Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cưới, từ Tây Bắc đến Tây Nguyên

Sống ở cao nguyên, thời điểm cưới đẹp nhất chắc chắn là mùa đông, khi cái rét không còn làm tan chảy phấn son, hoa dại bung nở khoe sắc khắp núi đồi.

Trai Nùng gái Mông giữa vùng hoa tam giác mạch

Dọc đường xuyên Tây Bắc ngắm hoa tam giác mạch, chúng tôi dừng chân tại thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) để dự lễ cưới của một đôi nam thanh nữ tú, mà nhiều người trầm trồ đẹp đôi nhất xứ này.

Chú rể Lục Văn Quý người Nùng, 27 tuổi, đã tốt nghiệp khoa Văn hóa dân tộc thiểu số trường Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện là cán bộ văn hóa của thị trấn. Cô dâu Giàng Thị Diễn 21 tuổi cũng đã học xong Cao đẳng sư phạm ngành Tiểu học mầm non. Chiều thứ sáu tiệc bên đàng gái đặt 70 mâm.

Chiều thứ bảy bên đàng trai mời thêm 50 mâm nữa, tổng cộng đôi bên mời vừa tròn 1.000 khách, hầu hết là bà con xóm giềng quanh làng xã. Trang phục tân - cổ ngắn dài đủ kiểu Kinh, Tày, Phù Lá, Mông, Dao quấn quýt suốt chặng đón dâu, có vẻ như chỉ cần rực rỡ. 

Ảnh cưới của 2 đôi dâu rể ở Tây Bắc, Tây Nguyên.
Ảnh cưới của 2 đôi dâu rể ở Tây Bắc, Tây Nguyên.

Tiếng khèn, trống, sáo véo von thì thụp, trẻ già lớn bé say mê níu nhau ra sân xòe, rồi đưa tay níu mời khách khiêu vũ hiện đại thâu đêm. Cứ chơi đến đói mềm lại ra bàn dọn ăn. Ăn xong lại xòe tiếp. Cô dâu xúng xính váy cưới truyền thống Mông, Nùng, người duyên mặc bộ nào cũng xinh, cùng anh chồng trẻ thực hiện các nghi lễ xong lập tức chạy đi chạy lại thoăn thoắt tiếp bạn, tiếp khách, bưng bê chiêu đãi như không biết mệt là gì. Về khuya, sương mờ giăng mắc, chúng tôi đón lấy những đĩa xôi nếp nương nhuộm lá quả năm màu tỏa khói dưới những gốc đào, gốc mận, mời nhau cạn ly rượu ngô Bắc Hà nồng thơm, vui vẻ.

Đôi uyên ương hạnh phúc tràn trề cũng cạn chén, mềm môi. Quý kể đồng bào vùng cao Tây Bắc giờ văn minh nhiều rồi, nên việc cưới xin đỡ gánh nặng thách cưới, nếu không, nhà Quý đã phải nộp ít nhất một con trâu cho nhà Diễn. Chú rể cũng không phải bày trò cướp vợ theo tục người Mông xưa: Hễ thích cô gái nào, là kéo cô về ở chung nhà suốt 3 ngày, rồi mới sang xin cưới. Dù vậy, đôi bên vẫn thực hiện đủ các nghi lễ dạm ngõ, hỏi, cưới, đón dâu, lại mặt...

Tuyệt đẹp là cuốn album ảnh cưới cô dâu chú rể ngồi nằm đủ kiểu trên những cánh đồng hoa tam giác mạch xã Lầu Thí Ngài, cách nhà Quý chừng 5 km, được truyền tay nhau ngắm, xuýt xoa. Chỉ tiếc, Quý nói “Bộ trang phục đúng kiểu Nùng xưa trên ảnh chúng em phải đi mượn mặc đấy, vì thêu may tỉ mỉ rất kỳ công, bây giờ hiếm lắm. Dân tộc nào bây giờ cưới cũng Kinh hóa nhiều rồi, đỡ vất vả nhưng khó mà giữ cho khỏi phai nhạt bản sắc!”.

Màn rước dâu bằng máy cày ở Nghệ An thu hút dân mạng

Chú rể Bá Lương đã cùng bạn bè thân thiết tự lái 8 chiếc máy cày đến nhà gái rước dâu. Khoảnh khắc này nhận được gần 2.000 like (thích) trên mạng xã hội.

Gái Lào trai Ê đê ở xứ vàng rực dã quỳ   

Rời Tây Bắc, vào Tây Nguyên, chúng tôi lọt thỏm vào tiệc cưới tưng bừng của cháu ngoại Vua Voi Ama Kông: Cô y sĩ H’Sumay Buôn Yă mang dòng máu hòa lẫn M’Nông-Lào cưới chồng là anh Y Trol Buôn Krông, trai Ê Đê, đang học khoa Sư phạm âm nhạc trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk.

Để tổ chức được một tiệc cưới như ý cho cô con gái đầu lòng, vợ chồng thầy thuốc Khăm Phết Lào-H’Oen Buôn Yă đã mua đứt một mảnh vườn cà phê già cỗi đối diện cổng nhà, dọn sạch, lát gạch, kê cho đủ 60 bàn và dựng hẳn một sân khấu ngoài trời, tiếng đàn hát rộn rã suốt 3 ngày đêm vang khắp buôn Kotam, xã Ea Tu, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột gần 10 km.

Chỉ in 300 tấm thiệp mời, nhưng tới nhà nào trong buôn ông Khăm Phết cũng dặn nhớ cho hết mấy đứa bé đi dự tiệc, khi đi mỗi đứa cầm theo 2 bịch ni lông để tiệc xong dùng đựng thức ăn. Vì vậy nên hơn 600 ghế đều kín chỗ.

Chẳng khác nào cô dâu trên vùng cao Tây Bắc, cô dâu Tây Nguyên mấy lần diện váy áo thổ cẩm Ê Đê, Lào, rồi tới váy cưới tân thời bung xòe quét đất. Tiệc giữa chừng, có mấy đoàn khách Sài Gòn, Hà Nội tìm vào tận nhà mua thuốc tăng cường sinh lực chính hiệu Ama Kông. Ông bà sui cùng phù dâu bèn vào phục vụ khách phương xa. Cưới xong, theo đúng tục bắt chồng, chú rể sẽ ở lại nhà vợ vừa giúp làm thuốc, bán thuốc vừa tiếp tục học thành thầy giáo tương lai.

Quan khách đến dự tiệc, ngoài đông đảo dân làng, còn có tới vài chục bác sĩ đông-tây y, và các mục sư, vì gia đình Khăm Phết và đa số đồng bào buôn Kotam theo đạo Tin lành. Chính vì vậy mà ngay trên thiệp cưới có in dòng chữ hiếm thấy: “Tiệc mặn nhưng không uống rượu bia”. Và quả nhiên, trên bàn tiệc chỉ có nước ngọt, nước suối cùng các món ngon đủ cho cuối tiệc, các em bé vui thích gom đầy túi mang về, tiếng cười thơ trẻ giòn tan khắp các ngả đường xôn xao hàng triệu đóa hoa dã quỳ vàng rực, nở xòe đong đưa trong gió.

Mùa cưới trên cao nguyên từ Nam ra Bắc, vì thế không chỉ là mùa của đôi lứa nên duyên, mà còn là mùa đoàn kết Kinh - Thượng cho các dân tộc xích lại gần nhau thêm nữa. Giữa đất trời rực rỡ sắc hoa muôn màu, ngắm những đôi trai gái được tự do kết hôn bởi yêu thương tự nguyện, ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp quý giá của cuộc sống thời đất nước yên bình.

http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/cuoi-tu-tay-bac-den-tay-nguyen-952349.tpo

Theo Hoàng Thiên Nga/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm