Bệnh nhi A.N. đã 9 tuổi nhưng chỉ nặng 22 kg, cao 1,24 m, thấp bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa.
Cách đây một năm, cô bé được chẩn đoán mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, kèm tăng huyết áp, suy tim, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần tại khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Một năm chuẩn bị sức khoẻ
Với sức khoẻ tại thời điểm đó của bé N., việc chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng, lọc máu có thể giúp bé duy trì sự sống. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống của trẻ rất thấp, kèm theo nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng như tăng huyết áp, suy tim.
Ghép thận được xem là phương pháp duy nhất có thể giúp bé duy trì chất lượng cuộc sống và phát triển thể chất như các em bé bình thường.
Trước khi ghép, bệnh nhi phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Ảnh: BVCC. |
Sau khi nghe bác sĩ giải thích và chứng kiến con gái mỗi ngày đều phải chịu đựng đau đớn, bố mẹ N. quyết định tuân thủ phác đồ điều trị và chờ ngày con được ghép thận.
Trẻ phải mất gần một năm mới đảm bảo điều kiện sức khoẻ, các chỉ số ổn định, chức năng tim mạch, nội tiết trong giới hạn cho phép để có thể ghép thận.
"Cách đây 3 tháng, bệnh nhi nhiễm sán, chúng tôi đã phải phối hợp với các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ sau khi ghép dùng thuốc ức chế miễn dịch", bác sĩ Trương Thùy Linh, khoa Thận và Lọc máu, chia sẻ.
Trước khi ghép, bé được phân tích kết quả xét nghiệm gene kết hợp đối chiếu với kết quả lâm sàng, để loại trừ các nguyên nhân suy thận do đột biến gene.
Bên cạnh đó, mọi yếu tố từ chiều cao, cân nặng, các chỉ số xét nghiệm máu, tiêm phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, các xét nghiệm sàng lọc người cho thận, hồ sơ pháp lý... cũng được chuẩn bị đầy đủ trước khi ghép.
5 giờ phẫu thuật
Sáng 11/3, bé A.N. lên bàn phẫu thuật. Hai cuộc mổ lấy thận và ghép thận được tiến hành song song, đảm bảo thận lấy ra phải được ghép kịp thời.
Sau 5 giờ, quả thận mới ghép hồng hào, tưới máu tốt và bắt đầu có nước tiểu.
ThS.BS Lê Anh Dũng trực tiếp ghép thận cho bé N. Ảnh: BVCC. |
Theo ThS.BS Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp tham gia ê-kíp ghép thận cho bệnh nhi, đây là ca ghép thận thứ 62 thành công của bệnh viện tính từ năm 2004.
"Đối với bé A.N., khó khăn nhất khi ghép là tĩnh mạch của người cho chia sớm, khi nối tĩnh mạch thận của người cho vào người nhận sẽ bị quá dài. Chúng tôi phải cắt bớt và tạo hình lại 2 nhánh của tĩnh mạch thận trước khi nối lại và ghép cho trẻ", bác sĩ Dũng nhớ lại
Sau 7 ngày sau ghép thận, tình trạng bé N. ổn định, tiểu tốt, các chỉ số sinh hóa về chức năng thận, nội tiết trở về giới hạn bình thường. Huyết áp được kiểm soát, các vấn đề tim mạch cũng sẽ cải thiện dần khi sức khỏe của trẻ tiến triển. Ngày 19/3, bé được ra viện, quay lại với cuộc sống bình thường.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời cung cấp các kiến thức, phương pháp, chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết...