Ngày cận tết, thủ khoa kỳ thi tuyển sinh 2013 ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến khoe vừa đi hiến máu ở trường về. Cậu thanh niên 19 tuổi nhỏ thó, khi nhập trường chưa đủ 50kg, vậy mà từ đầu năm học đến nay đã kịp đi hiến máu hai lần. “Chọn học ngành y, em chỉ mong sau này chữa bệnh cho mọi người. Giờ chưa thành bác sĩ, hiến máu là một cách cứu người mà em có thể làm được” - Tiến cười hiền.
Thủ khoa đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến (bìa trái) cùng cha và em trai. |
10 năm sống ở Hà Nội toàn phải chọn vỉa hè, xó chợ làm nơi nương thân, rồi có lúc phải chui trong ống cống để ngủ, lạ thay, ông Định bảo chẳng bao giờ thấy mình khổ. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản Hà Nội đắt đỏ, chi tiền tìm chỗ trọ thì chẳng còn đồng nào dành nuôi con ăn học. Nhưng từ khi cả nhà tụ lại sống chung mới thấm thía hạnh phúc là thế nào. Đi làm về được bưng bát cơm nóng, tối được ngủ trong nhà, ngày ngày được nhìn thấy vợ, thấy con bên cạnh mà nhiều khi không dám tin là sự thật” - ông Định cúi xuống che đôi mắt đã hoe đỏ.
Nếu ông Định không nghĩ mình đã từng rất khổ, thì cậu sinh viên năm nhất trường y con ông vẫn không thể nào quên hình ảnh người cha già cặm cụi ra vào trong cống nhỏ khi một lần đến thăm bố lúc vừa hay tin đỗ ĐH. “Em cứ ám ảnh mãi không gian bít bùng, nóng nực, chênh vênh bố đã sống. Nó chỉ nhắc em duy nhất một điều: phải học thật giỏi để sau này có thể tự nuôi sống bản thân và chăm lo cho bố mẹ” - Tiến lặng đi.
Khắp căn phòng nhỏ, trên tường nhà, trong bếp, trên cả bình nóng lạnh... la liệt những mảnh giấy nhỏ màu vàng được dán ken dày. Toàn là khái niệm, chi tiết giải phẫu người, nào xương đòn, xương cánh tay, cẳng tay, hố nách... mà dân y năm nhất như Tiến đang phải “cày ngày, cày đêm”. Bố mẹ Tiến đều mới chỉ học hết cấp II nên ý thức tự học đã hình thành từ nhỏ trong anh em Tiến. Hai chiếc đồng hồ báo thức ngày nào cũng kêu từ 4-5h sáng nhắc anh em Tiến, một học ĐH Bách khoa, một học ĐH Y dậy sớm học bài.
Những ngày này, tết đã ập vào từng nhà nhưng căn phòng trọ bé nhỏ vẫn lặng lẽ, chẳng khác gì ngày thường. Vợ ông Định vẫn lo trông xe, nhắc người thuê các phòng trọ về đúng giờ, còn ông vẫn mải miết chạy xe ôm rồi tranh thủ bơm xe, vá xe kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy.
Thủ khoa Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến (thứ hai từ trái sang) cùng với bố mẹ và em trai trong ngôi nhà trọ trên phố Pháo Đài Láng (Hà Nội). |
Biết câu chuyện cảm động về ông bố sống trong ống cống nuôi con đỗ thủ khoa ĐH, chủ một khu trọ trên phố Pháo Đài Láng thuê gia đình ông Định trông nom khu trọ, cho chỗ nghỉ, trả lương 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng với sáu miệng ăn giữa Hà Nội, không bươn chải làm sao sống được? Những năm nghèo túng qua, dù nhà không có gì đáng giá nhưng tết nhất cũng có bánh chưng làm từ gạo, từ lúa tự trồng, mâm cỗ cúng tết có con gà nhà tự nuôi. Năm nay cả nhà ở Hà Nội, Tết sẽ thế nào?
“26 Tết, mấy đứa được nghỉ học sẽ về quê trước. Hai vợ chồng tôi đến giờ này cũng chưa biết có được nghỉ Tết hay không. Nếu chủ nhà cho nghỉ ba ngày thì mừng... Bằng không sẽ có một người phải ở lại trông nom, một người về nhà mua đôi gà lo tết cho tụi nhỏ” - ông Định bần thần.