Đã có một thời, nhan sắc của bà trở thành chuẩn mực của cái đẹp. Người ta ái mộ bà đến mức luôn muốn thấy bà hiện diện trong đời sống thường nhật. Vì vậy, chuyện người ta nhìn người đẹp này, ngó người đẹp kia để rồi so sánh: “Cằm chẻ, môi mọng hình trái tim như Thẩm Thúy Hằng, cắt tóc kiểu Thẩm Thúy Hằng, mũi đẹp như mũi Thẩm Thúy Hằng, mắt sâu như mắt Thẩm Thúy Hằng,…” hay hơn nữa là “đẹp như Thẩm Thúy Hằng” âu cũng là điều dễ hiểu.
Nhan sắc và tài năng
Với vai diễn đầu tiên – Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương – một bộ phim đen trắng của hãng Mỹ Vân (1958, NSND Năm Châu đạo diễn), Thẩm Thúy Hằng đã nổi lên như một ngôi sao điện ảnh thực thụ và chinh phục hoàn toàn sự hâm mộ của khán giả màn ảnh rộng lúc bấy giờ. Cái tên “Người đẹp Bình Dương” được khán giả ưu ái dành tặng bà và theo bà đi suốt hành trình nghiệp dĩ.
Bà sinh năm 1941, quê gốc ở Hải Phòng, nhưng lớn lên ở Long Xuyên, An Giang với tên khai sinh là Nguyễn Kim Phụng. Thuở nhỏ, cô bé Phụng đã tỏ ra lanh lợi và có gương mặt thanh tú, sáng láng hơn người. Tuổi trăng tròn, tinh hoa phát tiết, Phụng mặt hoa da phấn, mũi dọc dừa, trán thẳng, miệng cười duyên, nức tiếng là hoa khôi trong giới học trò, làm biết bao cậu trai mới lớn ra ngẩn vào ngơ.
Tuổi cắp sách đến trường, cũng như biết bao cô gái thích mơ mộng, Phụng khao khát gắn mình với nghệ thuật. Nên, khi biết tin hãng phim danh tiếng Mỹ Vân tổ chức thi tuyển diễn viên điện ảnh, Phụng đã lén ba mẹ ghi danh và giấu chiếc áo dài vào cặp để đi thi. Chỉ một cái liếc mắt, một điệu đánh tay, một cái nhoẻn miệng của Phụng đã khiến cả hội đồng giám khảo và những người có mặt trong cuộc thi năm ấy trầm trồ xoa xuýt, tán dương nhiệt liệt.
Người ta kháo tai nhau, vẻ đẹp sang trọng không ngoa ngoắt của Phụng bừng sáng cả sàn diễn, điệu bộ của Phụng cuốn hút người xem khiến họ quên cả những gì đang diễn ra xung quanh. Với tài năng ấy, với vẻ đẹp ấy, Phụng đã vượt qua hơn hai ngàn cô gái đương xuân sắc để giành giải nhất cuộc thi năm ấy. Ông bà chủ hãng phim Mỹ Vân đã đặt cho Phụng nghệ danh Thẩm Thúy Hằng và gửi cô gái trẻ đi Hong Kong học lớp đào tạo diễn xuất ngắn ngày để trau dồi thêm khả năng thiên bẩm.
Về nhan sắc, Thẩm Thúy Hằng được đánh giá là người đẹp nhất trong “ngũ đại kỳ nữ” ở mọi góc nhìn. Chính kỳ nữ Kim Cương, một người bạn rất thân với bà và nữ diễn viên Kiều Chinh khẳng định: “Hằng đẹp quá đi! Trong nhóm bạn thân về điện ảnh của tôi có Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng thì Chinh giỏi Anh Văn, tôi giỏi diễn xuất, còn đẹp nhất là Hằng. Hằng đóng cùng tôi nhiều phim như Người chồng bất đắc dĩ, Tứ quái Sài Gòn… Trong khi tụi tôi quay phim phải né để quay góc này hay góc kia cho đẹp, còn Hằng quay góc nào cũng đẹp”. Vẻ đẹp của Thẩm Thúy Hằng khi ấy đã trở thành chuẩn mực của nhan sắc, là niềm tự hào của phụ nữ Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.
Trên đỉnh cao danh vọng
Sau thành công của vai Tam Nương trong Người đẹp Bình Dương (đóng cặp với nam diễn viên Nguyễn Đình Dần), cái tên Thẩm Thúy Hằng nhanh chóng đi vào trí nhớ của người xem và ấn tượng với cụm từ “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng.
Từ một cô bé nhút nhát, Thẩm Thúy Hằng bước lên ngôi vị nữ diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài Gòn vào cuối thập niên 50. Hãng nào cũng muốn tranh nhau, mời cho được bà đóng vai chính. Thậm chí, có hãng phim sẵn sàng trả cho bà cát-xê đến 1 triệu đồng cho 1 vai diễn (tương đương 1 kg vàng 9999 thời bấy giờ).
Trong số gần 60 phim bà đóng vai chính, có thể kể đến một số phim nổi tiếng như Ngưu Lang Chức Nữ, Trà hoa nữ, Tấm Cám, Sự tích trầu cau, Bạch Viên – Tôn Cát, Nửa hồn thương đau, Đôi mắt huyền, Dang dở, Tơ tình, Bóng người đi, Ngậm ngùi, Sóng tình, 10 năm giông tố… Bà đã có cơ hội làm việc bên cạnh các tên tuổi gạo cội của làng điện ảnh và sân khấu lúc bấy giờ: La Thoại Tân, Kim Cương, Trần Quang, Thanh Thúy, Thành Được, Út Bạch Lan, Túy Hoa. Có thể nói giai đoạn thành công rực rỡ nhất của Thẩm Thúy Hằng là khoảng thời gian 1965-1972. Phim nào có bà đóng, doanh thu cũng ngất ngưỡng.
Nhan sắc thiên phú cộng với niềm đam mê lao động nghệ thuật đã đưa Thẩm Thúy Hằng trở thành minh tinh sáng giá nhất trên đỉnh cao danh vọng. Bà được người đương thời liệt vào nhóm “ngũ đại kỳ nữ” cùng với Kim Cương, Kiều Chinh, Thanh Nga, Mộng Tuyền.
Không những vượt trội các nhan sắc trong nước, nhan sắc của bà còn vượt qua những nữ diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ… đoạt giải Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Moskova và Tasken tại Liên Xô năm 1982, dù khi ấy bà đã ngoài 40 tuổi. Trước đó, bà còn hai lần đoạt giải diễn viên xuất sắc Á châu tại LHP Đài Bắc và giải Ảnh hậu Á châu trong LHP Á châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972-1974.
Không những vậy, bà còn thành công trong nhiều lĩnh vực khác như kịch nói (với nhiều vở được khán giả ghi nhớ: Sông dài, Vũ điệu trong bóng mờ, Người mẹ già, Đôi mắt bằng sứ, Suối tình, Dạt sóng…), cải lương, tân nhạc, sản xuất phim. Bất cứ ở đâu bà xuất hiện, trên sân khấu kịch, đại nhạc hội, cải lương hay phim ảnh, dù trong hay ngoài nước, bà đều được khán giả và đồng nghiệp đón nhận nồng nhiệt và trọng vọng.