Liên quan đến vụ "chuyến bay giải cứu giai đoạn 2", Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 17 bị can về các tội danh Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Che giấu tội phạm.
Theo kết luận điều tra, khoảng cuối năm 2020, ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (bị can trong giai đoạn 1 vụ án), liên hệ với ông Nguyễn Đình Việt (thời điểm đó là Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước cách ly tại Thái Nguyên.
Ông Việt cho ông Nam số điện thoại của ông Trần Tùng, khi đó là Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, để ông Nam liên hệ. Qua trao đổi, ông Tùng cho biết Thái Nguyên đang cách ly cho chuyên gia nước ngoài, khi nào có khách sạn trống sẽ thông báo cho ông Nam biết.
Đầu tháng 3/2021, ông Trần Tùng chủ động gọi điện cho ông Vũ Hồng Nam thông báo đã có địa điểm cách ly và đề nghị ông Nam gửi công điện về UBND tỉnh Thái Nguyên.
Bị can Trần Tùng. Ảnh: Bộ Công an. |
Trước khi gửi công điện, ông Vũ Hồng Nam đã giới thiệu và cho ông Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh - bị can trong giai đoạn 1 vụ án) số điện thoại của ông Trần Tùng để liên hệ thủ tục xin cách ly cho công dân ở tỉnh Thái Nguyên.
Ông Lê Văn Nghĩa gọi điện thoại liên hệ với ông Trần Tùng, đặt vấn đề cho Công ty Nhật Minh được tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về cách ly tại Thái Nguyên.
Khi đó, nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên yêu cầu ông Nghĩa trao đổi để Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có văn bản gửi tỉnh Thái Nguyên xin chủ trương cách ly (do tỉnh Thái Nguyên không giải quyết đề nghị xin cách ly của doanh nghiệp), còn lại ông Tùng sẽ lo mọi thủ tục để UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly.
Đồng thời, ông Trần Tùng yêu cầu ông Nghĩa cho Công ty Sen vàng Đất Việt do bà Trần Thị Quyên làm giám đốc thực hiện việc cách ly với chi phí trọn gói là 18 triệu đồng/khách, nhưng khi ký hợp đồng với Công ty Sen vàng Đất Việt chỉ thể hiện 10-12 triệu đồng/khách cách ly.
Số tiền chênh lệch 6-8 triệu đồng còn lại sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho bà Quyên để chuyển lại cho ông Trần Tùng. Do chi phí trọn gói (trong đó có việc chi phí xin văn bản chấp thuận) mà Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ đưa ra quá cao, ông Nghĩa xin giảm nhưng không được ông Trần Tùng đồng ý, vậy nên buộc chủ doanh nghiệp phải đồng ý theo yêu cầu của ông Trần Tùng.
Sau đó, Công ty Nhật Minh đã được tổ chức 3 chuyến bay, đưa 668 người về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên. Thực hiện thỏa thuận, ông Nghĩa đã chuyển tiền cho bà Quyên để bà này chuyển lại cho ông Trần Tùng. CQĐT xác định, ông Trần Tùng đã nhận hối lộ 3 lần của ông Nghĩa và bà Quyên.
Theo kết luận điều tra, nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên còn lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, hưởng lợi bất chính hơn 3,2 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 5 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng (Đại diện Công ty Fujitravel, Nhật Bản).
Theo CQĐT, hành vi của bị can Trần Tùng đã phạm vào tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS và tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 356 BLHS.
Trong khi đó, thực hiện chỉ đạo của ông Trần Tùng, bà Trần Thị Quyên đã có hành vi trao đổi, thỏa thuận với ông Nghĩa để tiền ngoài hợp đồng và nhận hối lộ giúp ông Trần Tùng hơn 4 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân 300 triệu đồng. Hành vi của bà Quyên đã phạm vào tội “Nhận hối lộ” với vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Trần Tùng.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam" cung cấp những quan điểm khoa học pháp lý về kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam, thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch, từ đó đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật, góp phần phát triển thị trường bất động sản du lịch.