Trước khi Covid-19 bùng phát vào năm 2020, cựu DJ người Singapore Sivanesh Pillai đã tạo dựng được tên tuổi của mình ở cả trong nước và khu vực châu Á, theo The Straits Times.
Anh từng lưu diễn ở nhiều quốc gia, khuấy động không khí từ những club, vũ trường ở Ấn Độ, Myanmar cho đến lễ hội âm nhạc tại Thái Lan.
Nhưng đại dịch đã kết thúc tất cả: các cuộc tụ họp xã hội, tiệc tùng, cuộc sống về đêm và cả những hợp đồng biểu diễn của Sivanesh.
"Khi các quán bar và câu lạc bộ lần đầu tiên đóng cửa, tôi rất lo lắng. Hoạt động giải trí về đêm ngừng lại có nghĩa là tôi thất nghiệp, mất thu nhập. Tôi cố an ủi mình khi nhìn rộng hơn. Nhưng đã hai năm rồi và tôi vẫn chưa thể quay lại với công việc. Điều đó khiến tôi tuyệt vọng", cựu DJ 35 tuổi nói.
Từ tháng 3/2020, các cơ sở giải trí về đêm trên khắp châu Á lần lượt đóng cửa trước sự lây lan nhanh chóng của đại dịch. Các thành phố từng nổi tiếng là "thiên đường tiệc tùng" nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi sinh.
DJ người Singapore Sivanesh Pillai từng lưu diễn ở nhiều nước châu Á. Ảnh: Sivanesh Pillai. |
"Thành phố tiệc tùng" tàn lụi
Từ ngày 29/3, Singapore nới lỏng nhiều quy định phòng chống Covid-19. Theo đó, các cửa hàng ăn uống được phép bán rượu, đồ uống có cồn sau 22h30 và phục vụ các nhóm khách 10 người.
Các cơ sở F&B cũng được phát chương trình truyền hình trực tiếp và giải trí. Đeo khẩu trang nơi công cộng không còn là điều bắt buộc nếu người dân duy trì khoảng cách an toàn 1 m.
Bộ Y tế nước này cho biết các sự kiện xã hội quy mô lớn hơn cụ thể như dạ tiệc, tiệc sinh nhật và lễ kỷ niệm cũng sẽ được phép tiến hành với điều kiện tình hình dịch ổn định.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn đang cân nhắc và chưa có kế hoạch cụ thể với việc khôi phục các hoạt động kinh doanh cuộc sống về đêm như quán bar, quán rượu, karaoke, vũ trường, câu lạc bộ đêm.
"Đây là những hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao và nhìn chung có nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các biện pháp quản lý an toàn", Bộ Y Tế Singapore giải thích lý do chưa thể hồi sinh ngành nightlife.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), các địa điểm giải trí về đêm hoạt động trong cảnh bấp bênh suốt hai năm qua. Nhiều trường hợp lây nhiễm được ghi nhận tại các quán bar, câu lạc bộ vào cuối năm 2020, đầu năm 2021 khiến những nơi này liên tục đóng và mở cửa.
Các nhân viên kiểm dịch phun thuốc khử trùng tại một câu lạc bộ đêm ở Itaewon. Ảnh: Reuters. |
Đỉnh điểm là đợt đóng cửa thứ 3, tháng 11/2020, khi các câu lạc bộ khiêu vũ được cho là nguồn lây của hơn 180 trường hợp nhiễm bệnh.
Năm 2020, làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại Seoul (Hàn Quốc) khởi phát từ các quán bar ở khu giải trí về đêm nổi tiếng Itaewon.
Kể từ đó, các câu lạc bộ và quán bar được lệnh đóng cửa. Đến hiện tại, những cơ sở này vẫn chưa được phép hoạt động, nhiều nơi gặp khó khăn về tài chính, đã bị xóa sổ vĩnh viễn.
Tương tự, các quán rượu có tiếp viên ở Tokyo (Nhật Bản) được coi là điểm nóng của đợt bùng dịch vào tháng 7/2020. Ngành nightlife gần như đóng băng từ đó. Nhiều chủ cơ sở giải trí đã phải nộp đơn xin chính phủ trợ cấp để vượt qua khó khăn thời dịch.
Bangkok (Thái Lan), nơi được mệnh danh là "thành phố tiệc tùng của châu Á", nay phải chứng kiến cảnh lụi tàn của cuộc sống về đêm, theo SCMP.
Giữa tháng 3, Trung tâm Quản lý Tình hình Covid-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo sẽ xem xét việc mở cửa các cơ sở giải trí về đêm trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Ngành nightlife đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy du lịch nên khi chính phủ Thái Lan có ý định nới lỏng quy định để chào đón du khách, việc mở lại quán rượu, quán bar và karaoke được xem là vấn đề cần ưu tiên.
