Zing trích dịch bài đăng trên CNN của tác giả David Luekens, kể lại trải nghiệm về nhịp sống bình yên tại khu vực Issan phía đông bắc Thái Lan - nơi chỉ ghi nhận khoảng 100 ca mắc Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Một con chó say sưa ngủ trong tiệm bán som tam (gỏi đu đủ) ngoài trời. Mùi gà nướng than hoa thơm lừng khắp ngõ. Một dàn đồng ca vang lên từ phía trường học. Không ai đeo khẩu trang.
Đây là khung cảnh ở ngôi làng Ban Nong Doen Tha phía đông bắc Thái Lan, nơi đại dịch gần như chưa từng đặt chân tới.
Một tuần trước đó, tôi có cơ hội đầu tiên đi du lịch bên ngoài Bangkok sau khoảng 6 tháng. Tôi muốn giúp các doanh nghiệp Thái Lan đang gặp khó khăn vì lệnh cấm khách du lịch nước ngoài nhập cảnh, được áp đặt từ cuối tháng 3.
Cho đến nay, các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 của xứ Chùa Vàng tỏ ra hiệu quả. Nhưng việc giảm mạnh lượng khách du lịch nước ngoài đang nhấn chìm nền kinh tế của quốc gia từng thu hút 39,8 triệu lượt khách vào năm ngoái.
Trước khi đổ xô tới những điểm đến nổi tiếng như Koh Samui hay Phuket, tôi nhận ra mình khao khát điều rất giản đơn: sự bình thường. Vào phút chót, tôi bắt đầu chuyến đi 1.400 km quanh vùng đông bắc Thái Lan, còn được gọi là Isaan.
Với hơn 22 triệu cư dân ở 20 tỉnh, Isaan là vùng đông dân nhất của Thái Lan. Nơi đây được biết đến với ẩm thực đậm đà và các điểm tham quan tự nhiên, lịch sử. |
Vùng đất bị lãng quên
Mặc dù mang đến nền ẩm thực đậm đà hương vị, khung cảnh thung lũng sông Mekong thanh bình cùng danh sách phong phú các điểm tham quan tự nhiên và lịch sử, Isaan chỉ thu hút 1 phần nhỏ lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Thái Lan trước đại dịch.
Vùng đất này không nằm trên “banana pancake trail” (chỉ các tuyến đường đang phát triển ở Đông Nam Á, được nhiều khách du lịch đi lại).
Sự thiếu quan tâm của khách du lịch nước ngoài có thể giải thích một phần lý do dịch Covid-19 hầu như không chạm tới Isaan, trong khi vẫn bùng phát ở các nơi như Bangkok, Chiang Mai và Phuket vào tháng 4.
Dù thuộc khu vực đông dân nhất Thái Lan với hơn 22 triệu người, 20 tỉnh của Isaan chỉ báo cáo khoảng 100 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Hầu hết ngành du lịch của khu vực hiện dựa vào du khách Thái Lan. Họ có thể trở lại sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc và các hạn chế đối với du lịch nội địa được dỡ bỏ vào tháng 6.
Một số quản lý khách sạn ở Isaan cho biết tỷ lệ khách hiện nay khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Người dân câu cá trên sông Mekong ở huyện Ban Phaeng thuộc tỉnh Nakhon Phanom của Isaan. |
Trước đại dịch, nhiều hộ gia đình ở Issan sống dựa vào tiền gửi về của các thành viên làm hướng dẫn viên du lịch, lái xe tuk tuk, lễ tân, đầu bếp và hành nghề mại dâm ở các khu vực phổ biến với du khách nước ngoài. Nhiều người phải trở về nhà sau khi mất việc trong dịch.
“So với thời trước đại dịch, cuộc sống ở đây khá bình thường đối với hầu hết người dân. Tuy nhiên, chúng tôi đã không thực hiện tour tham quan nào kể từ giữa tháng 2”, Tim Bewer - làm việc cho Isan Explorer có trụ sở tại Khon Kaen, 1 trong số ít công ty du lịch tập trung phục vụ khách nước ngoài - cho biết.
Tình hình kinh doanh cũng ảm đạm đối với các chủ nhà nghỉ từng kiếm được thu nhập ít ỏi từ việc phục vụ du khách nước ngoài ở một số thành phố của Isaan.
Các điểm du lịch được yêu thích như Mut Mee Guesthouse (Nong Khai), The Outside Inn (Ubon Ratchathani) và Moon River Resort (Phimai) đều thiếu doanh thu mà khách du lịch nước ngoài từng mang lại.
Người đàn ông vận chuyển chồng ghế dài, được sắp xếp khéo léo ở tỉnh Nakhon Phanom. |
Cuộc phiêu lưu ở Bueng Kan
Ngồi phía sau chiếc xe bán tải, tôi đi vào khu rừng rậm ẩm ướt của công viên rừng Phu Pha Singh ở Bueng Kan - tỉnh xa xôi được du khách trong nước coi là điểm đến phiêu lưu kỳ lạ. Rất ít người nước ngoài từng nghe về nơi này.
Các khối sa thạch trong công viên trông giống hình sư tử (Pha Singh có nghĩa là “vách đá sư tử” trong tiếng Thái), voi và rắn. Hầu hết chúng đều có tầm nhìn ra các trang trại cao su và cánh đồng lúa bao quanh.
Hin Sam Wan hay “Three Whale Rock” là bộ 3 tảng đá ấn tượng, giống hình gia đình cá nhà táng lơ lửng khi bơi trên vòm cây. Từ trên đỉnh nơi này, chúng tôi đắm mình trong khung cảnh của sông Mekong và những ngọn đồi xanh mướt của Lào ở phía xa.
Khung cảnh hùng vĩ nhìn từ Hin Sam Wan (trái). Một trong những điểm đến nổi bật ở Bueng Kan là lối đi bộ bên vách đá (phải). |
Tại chùa Wat Phu Tok gần đó, dãy cầu thang bằng gỗ và lối đi bên vách đá xung quanh khối núi sa thạch khổng lồ là điểm đến nổi bật.
Cơn bão ập đến khi tôi rón rén đi dọc theo tấm ván ở tầng thứ 6 trong 7 cấp độ - đại diện cho 7 yếu tố giác ngộ từ giáo lý Phật giáo nguyên thủy. Ở một số nơi, hàng rào cao gần 1 m ngăn khách tham quan với bờ vực 90 m dựng đứng.
Mưa như trút lên vách đá kèm sấm sét và sương mù giăng kín lối. Tôi nhiều lần tự trấn an rằng lối đi trơn trượt, được các tình nguyện viên địa phương bảo trì trong 5 thập kỷ qua, cứng cáp hơn vẻ ngoài của chúng.
Thư giãn trên sông Mekong
Sáng hôm sau, tôi lái xe hướng theo phía đông về vùng nông thôn. Tôi thường xuyên đi đường vòng để được nhìn thoáng qua khung cảnh Mekong - một trong những con sông lớn nhất châu Á. Tại một điểm dừng, tôi trông thấy ngôi đền biệt lâp, sừng sững vươn lên giữa khu rừng ở phía Lào.
Ở làng Ban Nong Doen Tha, phụ nữ đan những chiếc giỏ dùng để phục vụ khao niao hoặc gạo nếp - loại ngũ cốc chủ yếu ở cả Isaan và Lào. Họ cho biết công việc đồng áng không đình trệ trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, họ không thể tiêu thụ nhiều hàng hóa vì những người sống ở Lào không thể đi chợ.
Việc đóng cửa biên giới đã gây khó khăn cho người dân ở khu vực có chung ngôn ngữ Lào và tín ngưỡng Phật giáo giữa hai bờ sông Mekong của Thái Lan, Lào.
Bờ sông tại Tha Uthen - thị trấn nằm ở phía bắc thành phố Nakhon Phanom. |
Điểm dừng chân tiếp theo là Sao Homestay Tai Yor, nằm trong ngôi nhà gỗ 60 năm tuổi nhìn ra sông ở Bung Khla yên tĩnh. Ở Ban Phaeng gần đó, tôi cẩn thận để không làm phiền nhóm phật tử đang ngồi im lặng tại Wat Pho Si.
Những người đánh cá dọc bờ sông ở huyện Ban Phaeng quăng tấm lưới rộng, được buộc vào cọc tre xuống vùng nước nông. Họ phàn nàn rằng sản lượng khai thác đã giảm trong những năm gần đây, do các con đập được xây dựng ở thượng nguồn tại Lào và Trung Quốc.
Vào mùa khô ở đây, các con đập bị đổ lỗi là cản trở dòng chảy của phù sa và các chất dinh dưỡng quan trọng, khiến nước sông Mekong trong vắt một cách bất thường.
Tối hôm đó, chúng tôi đến thành phố Nakhon Phanom - nơi ảnh hưởng của Việt Nam thể hiện rõ trong ẩm thực, bao gồm món bánh mì kẹp được gọi là khanom pang yuan trong tiếng Thái.
Khung cảnh sống động hơn bao giờ hết ở bờ sông trải dài của Nakhon Phanom. Các hộ gia đình ở đây dâng hương và vòng hoa cho tượng naga 7 đầu được tìm thấy trong thần thoại cổ đại từ Ấn Độ đến Campuchia.
Bức tượng là điểm nhấn trong các tour du lịch tâm linh thu hút khách du lịch Thái Lan đến nơi này.
Nhịp sống bình thường
Ở tỉnh Ubon Ratchathani, tôi tìm mua một số loại nấm hoang có thể ăn được. Tôi trò chuyện với người dân địa phương và trông thấy một cậu bé kéo một con cá lớn lên khỏi bờ sông.
Sau bữa trưa gồm ếch nhồi thịt nướng, som tam kiểu Lào, tương ớt làm từ cá lên men và gạo nếp tại khu chợ ở Phibun Mangsahan, tôi đi dạo ở hồ chứa Sirindhorn.
Một cậu bé khoe con cá mới bắt được bên bờ sông ở Khong Chiam - huyện cực đông của tỉnh Ubon Ratchathani. |
Tiếp đó, tôi gặp gỡ một người bạn mà gia đình cô ấy trồng lúa nếp, nấm sò và hàng loạt loại trái cây, rau củ trong nông trại ở Warin Chamrap. Cha cô bạn cho tôi ngồi lên chiếc xe bán tải, đưa cả đám vào sâu trong cánh đồng lúa Kelly xanh tươi, lung linh trong ánh chiều tà.
Tôi tìm thấy cảm giác bình yên vượt thời gian ở nơi này. Hít thở bầu không khí trong lành, tôi để mùi bùn và nước ngọt xua đi những lo lắng trong đầu.
Bất kể ngoài kia đại dịch đang nguy hiểm như thế nào, những cánh đồng ở Isaan vẫn trải dài đến bất tận.