Zing trích dịch bài đăng trên The Paper, đề cập đến một thế giới khác của nhiều người trẻ làm công việc văn phòng ở Trung Quốc, nơi họ tạm gác lại bộn bề cuộc sống để dành cho sở thích riêng.
Bị kẹt trên chuyến tàu điện ngầm cao điểm vào buổi sáng, Zhu Qingtian cảm thấy như người chẳng còn sức lực dù mới bắt đầu đến giờ làm.
Trên một chuyến tàu khác, Li Xiaopu cũng liên tục ngáp, chẳng để ý đến bài hát đang phát ra trong chiếc tai nghe.
Ở một góc con phố nhộn nhịp, Ai Rui chạy băng qua đường, cố gắng đến văn phòng trước khi thị trường chứng khoán mở cửa.
Giống như nhiều nhân viên văn phòng khác đang chạy quanh các thành phố lớn ở Trung Quốc, những người trẻ như Zhu, Li, Ai chạy đua với KPI hàng ngày.
Nhưng khi màn đêm buông xuống, họ đều có chốn riêng để dành cho những mối quan tâm của bản thân.
Ca hát
Khoảng 18h, 19h, khi dòng người bắt đầu đổ về nhà, điểm đến của Ai Rui là một góc trống trên con phố tấp nập ở Thượng Hải, nơi cô sẽ đứng hát.
Thứ 4 hàng tuần, cô đều chuẩn bị trước, hoàn thành công việc được giao sớm, dùng bữa nhẹ rồi đến góc phố quen thuộc. Dựng micro, loa, thiết bị để livestream, Ai bắt đầu hát từ 19h30.
Không ít người dừng lại nghe cô hát, dựa vào lan can đối diện, thi thoảng ngân nga theo giọng cô gái trước mặt.
Ai Rui đi hát trên đường phố một lần mỗi tuần. |
Kết thúc một bài hát, Ai chủ động giới thiệu ca khúc tiếp theo: “Tôi nên hát bài gì đây nhỉ? Hôm nay trời hơi lạnh, hãy đến với một ca khúc nhẹ nhàng nhé”.
Đang hát giữa chừng, Ai được nhân viên phục vụ gần đó đưa cho một tách trà gừng, nói là có khách tặng. Hầu như lần nào đến đây, Ai cũng được mời nước dù không biết chủ nhân món quà là ai.
Mỗi tuần một lần, hát 15 bài trong khoảng 1 tiếng rưỡi, Ai sẽ nhận được khoảng 300 nhân dân tệ tiền trợ cấp từ trung tâm thương mại gần đó.
Không kiếm được nhiều tiền song ca hát là cách cô thỏa mãn đam mê. |
Ai Rui làm việc trong một công ty chứng khoán, thường tìm đến các công ty và tổ chức tài chính để thảo luận về các dự án đầu tư và tài trợ. Công việc không hề dễ dàng và nhiều áp lực.
“Nếu dễ dàng, tôi đã chẳng được thuê”, cô nói. Có lúc bận nhất, Ai liên tục phải tăng ca 7 ngày trong tuần, mỗi ngày đều về nhà khi đồng hồ đã điểm 22h.
Ông chủ của Ai cũng biết chuyện cô đi hát trên phố sau giờ làm, thường hỏi: “Số tiền công ít ỏi thế, cô không thấy lãng phí thời gian sao?”.
“Đây là điều tôi thích, không phải vì tiền. Tôi yêu ca hát từ khi còn nhỏ và tôi thích sân khấu”, Ai đáp.
Trên mạng xã hội, Ai có hơn 25.000 người theo dõi. Nhiều người nhắn tin khen giọng hát của cô, có người cổ vũ, hy vọng cô luôn giữ được nhiệt huyết đam mê.
Bình luận phim
Khi màn đêm dần buông xuống cũng là lúc Zhu Qingtian đắm chìm trong thế giới điện ảnh.
Zhu thích bộ phim A Scene at the Sea của đạo diễn Kitano Takeshi, kể về đôi tình nhân câm điếc cùng nhau học cách lướt sóng. Bộ phim yên tĩnh đến mức chỉ có tiếng sóng biển, tiếng nhạc và tiếng vài người tưởng chừng như vô nghĩa. Zhu xem một mình và bật khóc.
Ban ngày, Zhu là người bán thiết bị y tế, lao đến các bệnh viện lớn, giao dịch với mọi người và quảng bá sản phẩm. Sau giờ làm, anh trở về căn nhà cho thuê và tận hưởng những bộ phim.
Đến nay, có 1.942 bộ phim Zhu đánh dấu “đã xem” trên nền tảng xem trực tuyến. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, anh đã xem ít nhất một bộ phim mỗi ngày trong nửa đầu năm nay.
Zhu dành nhiều thời gian xem và bình luận phim sau giờ làm. |
Từ nghiền xem phim, Zhu bắt đầu phê bình phim và giới thiệu những tác phẩm hay đến người khác. Từ khoảng 350 từ mỗi bài viết, dần dần Zhu viết nhiều hơn và đặc biệt dành những lời có cánh cho các bộ phim tâm đắc. Nhiều bài phê bình của Zhu còn được các trang phim và một số kênh truyền thông liên hệ đăng tải.
Với Zhu, để đánh giá một bộ phim không chỉ cần bỏ thời gian để ngồi xem nó. Với nhiều bộ phim có bối cảnh đặc biệt, anh còn phải tìm hiểu những thông tin bên lề, hoàn cảnh lịch sử hay nguồn gốc nhân vật để hiểu bộ phim một cách trọn vẹn nhất.
Nhờ danh tiếng trên các trang đánh giá phim, Zhu từng được mời đến nhiều buổi ra mắt phim, gặp gỡ người nổi tiếng hay phỏng vấn các nhà làm phim.
“Hầu như ngoài thời gian làm việc, tôi đều dành cho phim ảnh. Vì dịch bệnh, công việc bán dụng cụ y tế của tôi không khả quan. Những lúc mệt mỏi, áp lực doanh số, tôi tìm đến thế giới riêng của mình với các bộ phim để vỗ về tâm hồn”.
Hâm mộ thần tượng
Cũng là một nhân viên văn phòng vào ban ngày song tối đến, Li Xiaopu là một “fangirl” đích thực.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, Li đã tạo ra một trang web mới cho thần tượng để kết nối người hâm mộ. Nhờ kênh này, địa vị của cô trong cộng đồng người hâm mộ tăng vọt, thậm chí còn có thể kết nối với công ty của nghệ sĩ, hợp tác với công ty đó để quảng bá và tăng mức độ phổ biến của các thần tượng.
Mỗi ngày, sau 18h là khoảng thời gian hạnh phúc đối với Li. Đặt đồ ăn trên đường đi làm về, xong xuôi bữa tối, cô bắt đầu viết kế hoạch quảng bá cho thần tượng.
Trong kế hoạch dài gần 20.000 từ, Li giới thiệu chi tiết về vị trí đặt biển quảng cáo, nội dung quản lý, các biện pháp tăng cường hoạt động và kế hoạch làm việc trong tương lai.
Như một nhà chiến lược chuyên nghiệp, Li phải cân nhắc rất nhiều thứ, không chỉ hợp tác thực hiện nhiệm vụ quảng bá mà còn phải truyền đạt ý kiến của người hâm mộ.
Khác với một nữ nhân viên khép kín, không thích giao tiếp với người lạ ở văn phòng, trên mạng, Li dễ dàng làm quen với nhiều bạn mới có chung sở thích. |
Theo đuổi ngôi sao hơn 2 năm, cô thú nhận mình phải đánh đổi rất nhiều. Có lần, vì bất đồng quan điểm, cô to tiếng cãi vã với một fan từ tối đến tận 4h hôm sau.
Về lý do hâm mộ thần tượng, cô cho biết yêu thích năng lượng mà họ mang lại, có thể chỉ một video, lời chúc ngắn cũng đủ tiếp thêm sức lực cho cô cả ngày dài.
Li còn thích chơi game. Khác với một nữ nhân viên khép kín, không thích giao tiếp với người lạ ở văn phòng, trên mạng, Li dễ dàng làm quen với nhiều bạn mới có chung sở thích.
"Tôi quen một số người qua game đã 5, 6 năm. Đôi lúc, mọi người thường hẹn nhau ăn tối ở ngoài và nói về các chủ đề yêu thích”, cô chia sẻ.
Hâm mộ ngôi sao và chơi game là những thứ giúp Li cân bằng cuộc sống ngoài công việc.
“Tôi không có nhiều mong muốn lớn lao trong cuộc sống. Mục tiêu của tôi là làm việc chăm chỉ, kiếm tiền, có một chút thời gian làm những việc mình muốn”.