Cuộc sống của 46 thầy ở trường tiểu học chưa từng có giáo viên nữ
“Chúng tôi sống như một gia đình, đàn ông với nhau nên xuề xòa lắm. Nhưng khi dạy học thì khác, phải thật chỉn chu, kiên nhẫn, tỉ mỉ vì học sinh tiếp thu chậm”, Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn nói về cuộc sống tại Tiểu học Tri Lễ 4 nằm trên dãy Phà Cà Tún (Quế Phong, Nghệ An).
“Bám chắc nhé, rơi tôi không dừng lại nhặt đâu”, thầy giáo Hùng tếu táo khi xe máy bắt đầu chuyển bánh từ đường nhựa sang con đường đất ngoằn ngoèo, cheo leo trên hành trình từ thị trấn Kim Sơn vào điểm chính trường Tri Lễ 4.
Chiều chủ nhật, các thầy giáo chuẩn bị thực phẩm cho tuần kế tiếp và “tập kết” tại một điểm trước khi rẽ vào con đường dẫn tới Mường Lống. Nếu đi từ thành phố Vinh, họ phải vượt 210 km để vào được điểm trường Tri Lễ 4, thuộc xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong. Do đường quá xa và khó đi, suốt 30 năm qua, nơi đây chưa từng có giáo viên nữ dạy chính thức.
Đầu tháng 9, tập thể giáo viên đặc biệt này được nhận giải Ấn tượng VTV năm 2017 ở hạng mục Nhân vật của năm.
Thầy giáo Tri Lễ 4 vượt đường núi với những đoạn dốc gần như thẳng đứng, cầu khỉ gập ghềnh và lối mòn nhỏ hẹp trên dãy Phà Cà Tún để đến trường. |
Cheo leo đường gieo chữ
“Chúng tôi phải kết thành đoàn mới dám đi vào trường, lỡ có việc gì còn hỗ trợ nhau. Ngày khô ráo còn đỡ chứ mưa thì nguy hiểm gấp 5, 6 lần”, thầy Nguyễn Trọng Quyền, Phó hiệu trưởng Tiểu học Tri Lễ 4, nói.
Những hôm mưa, các thầy chỉ đi vào chứ không thể trở ra. Để học trò không bỏ buổi học nào, họ hì hục đẩy chiếc xe mang theo thực phẩm dùng cho cả tuần qua những đoạn đường lầy lội, những cây cầu gập ghềnh bắc qua dòng suối. Họ trầy trật điều khiển xe lăn bánh trên làn đường trơn như đổ mỡ nằm cạnh vách núi sâu hun hút.
Đến những đoạn dốc, họ dừng lại, hai người đi bộ lên trước, quăng dây thừng xuống để người phía dưới buộc vào xe rồi cùng nhau kéo lên. Cứ như thế, hành trình 15 km đường khó đi có khi kéo dài tận một ngày.
Đường đi khó khăn, hiểm trở nên vừa nhận công tác được một tuần, thầy Lang Văn Lịch (23 tuổi) đã bị ngã mấy lần nhưng anh không dám kêu than, vì sợ các thầy mất tinh thần.
Chập choạng chiều chủ nhật, các thầy mới đến trường. Những lớp học nằm trơ trọi giữa núi rừng hiu quạnh, lá khô rải đầy sân. Họ dỡ gạo, dưa, mắm, muối xuống xe, chuẩn bị cho cả tuần tại nơi không có chợ; rồi nổi lửa nấu bữa tối dưới ánh sáng nhá nhem.
Điện từ pin mặt trời do nhà hảo tâm tặng không ổn định nên đèn chỉ được bật lúc tối hẳn. Một số thầy ra suối tắm giặt, người khác tranh thủ leo lên điểm cao hơn dò sóng để gọi về nhà, báo tin đến nơi an toàn.
Thầy Hùng lấy quần áo ra phơi, tận dụng chút nắng chiều còn sót lại. Sinh hoạt của các thầy (từ đánh răng, rửa mặt đến tắm giặt, ăn uống) gắn liền dòng suối nhỏ trước trường. |
Ngày thường, bữa cơm của các thầy giáo chỉ có nồi cơm, đôi đĩa rau rừng xào, cùng vài bát canh. Chiều chủ nhật và sáng thứ hai là bữa sung túc nhất khi có thêm đĩa thịt.
18h30, dưới ánh đèn tù mù, các thầy quây quần bên mâm cơm, trò chuyện rôm rả. Ăn xong, người rửa bát, người vệ sinh cá nhân rồi ngồi uống bát chè xanh, chuyện trò dăm câu, kiểm tra lại bài soạn rồi nghỉ ngơi trong căn phòng lụp xụp lợp từ gỗ đã hỏng. Họ tận dụng băng rôn cũ để che nắng chắn gió. Còn ở điểm trường khác, tất cả sống trong căn phòng gió lùa, mưa tạt quanh năm.
Thiếu thốn trăm bề nhưng Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn vẫn vui vẻ kể Tri Lễ 4 đã "thay da đổi thịt" như thế nào trong vài năm qua nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và những người hảo tâm. Tránh nói đến sự thiếu thốn nhưng ông không nén nổi ngậm ngùi khi kể về nỗi bất lực của người quản lý những khi học trò, đồng nghiệp đau ốm.
Năm ngoái, một học sinh bị ngất, các thầy đành bế em về nhà để gia đình mời thầy lang tới chữa. Vừa rồi, có thầy trong trường không may ngộ độc. Ngay giữa đêm, các thầy dìu nhau vượt qua con đường gập ghềnh, trơn trượt dưới mưa lạnh để đưa đồng nghiệp đi cấp cứu.
“Nhưng đau xót nhất là vì khó liên lạc và đi lại, một thầy giáo khác chỉ biết bố ốm nặng khi người nhà lặn lội vào tận trường báo tin, lúc trở về không kịp nhìn mặt cha lần cuối. Xót xa lắm!”, giọng thầy Nhàn chùng xuống.
Sống tại vùng không chợ, các thầy tự xuống suối bắt cá, lên rừng hái măng và rau dại làm nguồn thực phẩm chính cho cả tuần. Đêm đến, mọi sinh hoạt diễn ra dưới ánh đèn tù mù. Không sóng điện thoại, không Internet, một ngày ở Tiểu học Tri Lễ 4 kết thúc từ rất sớm. |
Với những người bỏ đồng bằng lên miền núi dạy học, thiếu thốn vật chất hay đường rừng hiểm nguy chỉ là chuyện nhỏ. Cảnh bố mẹ già, con thơ dại ở xuôi cùng lòng áy náy khi quăng hết gánh nặng gia đình cho vợ cáng đáng mới là nỗi băn khoăn lớn nhất.
Cuộc sống tách biệt, không sóng điện thoại, không Internet cũng là thử thách lớn với các thầy giáo trẻ. Một tuần trôi qua, thầy Hoàng sụt 4 kg, thầy Sáng vẫn kìm nỗi nhớ để không bật ra tiếng khóc lúc đêm về, còn thầy Lịch bỗng vui vẻ hẳn ra khi có khách dưới xuôi lên thăm trường.
Lúc rảnh rỗi, các nhà giáo rủ nhau lên núi dò sóng điện thoại. Nếu may mắn, họ có thể thực hiện cuộc gọi báo tin cho gia đình trong phút chốc hoặc lướt Zalo, Facebook để cảm thấy không quá tách biệt với thế giới bên ngoài. |
‘Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy’
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng 46 giáo viên tại Tri Lễ 4 vẫn không một lời than vãn. Một phần vì họ luôn dặn mình phải mạnh mẽ trên hành trình gieo chữ gian nan. Phần khác, khi so với cảnh sống cách đây 5-6 năm, các thầy tự nhận mình đã may mắn hơn nhiều lắm.
Hồi đó, các thầy chưa có xe máy, đi cả ngày trên núi không phải việc dễ nên chỉ về nhà vào cuối học kỳ. Không có sự tiếp tế từ miền xuôi, cuộc sống trên non cao càng khó khăn gấp bội.
Những cảnh đó, người già hơn đã quen, người trẻ lại tự dặn so với người đi trước, mình không có lý do gì để than trách. Thêm vào đó, họ luôn động viên nhau mạnh mẽ, vững tâm với nghề.
Họ cùng nhau sinh sống trong căn phòng lụp xụp, nhiều người chia sẻ không gian nhỏ bé không tránh được nắng chiếu mưa tạt. Phó hiệu trưởng Nguyễn Trọng Quyền ra suối vệ sinh cá nhân để chuẩn bị điều hành lễ chào cờ đầu tuần. |
Ngày mới của các thầy bắt đầu bằng việc thức dậy lúc trời còn tờ mờ, sương giăng kín đỉnh đồi và thời tiết se lạnh. Từng tốp xuống suối đánh răng, rửa mặt rồi cùng nhau ăn mỳ trong căn phòng lụp xụp nhưng rôm rả tiếng trò chuyện, cười đùa.
Sau giờ lên lớp, họ lại cùng nhau xuống suối bắt cá hoặc lên rừng lấy măng, hái rau dại về chuẩn bị bữa tối. Đến cuối tuần, nếu thời tiết thuận lợi, họ lại cùng nhau xuống núi, chẳng cần phân công, ai có gì thì chuẩn bị nấy, mang đồ ăn thức uống lên gom góp với nhau.
Đã quen với cảnh sống núi rừng, thầy Vi Văn Dương băng đèo vượt suối trong trang phục áo ba lỗ, quần đùi, dép lê. Bữa trưa của tập thể phụ thuộc rất lớn vào lượng măng thầy Dương kiếm được. |
Cứ như thế, 46 con người từ 46 gia đình riêng với hoàn cảnh sống khác nhau gộp lại thành gia đình chung. Mỗi người góp một câu chuyện, vài lời tâm sự, người đi trước dặn dò, truyền đạt kinh nghiệm sống cho người đến sau.
