Sau khi cá chết hàng loạt, hàng trăm ngư dân Hà Tĩnh ngừng ra khơi do nguồn thủy hải sản nơi đây không thể tiêu thụ. Một số người chuyển sang lặn biển mò sắt, thép vụn kiếm sống.
|
Ngày 25/4, hơn 400 chiếc thuyền to, nhỏ neo đậu tại âu thuyền xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Đây là khu vực gần đèo Ngang, giáp ranh với tỉnh Quảng Bình. Theo nhiều ngư dân, một tuần nay, họ không ra khơi đánh bắt cá vì số lượng ngày càng ít. Mặt khác người tiêu dùng không mua cá biển do ngư dân đánh bắt sau vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên - Huế. |
|
Khu vực đánh bắt cá của xã Kỳ Lợi nằm không xa khu công nghiệp Formosa - nơi có
đường ống xả thải đã được cơ quan chức năng cấp phép.
|
|
Do không còn cá để đánh bắt và người tiêu dùng không mua cá biển nên hàng loạt gia đình cất lưới, nghỉ ra khơi. Anh Mai Xuân Hùng (Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh) cùng người thân gói gém manh lưới cho vào bao tải kể: "Gần 70 năm nay, từ thời ông cha bám biển, chưa bao giờ gặp hoàn cảnh như thế này. Cả gia đình với 8 nhân khẩu trông chờ vào biển nhưng giờ không đi đánh bắt, rất khó khăn". |
|
Nhiều ngư dân cho biết, nếu ra khơi đánh bắt được ít cá, sau đó về lại không tiêu thụ được thì lỗ nặng. |
|
Ông Lê Văn Minh (ngư dân xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh) cho biết, trong hai ngày 23 - 24/4, thuyền của ông chỉ đánh bắt được 3 kg cá. "Chừng ấy là không đủ tiền xăng dầu và công sức đi lại hơn 10 giờ. Thậm chí, khi chúng tôi đem cá ra chợ bán còn bị người dân trách móc tại sao lại mang cá có độc tố đầu độc người dân", ông buồn bã nói. |
|
Thay vì đánh bắt gần bờ, nhiều gia đình chuẩn bị xăng dầu, đồ ăn thức uống đánh bắt xa khơi, cách bờ khoảng 30 hải lý (hơn 50 km) để đánh bắt cá. "Những loại cá xuất khẩu vẫn có thể bán được, chủ yếu là cá đục nhưng loài này cũng không còn nhiều", ngư dân tên Thành nói. |
|
Tuy nhiên, sau khi nghe tin ngay cả cá xuất khẩu nhiều tiểu thương cũng không nhập nên người đàn ông này lặng lẽ nhìn về phía xa, đành cất xăng dầu, thức ăn trở về nhà. |
|
Ông Mai Xuân Liêm là người có hơn 50 năm bám biển. Ông chia sẻ, từ khi cá chết hàng loạt, hôm nào ông cũng ra âu thuyền ngồi. "Ở nhà không có việc làm, buồn bã chân tay, ra biển thì không được ra khơi, buồn lắm", ông Liêm than thở. |
|
Ông Nguyễn Phúc (72 tuổi, ngư dân xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh) cũng chung tâm trạng. Cả gia đình hơn 10 nhân khẩu trông chờ vào biển cả, nhưng nay không dám ra khơi vì sợ bị thua lỗ, không ai mua cá. Nếu như ngày xưa mỗi lần ra khơi thu hoạch được từ 40 - 50 kg cá, thì nay chỉ 2 - 3 kg. |
|
Nhiều gia đình chuyển sang lặn để thu gom những loại sắt thép từ khu công nghiệp Formosa rơi xuống biển. |
|
"Chúng tôi không còn cách nào khác, việc mò sắt thép dưới biển rất khó khăn và nguy hiểm nhưng vẫn phải làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống", bà Lợi chia sẻ. |
|
Khu vực bán cá của xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương (Kỳ Anh) trở nên đìu hiu, không bóng dáng tiểu thương, trong khi đó lực lượng dân phòng rất đông. "Các xã trên địa bàn huyện Kỳ Anh thường xuyên đi kiểm tra tại các chợ để đảm bảo không có ngư dân bán cá biển tại chợ cho đến khi có kết luận cuối cùng", đại diện công an xã Kỳ Lợi nói. |
|
Hàng quán ven bờ biển ế ẩm gần hai tuần nay. Có nhà hàng thiệt hại hàng chục triệu đồng vì cá, cua, ghẹ không bán được tới tay người dùng. |
Ngày 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác.
Từ đó các tỉnh cần có đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Thủ tướng nhấn mạnh không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản.
Ảnh: Lê Hiếu - Video: Đức Phạm