Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đời tì vết khi 'động' vào cảnh sát giao thông

Trong phút nóng giận, những người thiếu hiểu biết pháp luật đã vướng vào vòng tù tội dù hành vi họ gây ra chỉ khiến người thi hành công vụ (CSGT) bị xước da, hoặc không hề hấn gì.

Dư luận còn nhớ câu chuyện của nữ sinh lớp 12 đứng trước vành móng ngựa hơn 2 năm trước. Trước mặt bị cáo non trẻ này là đại diện của cơ quan tố tụng pháp luật. Tuổi trẻ, tương lai phía trước của nữ bị cáo trẻ tuổi này bị gián đoạn bởi bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Bị đưa ra xét xử lưu động tại nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp (quận 12, TP.HCM), trước con mắt của hàng trăm người, trong đó có người thân, bạn học, người xa lạ vì tò mò đứng xem thiếu nữ run rẩy cúi đầu khóc.

Theo cáo buộc, nữ sinh Phạm Thị Mỹ Linh (bị cáo, 18 tuổi, lớp 12, ngụ quận 12 TP.HCM) đã phạm tội Chống người thi hành công vụ. Theo đó, khoảng 6h30 ngày 2/7/2011, được sự phân công của cấp trên, hai CSGT là Nguyễn Đức Ánh và Vũ Quang Long tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn trên địa bàn.

Phát hiện bà Trương Thị Hạnh (37 tuổi) đang điều khiển xe máy chạy ngược chiều, phía sau chở Linh và em trai là Phạm Quang Minh (16 tuổi), cảnh sát Ánh ra hiệu lệnh dừng xe và bà Hạnh đã chấp hành.

Khi cán bộ Ánh yêu cầu bà Hạnh xuất trình giấy tờ để kiểm tra thì người phụ nữ này chỉ xuất trình được giấy đăng ký xe, các giấy tờ còn lại không có nên bị cảnh sát lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Lúc này, bà Hạnh giật cuốn biên bản và giấy đăng ký xe đồng thời giằng lấy xe định đẩy đi liền bị hai CSGT giữ lại. Chứng kiến vụ việc này, Linh đã dùng tay xô cán bộ Ánh ra giữa đường.

Quay lại thấy anh Long đang nắm giữ ba ga sau xe của mẹ mình, Linh liền dùng tay xô ra, liên tiếp tát người làm nhiệm vụ rồi la hét và ngất xỉu. Sau đó, nữ sinh này bị truy tố, xét xử về hành vi: Chống người thi hành công vụ.

Thiếu nữ 18 tuổi ra trước vành móng ngựa vì tát cảnh sát giao thông.
Thiếu nữ 18 tuổi ra trước vành móng ngựa vì tát cảnh sát giao thông.

Trước tòa, bị cáo này thừa nhận toàn bộ hành vi đã gây ra và khóc. Bản án sơ thẩm 9 tháng tù giam mà TAND quận 12 tuyên phạt đã khiến cô gái quỵ ngã. Bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM sau đó rút cho cô gái được 3 tháng tù giam.

Án phạt nghiêm khắc như dấu chấm đen đầu tiên vào cuộc đời không tì vết của thiếu nữ 18 tuổi. Khi ra tù, không biết cô gái này sẽ làm thế nào để thoát khỏi hình ảnh quan tòa, phòng xử và hàng trăm con mắt tò mò đổ về phía mình, và việc học của cô có được tiếp tục, cô có vượt qua được nỗi ám ảnh sau những tháng ngày ở tù vì lỗi lầm của mình?!

Gia cảnh của Phạm Thị Mỹ Linh khá bi đát. Do nghèo, mẹ con Linh không có chỗ ở và phải đi ở nhờ nhà người thân. Mẹ Linh mắt mờ, sức khỏe yếu và không có việc làm. Ngoài giờ học cô gái xin làm lễ tân cho một công ty với tiền lương một triệu đồng/tháng còn em trai đã nghỉ học đi làm công nhân để lấy tiền phụ giúp gia đình.

Mới đây, ngày 28/10, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với bị cáo Hồ Phương Tri (27 tuổi, trú huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) 9 tháng tù về tội Chống người thi hành công vụ.

Theo cáo buộc, chiều tối 28/5, đội CSGT trật tự  - cơ động công an huyện Tân Biên do anh Nguyễn Văn Dững, cán bộ công an huyện Tân Biên làm tổ trưởng và anh Nguyễn Quang Vũ, công an viên xã Thạnh Bình tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến đường 795.

Nhóm công an này đã phát hiện Hồ Phương Tri đi xe máy chở một két nước ngọt để trước bình xăng chạy ngược chiều với vận tốc nhanh, có dấu hiệu say rượu nên đã ra hiệu dừng xe nhưng Tri không chấp hành, bỏ chạy.

Anh Dũng quay đầu xe đuổi theo một đoạn thì đuổi kịp nhưng Tri tiếp tục tăng tốc, đồng thời chạy lạng lách và ném chai nước ngọt thủy tinh (còn nguyên nước) vào xe CSGT đang truy đuổi để ngăn cản. Tổng cộng, Tri ném 19 chai nước ngọt về phía lực lượng làm nhiệm vụ để ngăn cản, làm trầy xước da 3 người trong đội tuần tra.

Vì hành vi này, Tri đã bị điều tra, truy tố, xét xử về tội Chống người thi hành công vụ và nhận bản án đầu đời là 9 tháng tù. Có mặt tại phiên tòa, người thân bị cáo khóc ròng vì sự trả giá quá đắt cho hành vi thiếu kiểm soát, thiếu suy nghĩ, không am hiểu pháp luật mà Tri đã gây ra.

Hồ Phương Tri bị xử 9 tháng tù vì trước đó bị cáo này đã ném chai nước ngọt về phía CSGT.
Hồ Phương Tri bị xử 9 tháng tù vì trước đó bị cáo này đã ném chai nước ngọt về phía CSGT.

Điều đầu tiên phải khẳng định là những bản án mà cơ quan tố tụng đã tuyên cho các hành vi mà bị cáo đã mắc phải là hoàn toàn đúng pháp luật, nằm trong định khung mà điều luật đã quy định. 

Điều 257 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.

Theo các luật sư khi được hỏi thì về mặt khách quan hành vi của người phạm tội phải thỏa mãn 1 trong 3 hành vi khách quan sau: Hành vi dùng vũ lực (dùng sức mạnh vật chất tấn công, hành hung) cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật; Hành vi đe dọa dùng vũ lực (đó là hành vi uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ làm cho họ sợ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật; Hành vi dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống..) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Cũng theo luật sư thì về mặt chủ quan lỗi của người phạm tội phải là lỗi cố ý ( người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là chống hoặc cản trở việc thực hiện công vụ của người khác nhưng vẫn thực hiện).

Một luật sư (xin được giấu tên) cho biết thực tế trong thời gian gần đây hiện tượng chống người thi hành công vụ xảy ra liên tiếp (trong đó có nhiều vụ người điều khiển phương tiện giao thông chống lại cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ) như : lăng mạ, chửi bới, đe dọa, xô đẩy, và thậm chí là hành hung. Luật pháp đã quy định rất rõ để xử lý các hành vi này, các bản án đã xử là nghiêm khắc. 

Tuy nhiên câu chuyện ở đây là: Bản án pháp luật là sự răn đe nghiêm khắc nhất để xử lý, điều chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật. Việc giáo dục một con người, một hành vi vi phạm không phải lúc nào cũng cứng nhắc mà sự dừng lại cuối cùng là một bản án mà còn có thể xử phạt vi phạm hành chính. Bằng biên bản xử phạt vi phạm hành chính kết hợp với sự giáo dục từ đoàn thể, tổ chức, địa phương cũng có thể giúp người vi phạm nhận ra cái sai và sửa chữa.

"Đưa ra truy tố, xét xử thì không sai, không oan nhưng làm như thế mà xét ở khía cạnh con người thì là nặng tay và vô hình chung ở góc độ nào đó đã làm mất cơ hội của một con người. Trong phút nóng giận, thiếu kiềm chế một người có thể bị truy tố, xét xử chỉ vì một cái túm áo, xô đẩy người thi hành công vụ. Điều này nếu không suy xét kỹ cũng có thể bị lợi dụng", một luật sư nói.

http://giadinh.net.vn/phap-luat/cuoc-doi-ti-vet-khi-dong-vao-canh-sat-giao-thong-20141102095840417.htm

Theo Hà Châu/Gia đình Xã hội

Bạn có thể quan tâm