Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cường' đâu không thấy chỉ thấy 'liệt' luôn!

Nhiều người xem nhân sâm như “cứu tinh” khi muốn cải thiện chuyện phòng the nhưng đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc, khở cười; thậm chí “cường” đâu không thấy chỉ thấy "liệt" luôn.

- Do áp lực công việc nên thời gian gần đây, ông xã tôi có vẻ xao nhãng chuyện vợ chồng. Vừa rồi có người bạn đi công tác về tặng ký nhân sâm tươi, thương ông xã làm việc vất vả, tôi đem ngâm rượu một nửa, một nửa để dành sử dụng hàng ngày.

Cứ tối tối, tôi xắt 3 lát và hấp cho anh ấy ăn; khi rượu ngâm được 3 tuần, tôi bắt đầu cho anh ấy uống mỗi ngày 1 chung nhỏ. Kết quả là tình hình cải thiện đáng kể: Tinh thần ông xã phấn chấn, chuyện ấy cũng “chất lượng” hơn.

Tuy nhiên, mọi việc chỉ kéo dài được chừng 1 tháng thì mọi việc đột ngột chuyển biến xấu: Ông xã tôi bị nổi mẩn ngứa, tiêu chảy, mất ngủ. Tôi hỏi mãi anh ấy mới thú nhận là đã đi mua thêm và mỗi ngày... lén uống thêm 1 ly rượu nhân sâm. Loại rượu mà ông xã tôi mua là rượu sâm xịn nhưng tại sao lại “bổ ngửa” như vậy?

Lê Minh Hiền (quận 1, TP HCM)

Chị thân mến!

Chúng ta ai cũng biết nhân sâm là một vị thuốc quý, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, nói đến sâm, người ta lại nghĩ ngay đến tác dụng “cường dương, bổ thận”, giúp tăng khả năng chinh chiến của các đấng mày râu.

Chính vì vậy, nhiều người đã xem nhân sâm như “cứu tinh” khi sức khỏe suy giảm hoặc khi muốn cải thiện chuyện giường chiếu, phòng the. Cũng chính vì suy nghĩ này mà đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc, khở cười vì lạm dụng nhân sâm; thậm chí có trường hợp “cường” đâu không thấy mà chỉ thấy “liệt” luôn!

Như vậy, điều trước tiên phải nhớ là sâm dù quý, dù tốt nhưng không phải ai cũng có thể dùng và dùng một cách tùy tiện. Các nghiên cứu đã cho thấy nếu người lớn uống khoảng 200ml rượu sâm nồng độ 3% sẽ có biểu hiện trúng độc, bị mẩn đỏ toàn thân, ngứa, chóng mặt, đau đầu, thân nhiệt tăng, huyết áp hạ. Uống liên tục mỗi ngày 0,3g bột sâm củ có thể mất ngủ, trầm uất, giảm cân. 

Nếu dùng nhân sâm và chế phẩm từ sâm với liều quá cao hoặc quá dài ngày có thể dẫn đến ngộ độc... Người bị cảm mạo, phát sốt, bị bệnh gan mật cấp tính, viêm dạ dày và ruột cấp tính, bị nôn mửa, đau bụng đi ngoài, bị giãn phế quản, lao, ho, ra máu, cao huyết áp, bị di tinh, ban đỏ, mụn nhọt, viêm khớp, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 14 tuổi... không được tự ý dùng nhân sâm. Tốt nhất khi muốn sử dụng nhân sâm phải hỏi ý kiến nhà chuyên môn.

Tóm lại, ông xã nhà chị có thể đã rơi vào tình trạng “lạm dụng” hoặc uống rượu sâm quá liều. Những triệu chứng như nổi mẩn ngứa, tiêu chảy, cáu gắt, mất ngủ sau khi đã... tự ý gia tăng liều lượng rượu sâm cho thấy có mối liên hệ nhân- quả giữa 2 chuyện này.

Việc phải làm là dừng ngay việc “tẩm bổ”, đưa anh nhà đến bác sĩ để thăm khám, xác định nguyên nhân bệnh tật và chữa trị đúng thuốc. Sau đó khi tình trạng “dị ứng sâm” chấm dứt thì tham vấn ý kiến bác sĩ về liều lượng, cách sử dụng các sản phẩm từ sâm hiện đang... tồn trữ trong nhà mình.

Mỗi ngày uống một ly nhỏ rượu sâm tốt cho sức khỏe, da dẻ hồng hào, ăn ngon ngủ yên, tinh thần minh mẫn, sức khỏe dẻo dai nhưng nếu dùng không đúng cách, nó sẽ trở nên vô tác dụng; thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

http://nld.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/cuong-dau-khong-thay-chi-thay-liet-luon-2014103111155872.htm

Theo Vũ Kim Khôi/Báo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm