Xã hội
Ảnh & Video
Cuộc sống nghèo của hàng chục gia đình bỏ xứ mưu sinh
- Thứ ba, 15/3/2016 14:55 (GMT+7)
- 14:55 15/3/2016
Cuộc sống khó khăn, hàng chục hộ dân đến những rừng cây, rẫy tràm ở Đồng Nai dựng lều mưu sinh. Hàng ngày, họ đến các vườn mía làm thuê để nhận những đồng tiền công ít ỏi.
|
Nhiều tháng nay, hàng chục hộ dân các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng... đến xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) sống trong những túp lều tạm bợ để làm thuê. Ông Kim Sen (87 tuổi, ngụ xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, Trà Vinh), cho biết 7 người trong gia đình đến Đồng Nai từ trước Tết Nguyên đán 2016. Thu nhập từ việc đánh bắt tôm cá ở quê không đủ ăn nên phải tha phương kiếm sống.
|
|
Đặt chân lên đất khách trong khi không có tiền thuê nhà trọ nên họ tìm đến các rừng cây, rẫy tràm... căng bạt làm lều để ở. Những túp lều rất đơn giản với chiều cao 1,7 m, rộng từ 10-20 m2. Chị Nga (39 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết: "Thiếu thốn trăm bề nên đành chấp nhận. Nhiều hôm đang ngủ bị rít, bọ cạp... chui vào chích sưng người. Có đêm phải thức trắng vì căn lều ướt sũng do mưa dột". |
|
Để có điện, nước sinh hoạt, cư dân phải đến các hộ dân lân cận xin dùng chung. Nhiều vật dụng được họ chế tạo từ các loại phế phẩm. |
|
Trên địa bàn xã Đông Hòa hiện có trên 50 lều bạt của lao động nghèo. Nhiều "nhà" có 3 thế hệ cùng chung sống. |
|
Chị Kim Thị Quờn (46 tuổi, ngụ huyện Trà Cú, Trà Vinh) cho biết để có tiền nuôi 3 người con ở quê ăn học, vợ chồng chị phải làm nhiều việc, chi tiêu tiết kiệm. Công việc của họ có thể là chặt mía thuê, bốc vác, làm vườn... "Tháng chăm chỉ, tiền công đều thì gửi về cho con 3 triệu đồng. Tháng thu nhập ít thì vay mượn bạn bè, người thân lo cho con. Từ lúc lên Đồng Nai, vợ chồng chỉ ăn ngày 2 bữa sáng - chiều, nhịn cơm trưa", người phụ nữ 46 tuổi cho hay. |
|
Lao động xa xứ thường được các chủ vườn thuê chặt mía với mức thù lao thấp. Trung bình, một người phải chặt 1,5 - 2 tấn mía mỗi ngày mới có thu nhập 120.000 - 160.000 đồng. |
|
Thanh niên, đàn ông khỏe mạnh có năng suất lao động cao hơn. Ngoài việc chặt, họ còn tham gia bốc vác, vận chuyển cây lên xe. |
|
Khi chất hàng, những người khỏe mạnh nhận nhiệm vụ tung bó mía nặng 10 kg lên thùng xe có độ cao 2,5 m. Phu bốc vác Nguyễn Thanh Tiến, quê Vĩnh Long cho biết: "Người làm việc nhẹ, người làm việc nặng nhưng không ai tranh chấp, ghen tỵ. Mọi người luôn thông cảm, giúp đỡ lẫn nhau. Để chất đầy xe, cả nhóm 7 người phải làm việc liên tục 5 giờ. Khi chủ vườn trả tiền công, trưởng nhóm đứng ra nhận sau đó chia đều cho mọi người". |
|
Làm việc nặng nhọc trong khi trời nắng nóng khiến người lao động nhanh mất sức. Lâu lâu, họ phải nghỉ giữa chừng hoặc uống nước để duy trì sức khỏe. |
|
Chặt mía và chất hàng lên xe từ 2h sáng đến trưa khiến nhóm anh Phạm Huynh quê huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) kiệt sức. Trưa nắng, họ chui vào bụi rậm nằm ngủ. |
|
Vất vả nhưng những lao động nghèo luôn kết nối liên lạc với người thân ở quê. Chị Sơn tâm sự: "Cuộc sống khó khăn, mệt nhọc nhưng biết con ở quê khỏe mạnh, học giỏi là vui rồi. Gắng làm và dành dụm ít tiền để ngày nào đó về quê mở tiệm tạp hóa, buôn bán". |
bỏ xứ mưu sinh
Đồng Nai
mưu sinh
lao động nghèo
lều trọ
làm thuê
bốc vác
kiếm sống
tha phương
vất vả
gia đình