Trung tuần tháng 7, đường từ thành phố Hà Giang lên khu vực biên giới Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) xuất hiện nhiều đoàn xe chở các cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa. Nơi đây từng là chiến trường khốc liệt, nổi danh với những “đồi thịt băm”, “lò vôi thế kỷ” hay “thung lũng gọi hồn”.
Đây cũng là nơi hơn 4.000 liệt sĩ đã hy sinh khi chiến đấu giành lại từng tấc đất biên cương với quân đội Trung Quốc (năm 1984-1989). Trong đó, có hơn 2.000 liệt sĩ, hài cốt vẫn nằm lại trên chiến trường xưa.
Chỉ riêng ngày 12/7/1984, hơn 1.000 chiến sĩ thuộc các Sư đoàn 312, 316, 356… đã hy sinh, trong đó, hơn 600 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 356. Vì vậy, ngày 12/7 hàng năm được các cựu binh Sư đoàn 356 xem là ngày Giỗ trận. Các cựu binh thuộc các đơn vị khác cũng chọn ngày này để hội quân.
Những người lính già hành quân
Những đoàn xe lớn, nhỏ xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang… trước ngày Giỗ trận từ 2-3 ngày. Nhiều cựu chiến binh sinh sống ở xa như TP.HCM cũng vội vã về để kịp chuyến hành quân cùng đồng đội.
Trở về nơi mình và đồng đội từng hy sinh xương máu tuổi thanh xuân, những người lính già mái tóc hoa râm, gương mặt sạm đen vì sương nắng dường như trẻ lại. Trên các chuyến xe, dọc đường lên biên giới, họ cùng nhau hát lại những bản hùng ca đã hát suốt một thời tuổi trẻ.
Gặp lại đồng đội sau 3 thập kỷ, những người lính già vẫn gọi bạn, xưng tôi, họ đùa nghịch, tâm sự, tranh luận nảy lửa về một ký ức rồi lại ôm lấy nhau, cười xòa như những chàng trai mười tám, đôi mươi năm nào.
Những người lính mừng rỡ ôm chầm lấy nhau ngày gặp lại. Ảnh: Hoàng Như. |
Họ kể cho nhau nghe về cuộc đời mình thời hậu chiến, về tình yêu, gia đình hay công việc. Bên cạnh những cựu binh thành công trong sự nghiệp, có cuộc sống khá giả, rất nhiều cựu binh phải chật vật mưu sinh khi tuổi xế chiều.
Khi trở về đời thường, dù thành đạt hay khó khăn, hạnh phúc hay đau khổ, không cựu binh nào có thể quên ký ức về một thời máu lửa.
Ông Trần Ngọc Lợi (đại úy, nguyên trợ lý tác chiến pháo binh Sư đoàn 356) chia sẻ ông từ TP.HCM bay ra Hà Nội để kịp hành quân cùng đồng đội lên Hà Giang. Cuộc hành quân hàng năm như vậy là cơ hội để những đồng đội còn sống gặp gỡ, ôm và hát cùng nhau, sống lại những năm tháng không thể quên.
Theo ông Lợi, trong chiến tranh, sự sống chết không thể nào ngờ tới. Người đàn ông chia sẻ vừa nhận được tấm ảnh cũ của ông và người đồng đội do một phóng viên chụp trước khi ông lên đường làm nhiệm vụ trinh sát, còn người kia ở lại giữ trận địa.
Ông Lợi tâm sự những tưởng người đồng đội ở lại sẽ bình an, không ngờ, ông sống sót trở về còn người lính ấy lại hy sinh.
Người cựu binh nhớ lại một ký ức buồn vào tháng 3 năm 1987 về người đồng đội Lê Xuân Thắng đã thay ông làm nhiệm vụ ở đài quan sát 812 khi ông Lợi được cử đi học ở Học viện Quân sự Đà Lạt.
Ông Lợi cho biết đài quan sát 812 được thiết kế rất vững chắc, pháo thường xuyên bắn trên đầu nhưng đài không bị ảnh hưởng gì. Trên đài, có 8 chiến sĩ túc trực 24/24, quan sát toàn bộ mặt trận Vị Xuyên qua một lỗ châu mai.
Ngày 5/3/1987, tròn 10 ngày sau khi ông Lợi bàn giao công việc cho người đồng đội, một quả đạn pháo bắn đúng vào lỗ châu mai khiến cả 8 chiến sĩ trên đài quan sát hy sinh. Liệt sĩ Thắng hy sinh vào đúng ngày sinh nhật thứ 30 của ông Lợi.
“Tôi luôn day dứt một điều rằng nếu ngày đó, tôi không được cử đi học, anh Thắng không thay tôi làm nhiệm vụ thì một trong 8 liệt sĩ sẽ là tôi…”, người cựu binh xúc động nói.
Cựu binh Nguyễn Minh Phong thắp hương cho người anh vợ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Hoàng Như. |
Nước mắt đồng đội
Trước ngày Giỗ trận, trời Hà Giang mưa nhiều. Cơn mưa lớn từ sáng sớm 11/7 kéo dài khiến các cựu binh lòng như lửa đốt khi hành trình lên đài hương 468 có thể phải hoãn đến chiều hay bị hủy vì đường đi nguy hiểm.
Suốt buổi sáng, các cựu binh chỉnh tề quân phục, đứng ngồi ngổn ngang trong sảnh khách sạn, nơi họ nghỉ đêm trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Hà Giang), đợi mưa ngớt là lên đường ngay.
Cựu binh Nguyễn Minh Phong (E150, F356), đứng bần thần nhìn trời mưa lớn rồi tặc lưỡi nói với các đồng đội: “Mưa mãi như thế này, đường lên đài hương 468 không biết có đi được không. Đã đến tận đây rồi, không thể không lên thắp cho anh em nén hương được…”.
Đợi đến trưa mà mưa vẫn còn rả rích, các cựu binh bàn với nhau, đến chiều, dù trời không tạnh vẫn quyết lên đài hương. Đầu giờ chiều, mưa tạnh, trời hửng nắng, đoàn xe nối đuôi đưa các cựu chiến binh lên đài hương 468, thăm lại chiến trường xưa.
Đoàn xe dừng trước cổng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, bởi con đường qua suối bị nước dâng phủ kín. Mọi người phải vượt suối bằng chiếc cầu treo cũ, nhiều thanh gỗ trên nền cầu đã mục, được vá bằng các tấm ván gỗ lớn.
Từ cây cầu treo đến đài hương trên điểm cao 468 là quãng đường dốc chạy quanh núi hơn 3 km khá trơn trượt vì mưa và đầy bùn đất do sạt lở. Đa số cựu binh chọn cách thuê xe ôm lên đài hương vì sức khỏe yếu, một số chọn cách đi bộ để trải nghiệm quãng đường họ từng hành quân hơn 30 năm về trước.
Đường lên đài hương 468 lầy lội bùn đất vì mưa lớn gây sạt lở. Ảnh: Hoàng Như. |
Lên đến đài hương, trong không khí nghiêm trang, đặc mùi khói hương, những người cựu binh vui vẻ bỗng trở nên trầm lặng. Trong phút mặc niệm hay khi cùng hát bài Về đây đồng đội ơi (nhạc sĩ Trương Quý Hải), họ không kìm được nước mắt.
Đứng trên điểm cao 468 thắp hương cho đồng đội, những cựu binh nhìn về các cao điểm 772, 685… (nơi trận chiến diễn ra ác liệt nhất), họ như đắm chìm trong những ký ức bi thương và hào hùng.
Ông Nguyễn Kim Đồng (E149, F356) đưa tay chỉ về cao điểm nơi ông từng chiến đấu, bày tỏ gần 34 năm đã qua, nhưng ông không bao giờ quên được những ký ức chiến tranh.
“Đồng đội tôi hy sinh ở nơi này nhiều lắm, có khi đi mấy chục người, khi về chẳng còn ai… Họ đều hy sinh khi còn trẻ lắm, mới 18, 20 tuổi thôi. Hình ảnh thi thể đồng đội nằm ngổn ngang giữa chiến trường còn theo tôi đến giờ”, người đàn ông có gương mặt gầy guộc, hiền lành tâm sự.
Cựu binh Trần Xuân Hòa (E153, F356) giãi bày hơn 30 năm nay, ông luôn chất chứa trong lòng những câu chuyện bên lề cuộc chiến.
Trong đó, câu chuyện khiến ông day dứt nhất là trường hợp người mẹ lên tận chiến trường tìm mộ con. Trước khi đi, người bố liệt sĩ dặn bà rằng dù có thế nào cũng phải đem được một nắm đất ở mộ con về.
Vì tình thế bắt buộc, để yên lòng hậu phương, đơn vị ông Hòa cho đắp ngôi mộ giả, dự định tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ấy sau. Người mẹ mang nắm đất ở ngôi mộ giả ấy về nhưng không hề biết hài cốt con mình còn thất lạc. Đơn vị của ông Hòa đã không thể tìm được hài cốt liệt sĩ đó như mong muốn.
Người cựu binh nói mong ước của ông là chính quyền cho rà phá bom, mìn trên các điểm cao, chiến trường xưa để tìm lại hài cốt của hơn 2.000 liệt sĩ đã hi sinh, còn nằm lại hứng chịu sương gió vùng cao.
Hiện, hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, hàng trăm mộ liệt sĩ vô danh ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Ảnh: Hoàng Như. |