Sau phiên giao dịch ngập chìm sắc đỏ và xanh dương vào buổi sáng với gần 500 mã cổ phiếu giảm giá, thị trường chứng khoán đã phục hồi nhẹ trong phiên chiều. Tuy nhiên, phục hồi chỉ là đà giảm đã chững lại, còn so với phiên giao dịch hôm qua thị trường vẫn đi xuống.
Cụ thể, sau phiên sáng có lúc mất hơn 63 điểm, chỉ số VN-Index đã phục hồi và quay lại mốc trên 1.000, đóng cửa tại mức 1.011,6 điểm, giảm 37,11 điểm, tương đương 3,54% so với hôm 5/2.
Chỉ số HNX-Index cũng giảm 3,31 điểm, tương đương 2,78% xuống mức 115,64 điểm, trước đó, vào buổi sáng có lúc HNX-Index xuống dưới 111 điểm.
Bảng điện tử hiển thị giá các cổ phiếu trong nhóm VN30 vào phiên sáng nay. |
Tính trên 2 sàn giao dịch chứng khoán HoSE và HNX trong hôm nay đã có tổng cộng hơn 607 triệu cổ phiếu được giao dịch với giá trị lên tới gần 17.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều những phiên trước đó kể cả các phiên trong tháng 1.
Trong đó, khối ngoại vẫn tiếp tục mua dòng với hơn 131 triệu đơn vị mua vào và chỉ bán ra trên 39 triệu đơn vị. Tương đương khối ngoại đã rót hơn 4.100 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán trong hôm nay.
Đặc biệt, cổ phiếu được khối ngoại gom mua ròng nhiều nhất là VRE với hơn 87,6 triệu đơn vị, tương đương gần 4.200 tỷ đồng.
Trong phiên sáng nay, nhóm VN30 chỉ có duy nhất mã tăng giá là NVL còn lại 29 mã đều giảm sâu thậm chí nhiều mã giảm sàn thì đến hết phiên chiều nhóm cổ phiếu này đã tích cực hơn với 4 mã tăng điểm, bao gồm HPG (tăng 1,8%), MSN (tăng 1,5%), STB (tăng 1,7%) và NVL (tăng 0,2%).
Nhiều “ông lớn” cổ phiếu cũng đã phục hồi sau đà giảm sát sàn như VNM, SAB, VRE, VCB… một số doanh nghiệp cũng kịp thời giải thoát khỏi đà giảm giá và quay lại mức giá đóng phiên hôm qua như VIC, DPM, hay MSN giá nhẹ sau giá sàn buổi sáng.
Chỉ số VN-Index đã mất hơn 100 điểm chỉ sau vài phiên giao dịch. |
Theo lý giải của các chuyên gia, việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong 2 ngày gần đây có tác động từ cả nguyên nhân trong và ngoài nước.
Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp từ việc điều chỉnh của thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là Mỹ. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng nóng đã đẩy áp lực mạnh vào nhóm cổ phiếu dầu khí trụ cột.
Ngoài ra còn có áp lực điều chỉnh khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng "nóng" và tiệm cận đỉnh lịch sử năm 2007 và các công ty chứng khoán bắt đầu phải siết margin theo quy định mới của Ủy ban Chứng khoán. Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường cũng không còn mạnh như tháng 1 đầu năm.
Trước đó, vào phiên giao dịch thứ 6 cuối tuần trước, dòng tiền chảy vào thị trường đã giảm mạnh từ mức trung bình 10.000 tỷ mỗi phiên xuống còn 6.000 tỷ cho thấy dòng tiền có dấu hiệu đi ra khỏi thị trường rất lớn.
Với phiên giảm điểm hôm nay, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục "bay hơi" hơn 132.000 tỷ đồng, tương ứng 5,8 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, vốn hóa thị trường đã bị thổi bay hơn 14 tỷ USD. Trước đó, kết thúc phiên sáng tổng vốn hóa thị trường bị mất có thể lên tới 20 tỷ USD.
Hiện tại, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt vào khoảng 3,61 triệu tỷ đồng tương đương 160 tỷ USD.