Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống hồi sinh của người mẹ trẻ sau ghép thận

Sau 1 năm chờ đợi, chị Thu được một người đàn ông tình nguyện cho thận. Ca phẫu thuật ghép tạng không chỉ thay đổi cuộc sống mà còn trả lại cho chị thiên chức làm mẹ.

Hồi sinh nhờ ghép thận

Năm 23 tuổi, một lần bị sốt cao, chị Thu, 30 tuổi, ở Hà Nội được chẩn đoán mang căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Tuy nhiên do chủ quan, không được điều trị cẩn thận, 2 năm sau, căn bệnh biến chứng sang thận.

Năm 2011, chị kết hôn và mang trong mình căn bệnh suy thận độ I. Chỉ sau 6 tháng, bệnh nhanh chóng trở nặng. Trong một lần bị sốt, chị Thu được đưa vào viện cấp cứu và chỉ định lọc máu cấp cứu.

Kể từ đó, đều đặn 3 lần một tuần, chị phải vào viện chạy thận. Nhớ lại quãng thời gian đã qua, chị Thu vẫn rất bồi hồi. Sức khỏe chị rất yếu, không thể làm việc, tự đi xe máy như mọi người. Ngay cả đến việc ngửi mùi thức ăn cũng khiến chị nôn mửa. Từ 45 kg, cân nặng của chị Thu chỉ còn trên 30 kg.

“Mặc dù được chồng và gia đình thương yêu nhưng lúc đó, tôi đã bị suy thận độ IV, rất yếu, phải phụ thuộc vào máy móc, bệnh viện. Hầu như tôi chẳng thể làm gì ngoài việc vào viện chạy thận. Lúc đó, tôi chỉ thèm cuộc sống như một người bình thường”, chị Thu nhớ lại.

Chị cho biết, bản thân và gia đình lúc đó không dám nghĩ tới chuyện ghép thận để cải thiện tình hình. Nhưng sau đó, được các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức thông báo cơ hội được ghép tạng. “Điều này gây bất ngờ cho tôi bởi trước đó nhiều người bảo căn bệnh này không thể ghép tạng. Tuy nhiên, biết được mình có thể ghép tạng chỉ là bước ban đầu, tìm được người cho tạng là cả vấn đề gian nan”, chị Thu cho biết.

Suốt gần một năm tìm kiếm và chờ đợi nguồn cho thận, tháng 10/2012, chị Thu chính thức bước vào ca ghép tạng làm thay đổi cuộc sống.

Người cho thận là người anh vô tình quen biết của gia đình, cũng chạc tuổi chồng chị Thu. Sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của chị, anh đã đồng ý cho một bên thận.

Sau khi may mắn tìm được người cho thận, cả hai phải trải qua rất nhiều xét nghiệm và hội chẩn. Khi tất cả chỉ số cho kết quả phù hợp, chị mới được phép phẫu thuật ghép bộ phận mới.

“Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đã chuẩn bị tư tưởng cho tôi rất nhiều, ngay cả việc tỷ lệ thành công của ca mổ chỉ 30-70 bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan người bệnh. Nhưng tôi giống như một người chết đuối, khi may mắn nắm được chiếc cọc, không cần biết đó là cọc cứng hay mềm, tốt hay không tốt, chỉ cần đó là cơ hội, tôi không thể từ bỏ”, chị Thu nói.

Chính sự lạc quan đó đã giúp ca phẫu thuật thành công hơn mong đợi. Chỉ sau 7 ngày, chị được trở về nhà với quả thận của người khác nằm trong cơ thể mình.

Nói về những ngày đầu trở về, chị Thu cho biết, đó là sự vui mừng. Chị khỏe hơn trông thấy và ăn nhiều như chưa bao giờ được ăn. Chị cũng có thể tự làm mọi việc mà không cần ai giúp đỡ. Đặc biệt, ngoại trừ việc duy trì uống thuốc chống thải ghép mỗi ngày, chị không còn phụ thuộc vào máy móc hay vội vàng đi lọc máu định kỳ như trước.

Đặc biệt nhất, chị đã mạnh dạn xin ý kiến bác sĩ về việc thực hiện thiên chức làm mẹ. Ba năm sau khi được ghép thận, chị Thu đón đứa con đầu lòng. Chị cho biết, ngoại trừ việc điều chỉnh một số loại thuốc chống thải ghép, chị có chu kỳ thai nghén, sinh con như bất kỳ phụ nữ khác. Cũng vì phải uống thuốc hàng ngày nên chị Thu buộc phải nuôi con bằng sữa ngoài thay vì sữa mẹ.

Chị Thu cũng không quên chia sẻ tình trạng của người cho mình quả thận. Ân nhân của chị hiện tại sức khỏe tốt, anh cũng vừa có thêm bé gái thứ hai.

Ghép thận để thực hiện thiên chức làm mẹ

TS.BS Nguyễn Thế Cường, Phó Trưởng Khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người trực tiếp tiến hành ca mổ ghép thận cho chị Thu nhận định đây là một ca ghép thận thành công. Do có chức năng thận tốt, không có hiện tượng thải ghép nên bệnh nhân hoàn toàn có thể sinh con. Chị Thu đã sinh một bé trai nặng 3,1 kg ở tuần thứ 37.

Vị chuyên gia cho hay, so với bệnh nhân phải lọc máu chu kỳ, chỉ định cho bệnh nhân sau ghép thận có thai thoáng hơn, song thời gian có thai tối thiểu sau khoảng 2 năm ghép thận. Việc có thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi do chức năng thận ghép phải làm việc nhiều. Thai phụ phải được các bác sĩ chuyên khoa thận, sản khoa, tim mạch… theo dõi cẩn thận để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.

“Tại thời điểm chị Thu có ý định mang bầu, chúng tôi điều chỉnh thuốc chống thải ghép và các thuốc điều trị khác để an toàn cho mẹ trước thời gian mang thai, cũng như tránh tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hiện sức khỏe của chị Thu cũng như đứa trẻ rất ổn định”, TS Cường thông tin thêm.

Ngoài trường hợp của chị Thu, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ năm 2013 đến nay có thêm 4 trường hợp sản phụ là người được ghép thận đã sinh con khỏe mạnh. Hầu hết sức khỏe của mẹ và thai nhi diễn biến khá thuận lợi. Tuy vậy, cũng có những trường hợp do quá trình thai nghén, sinh nở khiến chức năng thận ghép bị ảnh hưởng, có sản phụ sau khi sinh, thận suy phải tiếp tục chạy thận nhân tạo.

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm