Nkuthula Madlopha, 16 tuổi, muốn trở thành một cảnh sát. Nhưng em phải ra đồng làm việc thay bố mẹ đã chết vì căn bệnh HIV. Em trai của Madlopha sẽ đi chăn gia súc.
Lẽ ra đang học lớp 3, nhưng cậu bé Ntokozo 11 tuổi lại nằm trên nền căn lều trống trải, với đầu gối sưng phù và miệng lở loét. Mẹ Ntokozo, người mất 5 tháng trước, đã truyền HIV cho cậu, có thể là trong thời kỳ mang thai hoặc khi cậu giúp chăm sóc những vết loét chảy nước trên người mẹ. Chị của cậu, Nkululeko Masimula, nuôi gà bán lấy tiền để chăm sóc cho em trai và bà. Việc kiếm được 20 USD một tháng để mua thuốc kháng virus cho em chỉ như một mơ ước hão huyền.
Đại dịch HIV
Ở Swaziland, khoảng 71.000 trẻ dưới 17 tuổi mồ côi do cả cha và mẹ đã chết vì HIV, và khoảng 15.000 trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) đang sống chung với căn bệnh thế kỷ. Theo thống kê năm 2016, có tới 27,2% người trưởng thành nhiễm HIV, trong đó có 8.800 ca mới và 3.900 người chết do các bệnh liên quan đến AIDS. Với tỷ lệ người bệnh nằm trong độ tuổi lao động cao, điều đó đồng nghĩa việc chăm sóc trẻ mồ côi trở thành trách nhiệm của chính những đứa trẻ và người già.
Nhiều đứa trẻ sinh ra đã mang trong mình virus HIV do lây nhiễm từ mẹ. Ảnh: World Vision. |
HIV và AIDS có ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của xã hội Swaziland, từ nam giới tới phụ nữ và trẻ em. Sự tự ái và trách nhiệm khiến những nam giới nhiễm bệnh che giấu tình trạng và tiếp tục làm việc dù không đủ sức khỏe. Họ cũng không tới các phòng khám để được chẩn đoán và điều trị. Kết quả là trong khi tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh tăng lên, tỷ lệ chết ở nam giới lại nhiều hơn.
HIV thường được phát hiện ở phụ nữ mang thai khi họ đi khám. Người dương tính sẽ sử dụng thuốc kháng virus (AVR) để ngăn việc truyền bệnh sang con hay đối tác trong tương lai, đồng thời kéo dài sự sống.
Nam giới ở quốc gia châu Phi này kiếm được khoảng 15 USD một tháng. Họ không muốn tốn thời gian đến các phòng khám và “bị kiểm soát vĩnh viễn” bởi bác sĩ và thuốc men. Phần lớn phớt lờ lời khuyên của các nhân viên y tế, mà tìm kiếm các chữa bệnh từ các “inyanga” - phù thủy địa phương. Những thầy lang này hứa hẹn điều mà bệnh nhân muốn nghe - rằng họ không nhiễm HIV, hoặc căn bệnh này “có thể chưa được”.
Yen-Hao Chu, bác sĩ tình nguyện tại Swaziland, cho biết: “Một trong những điều khiến phù thủy được trọng dụng là vì họ đưa ra cách chữa, chứ không phải quy trình điều trị đòi hỏi người bệnh phải tái khám”.
Phương thuốc phù thủy đưa ra đôi khi rất đáng sợ. Bác sĩ Nduduzo Dube nói: “Họ sẽ tìm ra những điều kỳ quặc bắt người bệnh làm, thậm chí bảo bạn phải giết anh trai mình. Nếu bạn không làm được, họ sẽ nói chính vì thế mà không thể khỏi bệnh”. Một cách chữa khác của phù thủy là bảo bệnh nhân quan hệ với người còn trinh trắng.
Vị trí thấp kém của phụ nữ trong xã hội, tục đa thê và cuộc sống nghèo khó khiến số lượng nữ giới dương tính với HIV tại Swaziland lên tới 31% (lên tới 49% ở phụ nữ trong độ tuổi từ 24 đến 29), trong khi con số này ở nam giới là 20%. Ở Swaziland, phụ nữ không được phép sở hữu tài sản, mở tài khoản ngân hàng hay kinh doanh khi chưa được chồng cho phép. Họ cũng bị trả lương thấp hơn tới 71% so với nam giới.
Busisiwe Matse (44 tuổi), bà mẹ 6 con, đã ốm yếu gần một năm nay. Cô đến khám và điều trị khi chồng cô, Boy, đã nằm liệt giường với các triệu chứng của AIDS. Nhưng người vợ khác của Boy, Khanyisile (27 tuổi) từ chối kiểm tra tình trạng của bản thân. Phụ nữ trưởng thành phần lớn nhiễm bệnh từ chồng hay đối tác, sau đó có thể bị chồng bỏ vì “làm mất mặt” gia đình. Do đó, nhiều người không muốn đối diện với sự thật rằng mình đã mắc bệnh.
Nhiều người không đi xét nghiệm HIV do định kiến của xã hội với căn bệnh này. Chính điều đó khiến nguy cơ lây lan càng tăng cao. Ảnh: Getty Images. |
Một số thiếu nữ mồ côi bị đẩy vào con đường mại dâm và thường không quan hệ tình dục an toàn. Lý do chính là để kiếm tiền: khi dùng bao cao su, họ chỉ được trả khoảng 5 USD, nhưng nếu không dùng, có thể được tới 9 USD. Thebisa, 18 tuổi, cho biết: “Tôi ở với bố mẹ trước khi họ qua đời vì HIV. Sau đó, tôi không thể đến trường và buộc phải làm nghề này”.
Bạn của cô, Dabsile (19 tuổi), cũng mồ côi vì AIDS, nói: “Nhiều bạn bè của tôi làm nghề này. Một số vì không có ai chăm sóc. Một số do áp lực kinh tế”. Dabsile cho biết cô rất sợ nhiễm HIV, khi những biển cảnh báo về căn bệnh này được đặt khắp thành phố. Nhưng cô không đi xét nghiệm máu hay kiên quyết dùng bao cao su với bạn trai, người không hề hay biết về công việc của cô.
Hi vọng cho tương lai?
Trong hơn một thập kỷ qua, Swaziland đã có nhiều tiến triển trong cuộc chiến với đại dịch HIV. Lượng người mắc mới không còn tăng cao từ năm 2011, nhờ chính sách hỗ trợ thuốc ARV cho người mắc. Ngoài ra, quốc gia châu Phi này còn tăng ngân sách cho các hoạt động phòng chống và điều trị HIV. Điều này đã giúp 68% số người tham gia điều trị ức chế được virus và không còn ở trong tình cảnh bó tay chịu chết.
Ngày càng nhiều tổ chức được thành lập để tăng cường nhận thức và hiểu biết cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, về HIV và hỗ trợ những người mắc bệnh, như tổ chức thiện nguyện Umliba Loya Embili hay Compasssinote Swaziland.
Nhờ sự hỗ trợ, nhiều thanh thiếu niên đã có thể vượt qua đau khổ để nghĩ tới tương lai. Ảnh: Elizabethavedon. |
Với Phum’lakahle, một cô gái 18 tuổi sinh ra với HIV trong người, sự hỗ trợ này đã thay đổi cuộc đời cô. Từ nhỏ, Phum’lakahle đã phải uống thuốc AVR nhưng không hề hay biết về tình trạng của mình do gia đình đã giấu cô. Đến năm 2016, Phum’lakahle nhập viện do bị ốm và biết được sự thật về căn bệnh của mình. Khi trở lại cộng đồng, cô bị bạn bè cùng lớp tẩy chay và tức giận đến mức từ chối uống thuốc. Cô giận gia đình vì đã im lặng và bỏ mặc cô đối diện với HIV. Đau đớn và cô độc, Phum’lakahle đã nghĩ đến cái chết.
Nhưng bà của Phum’lakahle đã tìm tới Compassionate Swaziland để học cách chăm sóc người nhiễm HIV và giúp cô có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Bà khuyến khích Phum’lakahle tham dự các buổi họp của câu lạc bộ, và mọi thứ bắt đầu thay đổi.
Phum’lakahle tìm hiểu về HIV và ảnh hưởng của bệnh tới cơ thể mình. Điều đó giúp cô đối mặt tốt hơn với những định kiến của cộng đồng. Cô bắt đầu tham gia vận động người xung quanh xét nghiệm HIV để biết tình trạng của mình. Dần dần, cuộc sống của cô trở nên dễ chịu hơn. Phum’lakahle cho biết: “Họ đem lại cho tôi hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn dù mang trong mình căn bệnh HIV. Tôi không còn tức giận nữa và tiếp tục uống thuốc hàng ngày”.
Cùng với sự cởi mở hơn về HIV và giáo dục giới tính, những nhóm hỗ trợ tinh thần tương tự đã giúp đỡ thanh thiếu niên nhiễm HIV trong độ tuổi từ 8 tới 19 tuổi tìm được niềm tin trong cuộc sống. Fakudze mô tả rằng mình sống như mộng du trước khi tìm được “gia đình đích thực” trong nhóm. Cậu bé cho biết: “Giờ em đã có mục tiêu, những mục tiêu của riêng mình, và nhìn thấy cuộc đời phía trước. Em vẫn còn tương lai, ở đâu đó trên thế giới này”.