"Đã đến lúc chúng ta trở lại cuộc sống bình thường và để mọi người tự quyết định. Việc hạn chế bán rượu đến 23h thực sự không cần thiết", Sanga Ruangwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khao San, nói với Bangkok Post.
Cuộc sống về đêm ở Bangkok đìu hiu, ảm đạm khi các cơ sở giải trí buộc phải đóng cửa do dịch bệnh. Ảnh: Reuters, Allison Joyce. |
Lao động điêu đứng
Đã hai năm trôi qua kể từ khi các cơ sở giải trí về đêm buộc phải đóng cửa vô thời hạn. Nhiều nơi không thể chịu được thử thách của thời gian.
Không ai có thể cảm nhận được tác động, sự tàn phá của đại dịch đối với ngành nightlife rõ ràng như những lao động làm việc trong lĩnh vực này.
Những hạn chế kéo dài từ tháng 3/2020 đến nay đã buộc Sivanesh Pillai (35 tuổi) từ bỏ công việc DJ.
Trải qua cuộc khủng hoảng SARS năm 2003 khi còn là một học sinh trung học, Sivanesh đã mong đợi Covid-19 cũng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Nhưng đại dịch hiện vẫn kéo dài, các DJ đều lần lượt tìm kiếm công việc mới trong lúc chờ đợi những quán bar, câu lạc bộ mở cửa lại.
Nhiều lao động trong ngành nightlife phải chuyển nghề khi các cơ sở giải trí về đêm đóng cửa hơn hai năm. Ảnh: Reuters. |
Tháng 9/2020, Sivanesh nhận được công việc tạm thời ở một trung tâm xét nghiệm Covid-19.
"Tôi gần như rất tuyệt vọng. Không có tiền. Tôi đang sống bằng tiền tiết kiệm. Nhưng nó cũng đang cạn kiệt", anh nói.
Toàn bộ gia đình của Sivanesh đều chịu ảnh hưởng tài chính bởi đại dịch. Cha anh (66 tuổi) đang là tài xế taxi và mẹ anh (64 tuổi) đã mất việc ở khách sạn từ năm ngoái.
Sau thời gian làm ở trung tâm xét nghiệm, Sivanesh, người có bằng cử nhân kinh doanh, chuyển sang làm việc bán thời gian tại các cửa hàng ăn uống. Gần đây, anh đã nhận được một công việc toàn thời gian tại cơ sở cách ly.
Nuôi hy vọng quay lại với nghề DJ, Sivanesh vẫn tiếp tục luyện tập hàng ngày ở nhà.
"Tôi không muốn quên mình thực sự là ai. Đó chỉ là một cách để giữ cho bản thân có động lực và không rơi vào bế tắc", anh nói.
Sivanesh là một trong những DJ và nhạc sĩ ủng hộ #savemusicsg, chiến dịch kêu gọi nâng cao nhận thức về nền âm nhạc bị lãng quên của Singapore.
DJ Aldrin Quek cũng góp mặt trong chiến dịch này.
Trước đại dịch, Quek (52 tuổi) là DJ tự do biểu diễn ở các địa điểm như hộp đêm Marquee và Zouk.
Hiện tại, ông chuyển sang sản xuất âm thanh cho các sự kiện công ty.
Trước đại dịch, Quek là DJ tự do biểu diễn ở các hộp đêm nổi tiếng ở Singapore. Ảnh: Aldrin Quek. |
Nhưng số tiền kiếm được không đủ trang trải nên Quek đã phải bán nhà, chuyển đến nơi ở nhỏ hơn.
DJ làm việc tại Zouk từ năm 1996 đến 2013 cho biết không dễ dàng khi nhảy vào một lĩnh vực hoàn toàn mới trong một sớm một chiều.
"Chúng tôi đã dành rất nhiều tiền bạc, thời gian để đạt được vị trí trong ngành nightlife. Không thể chỉ búng tay, chuyển đổi và hy vọng kiếm được số tiền tương tự trong một ngành hoàn toàn mới", ông nói.
Mặc dù cuộc sống về đêm của Singapore hiện chưa hồi sinh, Quek tự tin rằng tình hình sẽ sớm được cải thiện.
"Chúng tôi có các cơ sở giải trí và DJ đẳng cấp thế giới. Trong khu vực, mọi người đến Singapore chỉ để đi câu lạc bộ. Ai cũng đang chờ đèn xanh được bật. Và khi đó, chúng tôi sẽ quay trở lại một cách mạnh mẽ và xuất sắc hơn trước", Quek chia sẻ.