Những chú cừu mắt to, tai cụp trên cánh đồng miền quê nước Anh gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều khán giả qua sóng truyền hình. Từng “chu du” qua 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, series Shaun the Sheep nằm trong số những loạt phim hoạt hình thành công nhất mọi thời đại nhờ hình thức phim câm phù hợp với khán giả ở nhiều lứa tuổi. Đó là lý do phiên bản điện ảnh mang tên Shaun the Sheep Movie - Cừu quê ra phố của hai đạo diễn Mark Burton và Richard Starzak thu hút được sự chú ý của công chúng trong đầu năm 2015.
Cừu Shaun và những người bạn dấn thân vào thành phố lớn trong cuộc phiêu lưu trên màn ảnh rộng. |
Tuân thủ trung thành với nghệ thuật tạo hình và thủ pháp hoạt hình stop motion giống như nguyên tác, Cừu quê ra phố khiến khán giả hài lòng khi từng nhân vật thân thương cứ thế lần lượt xuất hiện. Thậm chí, ca khúc chủ đạo của nguyên tác cũng được hai nhà làm phim tận dụng tối đa cho đường dây cốt truyện. Dĩ nhiên, kèm với đó còn là những màn quậy phá hồn nhiên, mang đúng tinh thần của thương hiệu Shaun the Sheep.
Điểm mới trong phiên bản điện ảnh của Shaun the Sheep nằm ở cốt truyện sáng tạo và mang tính đột phá. Nếu như nguyên tác truyền hình nhiều tập chỉ chủ yếu khai thác bối cảnh nông trại miền quê, thì những chú cừu giờ đây sẽ phải xoay sở trong một thành phố lớn.
Trong một ngày như bao ngày, chú cừu Shaun và những người bạn cảm thấy cuộc sống thường nhật quá đơn điệu và tẻ nhạt. Chúng bèn lừa cho ông chủ nghiêm khắc ngủ say rồi nhốt vào trong xe hòm. Nhưng vô tình đây biến thành trò nghịch dại khi chiếc xe lăn bánh thẳng vào trong thành phố, gây ra tai nạn khó lường. Đại gia đình ở nông trại từ đó rơi vào cảnh “loạn lạc”, và chú cừu Shaun buộc phải lên đường vào trong thành phố tìm kiếm ông chủ.
Quá trình thực hiện Shaun the Sheep Movie là hết sức kỳ công. |
Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Mark Burton và Richard Starzak cho biết, những tác phẩm phim câm kinh điển như Wall-E hay The Artist đóng vai trò rất quan trọng trong việc khơi nguồn cảm hứng cho cuộc phiêu lưu của đàn cừu lên phố. Thay vì sử dụng lời thoại, Cừu quê ra phố được kể lại hoàn toàn bằng cử chỉ, điệu bộ và ngôn ngữ hình thể của các nhân vật. Những chú cừu sinh động không chỉ bởi màu sắc, đồ hoạ mà còn bởi những ánh mắt hốt hoảng, những đôi chân lúng túng hay những giọt nước mắt rưng rưng…
Cừu quê lên phố còn được đánh giá cao bởi sự công phu của các nhà làm phim, khi các chuyên gia đồ hoạ phải mất cả ngày để có được trung bình 3 giây hình ảnh; mỗi con rối cần đến 16 tuần thai nghén để ra đời và tổng cộng 354 thành phẩm đã được sử dụng trong suốt quá trình làm phim; cũng như 85 phút của bộ phim tương đương với 122.375 khung hình... Đội ngũ nhà sản xuất không chọn những phương án kỹ xảo hiện đại mà quyết định tỉ mẩn dựng lại nguyên mẫu đàn cừu quen thuộc, và tâm huyết ấy thực sự tạo nên một Shaun the Sheep phiên bản điện ảnh đáng nhớ không kém nguyên tác truyền hình.
Kể lại tình huống đời thường, không nói những điều cao siêu, chuyến phiêu lưu lên màn ảnh rộng của các chú cừu mang đến cho người xem những bài học giản dị mà thấm thía về tình bạn và lòng trung thành. Đằng sau những tiếng cười sảng khoái, Shaun the Sheep Movie mang đến một câu chuyện đậm tính nhân văn và đây là điều giúp bộ phim có thể chinh phục mọi lứa tuổi khán giả.
Zing.vn đánh giá: 4/5
Shaun the Sheep Movie (tựa Việt: Cừu quê ra phố) khởi chiếu trên toàn quốc từ 27/2. |