Theo kế hoạch định sẵn, sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), hơn 100 voi chiến của quân Tây Sơn xông thẳng vào đồn Ngọc Hồi. Lần đầu tiên, Quang Trung - Nguyễn Huệ buộc đại bác lên lưng voi, biến thành "những cỗ xe tăng sống". Ngoài đại bác, đội tượng binh của Tây Sơn còn được trang bị thêm hỏa hổ, súng tay, giáo mác, cung nỏ…
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 ghi dấu ấn đậm nét của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với cuộc hành quân độc đáo do ông chỉ huy mà đến nay nhiều sử gia vẫn chưa thể giải thích thuyết phục.
Hình ảnh công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung được tái hiện bởi các nghệ sĩ nhân kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Lê Hiếu. |
Cuộc hành quân có một không hai trong lịch sử
Có ý kiến cho rằng thực tế, vua Quang Trung đã giấu quân tinh nhuệ ở Ninh Bình, sau đó thực hiện cuộc hành quân nghi binh từ Phú Xuân ra Bắc. Theo một giả thuyết khác, quân Tây Sơn di chuyển bằng thuyền chứ không phải đường bộ.
Sách "Lê triều dã sử" và nhiều nhà sử học khác nhận định sở dĩ quân Tây Sơn hành quân nhanh chóng vì Nguyễn Huệ đã bố trí 3 người một tốp, 2 người cáng, một người nghỉ rồi cứ thế thay phiên nhau đi suốt đêm.
Theo đó, quân Tây Sơn đan cáng bằng tre, nứa. Khi đến những khúc sông, họ lấy cáng ra làm thuyền thúng. Đây cũng chính là giả thiết được nhiều nhà sử học dùng để giải thích về cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung.
Tuy nhiên, đến nay, tất cả giả thiết kể trên đều chưa thể thuyết phục hoàn toàn, kể cả giả thiết dùng võng khiêng. Bởi, kể từ khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ngày 22/12/1788 (Âm lịch là 25/11) đến khi tiêu diệt toàn bộ quân Thanh , nghĩa quân Tây Sơn hành quân và đánh giặc chỉ trong 40 ngày.
Theo tính toán của một số nhà nghiên cứu của Viện Sử học, khoảng thời gian đó, trung bình mỗi ngày, 100.000 quân Tây Sơn cùng 300 thớt voi phải đi được khoảng 48 km. Họ phải di chuyển liên tục không có ngày nghỉ.
Thời điểm đó, Huế ra Thăng Long chỉ có hai tuyến đường chính gồm Lai Kinh (gần trùng với quốc lộ 1A hiện nay) và Thượng Đạo, men theo đồi núi trung du phía Tây.
Tuyến Lai Kinh ngắn hơn, nhưng là đường đất và nhiều sông hồ, đầm lầy, hàng chục nghìn quân, voi khó đi với tốc độ 40-45km/ngày. Các nhà sử học nhận định đại quân, voi và phương tiện chiến tranh không thể vận hành theo tuyến Lai Kinh.
Nhiều sử gia đồng ý với quan điểm nghĩa quân Tây Sơn hành quân theo đường Thượng Đạo. Tuyến đường này dài hơn một chút so với Lai Kinh, nhưng địa hình đồi núi trung du, chỉ qua sông đầu nguồn và những con suối cạn. Tuyến này cũng chỉ có vài ba con sông lớn như sông Lam, sông Mã...
Với tuyến Thượng Đạo, vấn đề qua sông suối dễ dàng, voi đã có thức ăn như chuối rừng và cỏ. Điều quan trọng là quân địch không thể phát hiện sự động binh của vua Quang Trung ra Bắc.
Giả thiết như vậy, nhưng làm sao thực hiện được cuộc hành quân không tưởng như thế, khi mọi chỉ số đưa ra đều vượt quan giới hạn sinh học của con người vào thời điểm đó? Đó rõ ràng là bí mật sẽ còn rất lâu nữa mới có lời giải.
Tuy nhiên, PGS.TS Hà Mạnh Khoa - Viện Sử học - nhận xét đây là cuộc hành quân thần tốc nhất, một trong những kỳ tích về hành quân và tổ chức đánh giặc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng vĩ đại đó không tách rời sự lãnh đạo và tổ chức tài ba của vua Quang Trung.
"Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn"
Để đối phó đội quân voi, Đề đốc Hứa Thế Thanh cho đội kỵ binh hùng mạnh nhất ra nghênh chiến. Vừa nhìn thấy đội tượng binh, ngựa chiến quân Thanh hí lên những tiếng kinh hoàng rồi quay đầu bỏ chạy, dẫm đạp lên chính quân lính của Tôn Sĩ Nghị.
Đội quân mã thất trận, quân Thanh tiếp tục chui vào đồn trú, dốc toàn lực nã đại bác vào quân Tây Sơn. Đợt tấn công thứ nhất kết thúc với lợi thế thuộc về đội quân xâm lược phương Bắc. Tuy nhiên, liền sau đó, Nguyễn Huệ tổ chức đợt tấn công thứ hai. Lần này, voi chiến chỉ đóng vai trò mở đường.
Tranh vẽ Quang Trung đại phá quân Thanh. |
Theo sách "Hoàng Lê nhất thống chí", cứ mối tốp 30 người, 10 người giắt đoản đao bên hông, cùng nhau khiêng một tấm bảng lớn, phía trước có tẩm rơm trộn bùn để chặn tên của địch. 20 người núp sau tấm ván che cùng nhất tề tiến lên. Theo các tài liệu lịch sử, số quân cảm tử này khoảng 600 người, chia thành 20 tốp.
Ở bên kia chiến tuyến, quân Thanh liên tục bắn đại bác, phun hỏa mù. Khung cảnh lúc bấy giờ, theo mô tả của "Hoàng Lê nhất thống chí" là “khói lửa mù trời, gần nhau trong tấc gang mà chẳng thấy gì cả”.
Tiến ngay sau đội voi chiến và quân cảm tử, đại binh Tây Sơn tiến vào như thác lũ. Những tấm bia lớn bằng rơm được dùng để đỡ đạn, kẻ trước người sau liều chết xông lên. Đại binh đánh thẳng vào dinh trại của kẻ địch.
Số quân Thanh sống sót trong trận Ngọc Hồi cố chạy về Thăng Long, nhưng đến Thường Tín (Hà Nội), chúng bị quân Tây Sơn lao ra đánh, tổn thất rất nặng.Dù nhà Nguyễn căm thù quân Tây Sơn, sau này, sử gia của họ vẫn phải thừa nhận “đồn Ngọc Hồi tan tành, quân địch chết chồng chất lên nhau”. Cả đề đốc Hứa Thế Hanh cùng Tổng binh Thượng Duy Thăng của địch tử vong tại trận.
Sau Thường Tín đến Thanh Trì, quân giặc tiếp tục bị đội quân của Đô đốc Bảo đánh cho tan tàn. Toàn bộ quân chạy đến Đầm Mực thì bị giết hoặc bắt sống.
Chỉ trong vòng một buổi sáng mùng 5 Tết, quân Tây Sơn đã đánh tan đồn Ngọc Hồi, nhanh chóng tiến vào Thăng Long, sào huyệt cuối cùng của Tôn Sĩ Nghị.
Để thoát thân, Tôn Sĩ Nghị còn chặt đứt cầu phao, mặc cho quân lính của mình chết đuối. Theo ghi chép của các giáo sĩ phương Tây, chỉ còn vài trăm quân Thanh trong số hơn 200.000 quân xâm lược chạy thoát về nước.
Mô tả về hình ảnh quân Thanh và ông vua bán nước Lê Chiêu Thống bấy giờ, Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toát viết rằng: "Vua Lê khi ấy vội vàng / Cùng Tôn Sĩ Nghị sang đàng Bắc Kinh / Qua sông lại sợ truy binh / Cầu phao chặt đứt quân mình thác oan".
Cuối năm 1788, theo khẩn cầu của Lê Chiêu Thống, chớp lấy cơ hội, Hoàng đế Càn Long của nhà Thanh phái Tổng đốc Lưỡng Quảng là Ngô Sĩ Nghị mang 290.000 quân sang xâm lược nước ta. Dẫn đường cho chúng là bè lũ bán nước của Lê Chiêu Thống.
Tiến vào nước ta, đội quân xâm lược đông đảo tự đắc, ăn chơi phè phỡn, khinh nhường người Việt, cuối cùng bị vua Quang Trung đánh cho tan tác.