Tình trạng thiếu nam giới đang đẩy Hoàng gia Nhật Bản vào cuộc khủng hoảng hiện hữu rõ ràng: thiếu người kế vị, theo The Guardian.
Một hội đồng chuyên gia đã được chính phủ lập ra nhằm giải quyết vấn đề này. Hội đồng này tổ chức "các cuộc thảo luận cẩn thận", đưa ra lựa chọn để đảm bảo tương lai ổn định cho hoàng gia, xét cả việc cho phép các nữ thành viên được ở lại hoàng tộc trong trường hợp họ kết hôn với người không cùng dòng dõi.
Chính phủ và hoàng gia Nhật Bản đứng trước bài toán: có nên bỏ quy định cấm truyền ngôi cho nữ giới. Ảnh: Reuters. |
Nhật hoàng Naruhito, người lên ngôi cách đây 2 năm, chỉ có người con gái duy nhất là công chúa Aiko 19 tuổi.
Nếu nàng công chúa này kết hôn với thường dân, Aiko sẽ phải rời khỏi hoàng gia. Aiko không thể lên ngôi nếu quy định hiện tại không thay đổi.
Theo Luật Hoàng gia năm 1947, quyền thừa kế ngôi vị chỉ dành cho nam giới, theo họ cha và những người phụ nữ hoàng tộc buộc phải từ bỏ tước vị khi kết hôn với thường dân.
Lựa chọn hiện tại chỉ có Thân vương Fumihito (55 tuổi), em trai của Nhật hoàng Naruhito và Hoàng tử Hishahito (14 tuổi), con trai của Thân vương Fumihito.
Tranh cãi xung quanh đám cưới với thường dân của Công chúa Mako, con gái lớn của Thân vương Fumihito, càng làm cho chủ đề có nên để phụ nữ nối ngôi nổi cộm ở xứ hoa anh đào.
Theo Mainichi News, các cuộc chia rẽ đã xuất hiện bên trong hội đồng thảo luận. Tờ này đưa ra cảnh báo nếu các công chúa tiếp tục bỏ tước vị, rất có thể Hoàng tử Hishahito sẽ là thành viên duy nhất của thế hệ này.
Trong khi những người theo chủ nghĩa truyền thống tiếp tục chống lại sự thay đổi, tôn sùng việc đàn ông nắm quyền thì những người theo chủ nghĩa cải cách đang nỗ lực xoay chuyển tình hình.
Công chúa Aiko (19 tuổi) là con gái duy nhất của Nhật hoàng Naruhito. Ảnh: Japan Times. |
Trong một cuộc thăm dò gần đây, 87% số người được hỏi ủng hộ cảm thấy thoải mái với chuyện có một nữ hoàng trị vì Nhật Bản.
Nhìn vào lịch sử, Nhật Bản có 8 người phụ nữ từng lên ngôi cao nhất hoàng gia từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 18, song không ai trong số này có được vị trí này nhờ "cha truyền con nối".
Năm 2006, Hoàng tử Hishahito chào đời, đánh dấu thành viên nam đầu tiên sinh ra trong gia đình hoàng gia trong suốt 40 năm.
Sự ra đời của hoàng tử là tín hiệu đáng mừng với Hoàng gia Nhật Bản về người nối dõi. Nhưng nếu trong tương lai, nếu vị hoàng tử này không sinh con trai, cuộc khủng hoảng tìm kiếm người kế vị chắc chắn lại xuất hiện.
Christopher Harding, một giảng viên về lịch sử châu Á tại Đại học Edinburgh, bày tỏ sự lạc quan rằng Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako sẽ có suy nghĩ cởi mở và phản đối lại những người theo tư tưởng bảo thủ.
“Bạn có một nhật hoàng và hoàng hậu đều được hưởng nền giáo dục phương Tây, tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu thế giới và 'đối phó' khá tốt với Cơ quan nội chính phụ trách giám sát cuộc sống Hoàng gia Nhật Bản, nơi có nhiều người vẫn ủng hộ tư tưởng nam giới thống trị”, Harding nói.
“Rõ ràng là có sự ủng hộ lớn của công chúng đối với việc truyền ngôi cho nữ giới. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ cao chưa chắc cho thấy những người trẻ tuổi Nhật Bản thật sự quan tấm đến những gì diễn ra trong hoàng tộc. Họ có thể không thấy điều đó liên quan tới cuộc sống của họ".