà trong những năm tiếp theo ra sao?
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc - một thuộc hạ của Trần Ích Tắc và Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong - chép rằng: "Trước Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con...". Từ đây, câu hỏi được đặt ra phải chăng người con gái họ Trần này là An Tư?
Sau chiến thắng, các vua Trần làm lễ tế cáo tại lăng miếu, khen thưởng các công thần, truy phong tướng lĩnh, nhưng không hề nhắc đến công chúa An Tư. Như vậy, công chúa còn sống hay đã chết trong đám loạn quân?
Theo Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam, “một ngày tháng 2/1285, Trung Hiếu hầu Trần Dương nhận lệnh đi thương thuyết giảng hòa, rồi sai quan hầu cận là Đào Kiên đưa công chúa An Tư sang dinh tướng của Thoát Hoan. Chẳng bao lâu, dưới sự chỉ huy kháng chiến của Trần Quốc Tuấn, quân Nguyên Mông bị dẹp tan. Trong chiến công này rõ ràng là có sự đóng góp của công chúa An Tư, người đã hy sinh vì nạn nước".
Nhận xét về An Tư công chúa, GS Phạm Đức Dương - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đông Nam Á tại Việt Nam - cho rằng: “Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân từng làm mưa gió khắp Á - Âu. Trong chiến công chung đó, người ta ghi nhận sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của nhiều phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư.
Cuộc đời của công chúa An Tư về sau được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết thành tiểu thuyết. Bàn về cuộc đời bà, PGS.TS Nguyễn Bích Thu viết rằng: “Trong tiểu thuyết, An Tư tượng trưng cho cái đẹp biết dấn thân, mang một ý nghĩa lớn lao có thể lay chuyển hàng binh thế trận...
Nguyễn Huy Tưởng bằng tình cảm và lòng ngưỡng mộ của mình đã ghi nhận và tôn vinh sự hy sinh thầm lặng nhưng quyết liệt của An Tư, một nữ trung hào kiệt trong tiểu thuyết như một chiến công sánh ngang với Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng… và trường hợp của nàng đáng được lưu danh như tên tuổi các bậc tiền nhân nhà Trần”.