Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc họp 'chưa từng có' của ngành y tế TP.HCM

Gần 200 điểm cầu trực tuyến kết nối cuộc họp lịch sử, hé lộ bức tranh ngành y tế TP.HCM đang chuyển mình mạnh mẽ sau sáp nhập, hướng tới đột phá mới.

TP.HCM trở thành siêu đô thị y tế sau sáp nhập. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chiều 9/7, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, với gần 200 điểm cầu trực tuyến, quy mô họp được đánh giá là “chưa từng có” từ trước đến nay. Cuộc họp đánh dấu hội nghị toàn ngành y tế lần đầu tiên kể từ sau đợt sáp nhập ngày 1/7, trong bối cảnh hệ thống y tế thành phố đang trải qua quá trình tái cấu trúc sâu rộng.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, số lượng điểm cầu tham gia họp trực tuyến rất lớn cho thấy mối liên kết của siêu đô thị TP.HCM đang ngày càng được chặt chẽ, song song với số lượng không nhỏ các cơ sở y tế hiện hữu.

Khối lượng công việc khổng lồ, quy mô hệ thống y tế tăng sau sáp nhập

Tại hội nghị, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh ngành y tế TP.HCM luôn giữ vị trí đặc biệt, là lĩnh vực có tính chất đặc thù với áp lực cao và cường độ làm việc lớn, song đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó bí thư Thành ủy trân trọng ghi nhận, biểu dương và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể cán bộ, nhân viên ngành y tế TP.HCM. "Tôi mong các đồng chí tiếp tục đoàn kết, phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới, sáng tạo, để xây dựng ngành y tế thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực, xứng tầm châu Á, phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân", ông Lộc nói.

PGS Tăng Chí Thượng chia sẻ áp lực của ngành y tế thời gian qua rất lớn, nhất là giai đoạn chống dịch, từ công tác điều tra, xét nghiệm, đến việc ổn định lại hệ thống y tế. Bên cạnh đó, ngành phải tiếp nhận thêm nhiệm vụ hợp nhất ba cơ sở y tế của ba tỉnh, tổ chức lại bộ máy quản lý, vận hành trên địa bàn rộng gần gấp ba lần trước đây.

"Ngành y tế cũng rất trân trọng những ý kiến chỉ đạo, góp ý của lãnh đạo thành phố. Đây chính là kim chỉ nam để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức", bác sĩ Thượng nói.

Trong số các thách thức lớn, bác sĩ Thượng nêu bật bài toán nhân lực y tế. Ông cho biết chỉ tiêu 42 bác sĩ trên 10.000 dân là chỉ tiêu riêng mà TP.HCM đặt ra từ năm 2021, cao hơn hẳn so với mức 15 bác sĩ/10.000 dân của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chỉ tiêu về giường bệnh hiện chưa đạt được vì dân số tăng nhanh, kéo theo nhu cầu khám chữa bệnh bùng nổ.

y te TPHCM moi anh 1

Bài toán nhân lực y tế là thách thức lớn của TP.HCM sau sáp nhập. Ảnh: Quỳnh Danh.

Về mô hình hoạt động sau sáp nhập, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, thông tin hệ thống y tế TP.HCM mới có quy mô và cơ cấu đồng bộ, hiện đại hơn. Sở Y tế có ba trụ sở đặt tại Bến Thành (trước thuộc quận 1, TP.HCM), phường Bình Dương (trước là TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và phường Bà Rịa (trước là TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), với tổng cộng 251 cán bộ, công chức, người lao động.

Sau sáp nhập, TP.HCM hiện có 164 bệnh viện, gồm 14 bệnh viện thuộc bộ, ngành; 32 bệnh viện đa khoa công lập; 28 bệnh viện chuyên khoa công lập và 90 bệnh viện ngoài công lập. Tổng số giường bệnh đạt gần 49.800 giường. Tuy nhiên, tính trên 10.000 dân, số giường bệnh chỉ đạt khoảng 35,1 giường, giảm đáng kể so với mức 42 giường trước khi mở rộng địa giới hành chính, do dân số tăng vọt từ gần 10 triệu lên khoảng 13,7 triệu người.

y te TPHCM moi anh 4

Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh tại TP.HCM sau sáp nhập. Đồ họa: Phan Nhật.

