Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống về đêm nhộn nhịp, bartender bận rộn suốt kỳ nghỉ lễ

"Dịp nghỉ lễ, mình ít có thời gian rảnh tay vì bận pha chế liên tục. Đến 2h sáng hôm sau, các phần việc xong xuôi, mình mới được nghỉ ngơi", Thu Phương, nữ bartender, chia sẻ.

Làm nhân viên văn phòng, công việc của Lê Dương (26 tuổi) vận hành theo giờ hành chính. Trong khi đó, đặc thù việc làm của chồng cô lại gắn với ngành nighlife, thường xuyên đi biểu diễn vào buổi tối và không nghỉ lễ theo lịch của mọi người.

Dương cho biết cô hiếm khi đi du lịch vào kỳ nghỉ lễ vì không thích cảnh đông đúc, chen lấn mà chỉ chọn một vài điểm trong thành phố để nghỉ ngơi, thư giãn nhẹ nhàng.

"Đợt này được nghỉ dài ngày, hai vợ chồng có nhiều khoảng thời gian cho nhau hơn", cô kể. Trong lúc xem chồng biểu diễn cùng ban nhạc, Dương gọi một ly rượu hoa quả để ngồi chill.

Quan bar,  bia thu cong kin khach trong 4 ngay le anh 1

Lê Dương lui đến quán bar để vừa chill, vừa xem buổi biểu diễn nhạc sống của chồng.

“Mình vốn thích các loại đồ uống có cồn dù mỗi lần không uống nhiều. Khi đi uống cocktail, mình thường không nhìn menu mà thường yêu cầu bartender làm theo sở thích, tâm trạng, ví dụ như chọn vị chua hay ngọt, rượu nhẹ hay mạnh”, cô cho biết.

Giống với Lê Dương, nhiều bạn trẻ không đi chơi xa vào dịp 30/4-1/5. Họ tìm đến các quán bar, pub, cửa hàng bia thủ công để tụ tập bạn bè, nghe nhạc sống trong kỳ nghỉ lễ.

Tìm không gian để chill

Sau 4 năm chưa có cơ hội gặp mặt, nhóm bạn 3 người của Trang, Ngân Hạnh, Mai Phương (sinh năm 1996) chọn cửa hàng craft beer (bia thủ công) làm nơi tụ tập.

Trước đó, Trang bay ra từ Đà Nẵng. Cô dành kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cho việc du lịch và dừng chân ở Hà Nội trong 2 ngày để đi chơi cùng bạn học cũ.

“Ba đứa cũng chỉ có một buổi để ngồi cùng nhau vì hôm sau có thành viên bay đi chơi Phú Quốc. Lâu rồi mới gặp, cả nhóm dự tính ngồi đến khoảng 22-23h để nói chuyện cho đã. Trước đó, bọn mình đã có ‘tăng một’ đi ăn phở”, Trang chia sẻ.

Quan bar,  bia thu cong kin khach trong 4 ngay le anh 2

Trang (bên phải) bay ra Hà Nội để gặp mặt những người bạn học cũ trong dịp 30/4-1/5.

Nếu Trang có lần đầu đến một cửa hàng bia thủ công, thì với Ngân Hạnh, thứ đồ uống này lại là món khoái khẩu từ lâu.

"Thông thường, khi uống bia thủ công, mình hay chọn bàn ngoài trời hoặc ngồi trước quầy bar. Thời tiết Hà Nội những ngày này mát mẻ, bọn mình chọn bàn ở ngoài để tránh ồn, tiện nói chuyện và không gian cũng chill hơn", Ngân Hạnh cho biết.

Ở một góc bàn khác, nhóm bạn 9X của Vũ (sinh năm 1990) chọn thưởng thức bia thủ công cho buổi tụ tập vào dịp lễ vì muốn “đổi gió”. Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, cả ba thành viên đều ở lại thành phố, không đi chơi xa.

Thay vào đó, họ dùng thời gian rảnh rỗi để đi chơi với nhau từ buổi trưa và món bia thủ công trở thành "tăng ba" trong ngày.

"Bọn mình thường xuyên gặp mặt, ăn uống nhưng chưa từng uống món này cùng nhau nên quyết định thử. Mỗi đứa đã uống khoảng 4 ly cỡ nhỏ và gọi một số món nhậu ăn kèm.

Dịp lễ, mình đặt bàn trước cho chắc ăn có chỗ ngồi nhưng ở thời điểm đến, quán không đông như mình nghĩ, nhờ đó không phải chờ đợi ra món quá lâu cho việc ra món", cô cho hay.


Nhân viên, quản lý làm việc luôn tay

Với những người ở lại thành phố, cuối ngày là khoảng thời gian mọi người đổ đi chơi đông nhất. Công việc của những nhân sự trong ngành nightlife trong đợt lễ cũng vì thế liên tục bận rộn.

Chia sẻ với Zing, Nguyễn Thu Trà - quản lý cửa hàng bia thủ công Pasteur Street trên phố Ấu Triệu - cho biết số lượng khách đặt bàn trong dịp lễ đông hơn so với dịp cuối tuần và có những người cẩn thận đặt trước 1-2 ngày.

Vào lúc cao điểm, hai tầng của taproom (xưởng bia) này chật kín khách, với sức chứa tối đa 80 người.

“Đa số khách hàng thường đi theo nhóm 3-4 người, một số nhóm đông hơn rơi vào khoảng 7-8 người. Ngoài ra, sau gần 2 tháng du lịch quốc tế mở cửa trở lại, số lượng du khách nước ngoài ghé quán đang tăng lên. Họ thường đi theo cá nhân riêng lẻ hoặc 2 người”, nữ quản lý chia sẻ.

Dịp lễ, xưởng bia có khoảng 4-5 người chạy việc trong mỗi ca. Những lúc đông khách, nữ quản lý phải phụ giúp phần việc của nhân viên để đảm bảo tốc độ phục vụ.

Theo chị Trà, việc thiếu nhân viên và khó tuyển nhân sự có kinh nghiệm là tình trạng chung của ngành F&B lẫn nightlife sau khi tình hình kinh doanh phục hồi trở lại.

Tương tự, Quản Trọng - chủ quán bar Zodiac trên phố Đặng Dung - cho biết trong những ngày đông khách như cuối tuần, dịp lễ, anh phải kiêm luôn nhiều vị trí trong quán, như rửa, lau ly cho các bạn bartender tập trung pha đồ hoặc trực hotline, sắp xếp bàn, đứng quầy thu ngân.

”Với ngành dịch vụ nói chung và nightlife nói riêng, kỳ nghỉ lễ lại là khoảng thời gian tất bật, nhiều việc nhất. Thông thường, những ngày thấp điểm như tối đầu tuần, mình và nhân viên rảnh tay hơn. Còn đợt nghỉ lễ này lại trùng với thứ 2, thứ 3 nên quán xác định trước sẽ bận rộn đến khuya.

So với đợt nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, mình thấy lượng khách dịp 30/4-1/5 có phần nhỉnh hơn. May mắn, mình nhờ được một nhân viên cũ quen với nhịp vận hành, thuộc công thức pha chế đến phụ giúp trong mấy ngày nghỉ lễ, nhờ vậy công việc của những người còn lại được san sẻ”, anh cho hay.

Quan bar,  bia thu cong kin khach trong 4 ngay le anh 5

Trong kỳ nghỉ lễ, công việc bartender của Thu Phương càng bận rộn hơn. Ảnh: NVCC.

Trong dịp nghỉ lễ, khách hàng chủ yếu gọi điện đặt bàn trước vì sợ hết chỗ. Nhờ đó, quán cũng dễ hơn trong việc sắp xếp bàn, tránh nhận dồn dập để đảm bảo thời gian khách chờ đồ không quá lâu.

Theo quan sát, anh Trọng nhận thấy thói quen của khách hàng đã thay đổi đáng kể sau hai năm dịch bệnh kéo dài.

Người trẻ vẫn có sở thích lên bar, pub để giải trí, thư giãn, tập trung đông vào cuối tuần nhưng thường có xu hướng đi sớm, về sớm.

“Nếu trước kia, sau 19h quán mới có khách và có những người ngồi uống đến 2-3h sáng hôm sau thì nay từ 17-18h đã có khách tìm đến.

Song, vào những ngày nghỉ này, mọi người cũng thường ngồi chơi lâu hơn, ra về muộn hơn", anh nói.

Với Thu Phương (21 tuổi), bartender của quán, trong mấy ngày lễ, cô ít có thời gian ngơi tay.

"Ca làm việc kéo dài 8 tiếng. Quán bắt đầu đón khách từ 19h nhưng từ 17h, mình đã có mặt để dọn dẹp bàn ghế, chuẩn bị ly, cốc. Khung cao điểm mà khách kéo đến đông rơi vào lúc 21-23h. Những lúc đó, mình pha chế liên tục, khó có lúc ngồi nghỉ giữa giờ như ngày thường và chỉ ra về khi đồng hồ đã nhích sang 2h sáng", Phương chia sẻ.

Khách Tây quay trở lại check-in phố đường tàu

"Chúng tôi lên kế hoạch cho bộ ảnh cưới ở Hà Nội từ trước và chọn khu phố đường tàu theo gợi ý của người chụp", Cheryl và Zi Han (người Singapore) cho hay.

Trà My

Bạn có thể quan tâm