Cuộc sống ở 'ốc đảo phương Tây' giữa lòng Saudi Arabia
Thứ tư, 12/7/2017 14:58 (GMT+7)
14:58 12/7/2017
Aramco, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã xây dựng một "ốc đảo phương Tây" ngay giữa Saudi Arabia để thu hút các chuyên gia nước ngoài đến đây làm việc.
Trại Dhahran là cách gọi để chỉ Khu dân cư Saudi Aramco tại Dhahran, thành phố phía đông Saudi Arabia. Khu dân cư rộng 58 km2 này do Aramco, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, xây dựng để thu hút các chuyên gia phương Tây đến đây làm việc. Ảnh: Wird/Ayesha Malik.
Trại Dhahran cung cấp cơ sở vật chất không thua kém một thành phố phương Tây, nó có sân tennis, sân bowling, hồ bơi...
Bộ ảnh này được thực hiện bởi Ayesha Malik, nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Pakistan và đã trải qua thời thơ ấu ở Trại Dhahran. Trong ảnh, một sân golf bên trong khu dân cư. Ảnh: Time/Ayesha Malik.
Wired cho biết Ayesha đến Trại Dhahran sống từ thập niên 1980 khi cha cô bắt đầu làm việc cho Aramco. Cô nói rằng nơi này được xây dựng để "khiến bạn nghĩ rằng bạn có thể nhảy từ bang Kansas (Mỹ) đến đây và cuộc sống sẽ rất thoải mái". Ảnh: Wired/Ayesha Malik.
Với những hàng cây trồng dọc theo các con đường cụt, hồ bơi và những đứa trẻ tham gia hướng đạo sinh, Trại Dhahran không khác gì một vùng ngoại ô nước Mỹ. "Nó trông giống như nơi bạn đã lớn lên, nếu bạn lớn lên ở một vùng ngoại ô nước Mỹ. Hãy tưởng tượng điều đó, và tưởng tượng việc nó nằm ở Saudi Arabia, đột nhiên bạn như đang ở một hành tinh khác vậy", Malik miêu tả. Ảnh: Wired/Ayesha Malik.
Vào dịp Giáng sinh, những ngôi nhà tại Dhahran cũng được giăng đèn như các thị trấn phương Tây. Ảnh: Wired/Ayesha Malik.
Một nhân viên quan hệ công chúng tại bàn làm việc của ông ở Trại Dhahran. Ảnh: Wired/Ayesha Malik.
Malik lớn lên trong khuôn viên Trại Dhahran. Cô đi học, chơi bóng và bơi ở hồ của trường rồi tập lái xe ở một bãi đỗ gần nhà. Ở Saudi Arabia, lái xe là một đặc quyền chỉ dành cho đàn ông. Trong ảnh, một người phụ nữ vẫy chào đứa con đang trên xe buýt để đến Trường Tiểu học Dhahran. Ảnh: Wired/Ayesha Malik.
Tại Trại Dhahran, Malik được phép lái ôtô, đi xe đạp, chụp ảnh khu vực cô sống. Đến khi ra khỏi khu dân cư, cô phải tuân thủ các luật lệ hà khắc của đất nước này. "Theo luật, tôi có thể chụp ảnh ở nơi công cộng, nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng thế. Trong nhiều năm dài, người ta cấm sử dụng máy ảnh ở các trung tâm mua sắm, đến thời nay thì không thể nào kiểm soát được chuyện ấy nữa". Trong ảnh, một khu mua sắm ở gần Trại Dharhran. Ảnh: Time/Ayesha Malik.
Malik nói cô chưa nhận ra sự đặc biệt của Trại Dhahran cho đến năm 2007, khi cô chuyển đến New York để tiếp tục việc học. Năm 2012, người cha nghỉ hưu và chuyển gia đình đến Riyadh, thủ đô của Saudi. Cô thường xuyên trở lại Trại Dhahran để chụp lại cuộc sống nơi đây, "giao lộ" của phương Tây và thế giới Arab. Ảnh: Wired/Ayesha Malik.
Malik nói rằng khi còn nhỏ, cô không phân biệt được Mỹ và Saudi. "Trong ký ức của tôi, sân bóng và áo choàng abayas hoàn toàn tương thích nhau. Đến khi trưởng thành, tôi mới biết rằng được trải nghiệm Saudi Arabia là một đặc ân". Ảnh: Wired/Ayesha Malik.
Malik nói rằng Saudi Arabia là một đất nước phức tạp, nơi sự thay đổi diễn ra chậm chạp. "Tôi không nghĩ bạn có thể nhìn vào Saudi Arabia và áp đặt thay đổi theo chuẩn mực phương Tây. Người Saudi giữ lấy sự tự hào lớn lao đối với lịch sử và truyền thống, nhưng họ cũng đề cao tầm quan trọng của một tương lai trong thế giới hiện đại", Time dẫn lời nhiếp ảnh gia hiện sống tại New York. Ảnh: Wired/Ayesha Malik.
Malik nói rằng cô ghét phải trả lời câu hỏi mình đến từ đâu. "Tôi luôn nghĩ rằng mình là người của Aramco", cô nói. Ảnh: Wired/Ayesha Malik.
Quốc vương Saudi Arabia bất ngờ phế truất cháu trai và đưa con trai lên làm thái tử, trong bối cảnh Mỹ đang xích lại gần quốc gia này và cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh chưa hạ nhiệt.