Bên cạnh đó, TP.HCM hiện có 38 trung tâm y tế (trong đó, 17 trung tâm có giường bệnh), 168 trạm y tế và gần 300 điểm y tế khác. Đáng chú ý, mạng lưới y tế tư nhân tiếp tục phát triển mạnh, với 90 bệnh viện và hơn 10.600 phòng khám, cùng hơn 15.600 cơ sở kinh doanh dược phẩm.

"Dù hệ thống y tế được mở rộng, áp lực cũng không nhỏ. Cứ mỗi triệu dân tăng thêm, ngành y tế phải bổ sung khoảng 3.500 giường bệnh để đạt chuẩn", bác sĩ Nam cho biết.

Côn Đảo sẽ là ưu tiên

Bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết thêm ngành y tế sẽ đặc biệt quan tâm hỗ trợ đặc khu Côn Đảo. Ông chia sẻ các bác sĩ của thành phố luôn sẵn sàng luân phiên ra công tác ngoài đảo. Giám đốc Sở Y tế khẳng định sẽ xây dựng các chính sách phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y tế yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

PGS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh yếu tố then chốt để vượt qua giai đoạn khó khăn chính là tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành. Ông khẳng định Ban giám đốc Sở Y tế gồm 9 thành viên đã có sự thống nhất rất cao về quan điểm, hướng đi và cam kết tiếp tục đồng hành, lãnh đạo tốt công tác y tế trong thời gian tới.

"Tôi cam kết nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Tinh thần đoàn kết, sự thống nhất là yếu tố quyết định mọi thành công", bác sĩ Thượng nói.

y te TPHCM moi anh 5

Hiện trạng Trung tâm y tế của đặc khu Côn Đảo. Ảnh: Medinet.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho hay trong 6 tháng cuối năm 2025, ngành y tế TP.HCM sẽ tiếp tục “đại chỉnh lý” hệ thống y tế sau hợp nhất. Trọng tâm là hoàn thiện tổ chức bộ máy, sắp xếp lại các trung tâm y tế, trạm y tế, đồng thời nâng cao năng lực y tế cơ sở để trở thành cửa ngõ chăm sóc sức khỏe người dân.

"Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP.HCM đổi tên các bệnh viện phù hợp với đơn vị hành chính mới, sáp nhập các trung tâm chuyên ngành như CDC, Trung tâm Giám định Y khoa và Pháp y, cũng như triển khai các đề án quan trọng như sáp nhập Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định, xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Từ Dũ tại huyện Cần Giờ (cũ)", bác sĩ Dũng nói.

Song song đó, TP.HCM sẽ mở rộng chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi và học sinh, đồng thời chuyển đổi số toàn diện dữ liệu khám sức khỏe định kỳ để tạo lập hồ sơ sức khỏe cho người dân. Ngành y tế cũng tập trung vào công tác phòng chống dịch, đặc biệt các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh mới nổi.

Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y

Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.

Hà Tĩnh ghi nhận ca sốt rét ngoại lai có nguy cơ phát sinh ca thứ cấp

Sau khi ghi nhận ca sốt rét ngoại lai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) đã làm việc với chính quyền địa phương, tổ chức điều tra, giám sát, xử lý môi trường khu vực bệnh nhân sinh sống.

Ngừng tim sau bữa ăn lòng lợn, bác sĩ chạy đua từng phút cứu

Sau khi ăn lòng lợn, tiết canh tại quán quen gần nhà, người đàn ông ở Hà Nội diễn biến nguy kịch nhanh, chuyển cấp cứu trong tình trạng ngừng tim.

Bé trai 9 tuổi dập phổi trong vụ tai nạn cao tốc Vĩnh Hảo

Bé trai 9 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận lên TP.HCM cấp cứu sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm