Zing trích dịch bài đăng trên CNN, đề cập đến những khu vực tuyên bố là "vùng không có người đồng tính" tại Ba Lan và cộng đồng LGBT sống trong lo sợ, kỳ thị mỗi ngày.
Karolina Duzniak sống ở ngôi làng Kozy (Ba Lan) trong 26 năm. Bề ngoài, Duzniak là huấn luyện viên có sự nghiệp xán lạn, tính cách thân thiện, hòa đồng. Nhưng cô có lý do chính đáng để che giấu con người thật với cư dân nơi đây.
Duzniak là người đồng tính và những người như cô không được chào đón tại Kozy. Tài liệu chính thức của chính quyền địa phương trực tiếp nói lên điều đó.
Năm ngoái, chính quyền hạt Bielsko, bao gồm Kozy và hàng chục thị trấn, làng mạc khác, thông qua một nghị quyết ủng hộ “các giá trị gia đình truyền thống” và bác bỏ cộng đồng LGBT vì “phá hoại khái niệm về mô hình gia đình”.
Các "vùng không có LGBT", được hỗ trợ bởi các quyết định do hội đồng các địa phương thông qua, được cho là chiếm khoảng một phần ba Ba Lan. |
Trong vòng hơn một năm, hàng trăm khu vực trên khắp Ba Lan, chiếm khoảng một phần ba đất nước, tuyên bố thành “vùng không có người đồng tính” (gay free zone).
Quyết định vấp phải phản đối của Liên minh Châu Âu EU và các thành phố kết nghĩa xung quanh. Còn cộng đồng LGBT ở những khu vực này sống trong lo sợ.
Đồng tính bị ví với bệnh dịch
“Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy sợ hãi như vậy. Tôi không biết giải quyết thế nào”, Duzniak nói trong lúc đi dạo với phóng viên CNN cùng người bạn gái Ola Głowacka.
“Mọi người nói chuyện sau lưng chúng tôi. Hai người con gái yêu nhau là điều kỳ lạ lẫn khủng khiếp, trái tự nhiên đối với họ”, cô lo lắng.
Tại Kozy, Dazniak và Ola chỉ dám nhìn nhau, ôm thật nhanh và không bao giờ nắm tay.
Ở Ba Lan, khu vực nông thôn, đặc biệt ở phía đông nam, chưa bao giờ chấp nhận người đồng giới. Tình hình còn tồi tệ hơn khi những lời lẽ kỳ thị đồng tính được rao giảng trong nhà thờ hay trên các phương tiện thông tin.
Karolina Duzniak (trái) và bạn gái Ola Głowacka. |
Đầu năm nay, Tổng thống đương nhiệm Andrzej Duda cảnh báo LGBT là “hệ tư tưởng nguy hiểm”. Năm ngoái, Bộ trưởng Giáo dục nước này tuyên bố “người đồng tính chắc chắn không bình thường”. Còn tổng giám mục chỉ trích đất nước đang bị bao vây bởi "bệnh dịch cầu vồng" (cầu vồng là hình ảnh tượng trưng cho cộng đồng LGBT - PV).
“Vài năm trước, người xung quanh chỉ phớt lờ chúng tôi. Giờ đây, khi các quan chức cũng lên tiếng chống lại, những hành vi bạo lực nhắm vào giới LGBT xảy ra thường xuyên hơn”, Ola cho biết.
Năm ngoái, một tạp chí vấp phải phản ứng dữ dội sau khi phát những nhãn dán “không có LGBT” cho độc giả, cho phép họ bắt chước các nhà lập pháp bằng cách tuyên bố rằng nhà cửa hoặc doanh nghiệp của họ chỉ chào đón những người dị tính.
Hiện tại, Dazniak và Ola dù dũng cảm đeo nhẫn đính hôn nhưng họ không thể tránh được cảm giác căng thẳng hàng ngày.
"Giá trị gia đình cần được bảo vệ"
Kỳ thị đồng tính không chỉ tồn tại ở ngoài đường phố Ba Lan mà còn xuất hiện trong các cuộc họp hội đồng kín, nơi diễn ra tranh luận về quyền tự do của cộng đồng LGBT.
Tại Swidnik, một thị trấn nhỏ gần biên giới Ukraine, các ủy viên hội đồng cáo buộc những người đồng giới muốn "tấn công quyền tự do ngôn luận và sự ngây thơ của trẻ em".
Ở Nowa Sarzyna, một thị trấn khác, đồng tính luyến ái bị gán “trái với quy luật tự nhiên” và vi phạm “phẩm giá con người”. Tại tỉnh Lublin, một khu vực rộng lớn ở miền Đông Ba Lan, những nhà vận động quyền LGBT bị các nhà lập pháp địa phương lên án vì tìm cách “hủy diệt các giá trị được định hình bởi nhà thờ”.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện năm ngoái, khi được yêu cầu nêu tên mối đe dọa lớn nhất đối với Ba Lan, câu trả lời phổ biến nhất ở nam giới dưới 40 tuổi là "phong trào LGBT và tư tưởng giới". |
Tomek Zuber, một thiếu niên đồng tính sống ở Czechowice-Dziedzice, vùng rộng lớn cách Kozy không xa, cho hay hiệu trưởng từng cảnh báo tất cả học sinh trước buổi dạ hội cuối năm: không uống rượu, không hút thuốc và không khiêu vũ đồng giới.
Rời khỏi thị trấn hoặc im lặng
Tuy vậy, người đồng tính ở nước này vẫn tụ tập cho cuộc diễu hành của cộng đồng LGBT hàng năm. Những lá cờ cầu vồng bay phấp phới. Số lượng có mặt chỉ tầm 200 người. Đám đông bị thu hẹp bởi 700 cảnh sát bao vây chặt chẽ.
“Nó mang lại cảm giác như đang sống trong một thành phố bình thường, ở một đất nước bình thường, nơi không có những người theo tư tưởng cực đoan muốn chúng tôi biến mất,” Zuber nói sau khi diễu hành qua ngôi trường cũ.
Buổi diễu hành của cộng đồng LGBT với hình ảnh các vật dụng in hình cầu vồng nổi bật. |
Người tham dự đến gần nơi tổ chức sự kiện bắt đầu thay trang phục. Tất, cờ và áo phông cầu vồng có in khẩu hiệu đòi quyền bình đẳng được giơ cao.
Nhưng từ trước khi bắt đầu, đoàn người đã được nhắc nhở về nguy hiểm có thể xảy ra. Một chiếc ôtô tấp vào lề và người lái xe hét lên câu chửi bậy vào đám đông.
“Anh ta nói rằng chúng tôi là những kẻ ấu dâm”, Zuber nói.
Lúc sau, một người đàn ông đi ngang qua vội kéo người con tránh xa như thể cố bảo vệ đứa nhỏ khỏi nhóm người diễu hành. Còn một phụ nữ lớn tuổi tiến lại gần, kêu cả đoàn người "cút đi".
Năm ngoái, cuộc diễu hành đồng giới biến thành sự kiện bạo lực khi những người phản đối ném đá và chai lọ vào người tham gia.
Câu chuyện cũng diễn ra theo chiều hướng tương tự ở những thành phố lớn.
Những người chống cộng đồng LGBT thu thập chữ ký kiến nghị cấm tổ chức sự kiện liên quan tới người đồng giới. Họ sử dụng loa lớn để kêu gọi, tố cáo người đồng tính là “lệch lạc”. Sau một buổi chiều, bản kiến nghị đã có hơn 5.000 chữ ký.
“Chúng tôi không muốn con mình nhìn thấy những người như họ trên đường phố”, Grzegorz Frejno (23 tuổi), người tổ chức cuộc biểu tình với vợ mình, chỉ vào nhóm LGBT đang diễu hành gần đó.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ "bảo vệ trẻ em trước tư tưởng LGBT". |
Ở thị trấn Istebna, khi quy chế "không có LGBT" bị coi là vi hiến và bị tòa án địa phương bãi bỏ vào tháng 7, nơi này trở thành tâm điểm tranh giành quyền lợi của người đồng tính ở Ba Lan.
Các nhà vận động vui mừng trước phán quyết. Nhưng người dân ở đây chống lại “hệ tư tưởng LGBT” sẵn sàng dành hàng giờ đứng dưới mưa để lấy chữ ký phản đối.
“Tôi không muốn điều này ảnh hưởng đến con cháu mình. Trẻ em và thế hệ tương lai cần được dạy dỗ để không trở nên đồi trụy”, Jan Legierski, một người dân lớn tuổi cho hay.
“Đây là một cuộc săn phù thủy với chúng tôi là nạn nhân. Chúng tôi bị coi là công dân hạng hai và kẻ thù của xã hội”, Bartosz Staszewski, nhà vận động quyền LGBT nổi tiếng nhất ở Ba Lan, nói.
Các luật và nghị quyết về người đồng tính đã buộc nhiều người Ba Lan phải đưa ra lựa chọn: rời khỏi thị trấn hoặc im lặng.
Nhưng làn sóng quyết tâm đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác tham gia tìm tiếng nói. Zuber, Duzniak và Ola tự coi mình là một trong số những nhà hoạt động mới.
“Thành thật mà nói, tôi có thể chuyển đến một thị trấn khác. Nhưng có nhiều người trẻ hơn không thể tự ý rời khỏi gia đình, cha mẹ và trường học. Tôi nghĩ chúng tôi có việc phải làm ở đây”, Ola khẳng định.