Hết giờ dạy, các thầy cùng nhau chơi thể thao hoặc trồng cây trên mảnh đất khô cằn. Họ kiên nhẫn chăm chút cho những mầm non như chính việc kiên trì gieo chữ cho trẻ em vùng cao suốt hàng chục năm qua.
Các thầy giáo hoạt động thể dục thể thao sau giờ tan lớp. Ở bản cao, họ dành hầu hết thời gian rảnh để chơi cầu lông, bóng chuyền vừa nâng cao sức khỏe vừa mang lại giây phút sôi động hiếm hoi giữa núi rừng hoang vắng. |
Thầy giáo như cha hiền
Cuộc sống tập thể không có bóng dáng phụ nữ tạo cho các thầy ở Tri Lễ 4 lối sống có phần xuề xòa. Thế nhưng, với học sinh, họ luôn cố gắng chỉn chu nhất.
Gần 7h sáng thứ hai, thầy Vi Văn Dương đánh hồi trống đầu tiên để nhắc nhở học sinh đến trường. Khi tốp trẻ men theo đường nhỏ tiến vào cổng, các thầy đứng đón chào, dẫn những em mặt mũi, chân tay lem luốc đi rửa ráy.
Cánh mày râu vốn chăm lo cho mình còn chưa tốt, nay lại tỉ mẩn buộc tóc, cắt móng tay, móng chân cho học trò. Họ thực hiện những hành động nhỏ nhất bằng sự kiên nhẫn, dịu dàng lớn nhất.
Sáng thứ 2, hơn 100 học sinh đến trường, mang lại không khí khác hẳn cho Tiểu học Tri Lễ 4, thầy trò bận rộn chuẩn bị cho lễ chào cờ. |
Các thầy cẩn thận buộc tóc, cắt móng tay cho đám trẻ. |
Vào lớp, dù theo cách nghiêm khắc hay nhẹ nhàng, các thầy luôn cố gắng hết sức để truyền đạt kiến thức cho học trò, giúp các em học tiếng, đánh vần, viết chữ, làm toán. Học trò tiếp thu chậm, một bài toán phải giảng đến cả chục lần, cách phát âm cũng phải chỉnh hết lần này đến lần khác nhưng không ai mất kiên nhẫn hay cáu gắt với các bé.
Giáo viên Tiểu học Tri Lễ 4 truyền dạy kiến thức cho trẻ vùng cao bằng tất cả lòng nhiệt tình. Học sinh tiếp thu chậm, các thầy kiên nhẫn chỉ dạy từng chút, từ tập đọc, làm toán đến sửa phát âm, chỉnh tư thế ngồi. |
“Nhìn các em như vậy, chúng tôi vừa bất lực vừa xót, thương còn không kịp, sao nỡ quát nạt. Các em chịu đến học là quý lắm rồi, học chậm thì mình dạy chậm”, thầy Và Bá Dê tâm sự.
Xác định đã dạy học ở vùng cao thì cần bỏ công sức gấp bội nên hàng tuần, các thầy dành 3 buổi tối, chia nhau vào bản vừa thăm gia đình vừa kiểm tra việc học bài của trò. Họ cũng tự cắt bớt thời gian nghỉ hè, dành khoảng nửa tháng để phụ đạo, nhắc lại kiến thức cho học sinh.
Thầy Dương duyệt đội trống trước giờ chào cờ. Khi học sinh tập trung đông đủ, thầy Quyền lên dặn dò, nhắc nhở các em việc học tập, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Dù lớp chỉ có 5 học sinh hay 30 học sinh, các thầy vẫn cố gắng quan tâm sát sao tiến độ học tập của các em. |
46 thầy giáo ngày ngày lên lớp, không tính toán mình bỏ ra bao nhiêu và nhận lại chừng nào. Với đồng lương tháng khoảng 5 triệu đồng, họ cần mẫn gieo chữ với hy vọng kiến thức có thể giúp trẻ nghèo thoát cảnh đói khổ.
Công lao đó không được đền đáp bằng những lời tri ân, vài đóa hoa hay món quà dịp 20/11. Thực tế, phần lớn học sinh nơi đây không biết đến ngày Nhà giáo Việt Nam.
“Với chúng tôi, ngày nào cũng là 20/11 khi học trò có gì cũng nhớ đến thầy. Không cần dịp nào đặc biệt, các em vẫn mang gạo, dứa, khoai, măng hoặc củi lên để thầy không đói, không lạnh”, thầy Quyền chia sẻ.
Trong 30 năm qua, hàng chục thầy giáo miệt mài đóng vai “cha hiền”, chăm lo việc học hành, sức khỏe của học sinh. Và dù lúc khó khăn nhất, họ cũng chưa từng có ý định rời bỏ học trò, đồng nghiệp, rời bỏ gia đình thứ hai - nơi có những người dành cả đời cho sự nghiệp trồng người đầy gian khổ.