Người bệnh bị viêm phổi máy thở đa phần do nhiễm khuẩn kháng đa thuốc. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 25/2, khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tiếp nhận cụ bà L.T.H. (87 tuổi) với vùng mông đùi phải sưng đau do té ngã. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rung nhĩ, loãng xương.
Sau khi nhập viện, bà được chẩn đoán gãy phức tạp liên mấu chuyển xương đùi phải, suy tim, rung nhĩ, thiếu máu cơ tim, tăng áp phổi nặng, loãng xương và được chỉ định nhập viện để điều trị.
Đến 8/3, sau 12 ngày vào viện, khi tình trạng bệnh lý nội khoa tạm ổn, bà H. được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng phải bán phần. Bệnh nhân được điều trị tích cực, phối hợp đa chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Hô hấp, Tim mạch và Dinh dưỡng. Hậu phẫu thuật, vết thương lành tốt, bệnh nhân có thể ngồi dậy và tập đi.
Tuy nhiên, tình trạng hô hấp, tim mạch của bà cải thiện chậm. Người bệnh vẫn còn ho, khó thở và phải chuyển sang khoa Hồi sức tích cực để được chăm sóc đặc biệt.
Tại đây, tình trạng hô hấp của bệnh nhân xấu đi và được chỉ định đặt nội khí quản thở máy. Sau khi cấy đàm lần đầu, các bác sĩ phát hiện trong cơ thể người bệnh xuất hiện một loại vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện phổ biến trên bệnh nhân có can thiệp phẫu thuật.
Được điều trị bằng kháng sinh, tình trạng viêm phổi của người bệnh được khống chế tạm thời nhưng bà vẫn lệ thuộc máy thở và không tự thở được. Sau đó, người bệnh được mở khí quản, tiếp túc theo dõi điều trị ổn định tình trạng tim mạch, dinh dưỡng tích cực đường tĩnh mạch phối hợp với tập vật lý trị liệu vận động và hô hấp mỗi ngày.
Kết quả lần cấy đàm thứ 2 cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Acinetobacter baumannii, tác nhân gây viêm phổi thở máy phổ biến. Chủng vi khuẩn này kháng với hầu hết kháng sinh hiện có. Sau 2 ngày được sử dụng kháng sinh và tiếp tục điều trị tích cực cũng như làm vật lý trị liệu, người bệnh đã tự thở được qua mở khí quản.
Ngày 3/5, sau hơn 2 tháng điều trị và trên một tháng thở máy, tình trạng bệnh nhân tạm ổn, các dấu hiệu sinh tồn bình thường và đã có thể tự thở qua mở khí quản nên được xuất viện.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, viêm phổi liên quan thở máy xuất hiện sau ít nhất 48 giờ can thiệp đặt nội khí quản. Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là các vi khuẩn Gram âm và tụ cầu vàng. Hầu hết chủng vi khuẩn này đều kháng nhiều loại thuốc kháng sinh.
Viêm phổi thở máy xảy ra chủ yếu trong 10 ngày đầu sau khi đặt nội khí quản chiếm tỷ lệ 9-27% ở bệnh nhân thở máy. Dấu hiệu của viêm phổi trên các bệnh nhân thở máy thường là sốt, tăng tiết đàm và đàm đục, cần tăng nồng độ oxy để đảm bảo oxy hóa máu. Căn bệnh này xuất hiện chủ yếu trên bệnh nhân nhiễm khuẩn đa kháng thuốc hoặc có nhiều bệnh nền đi kèm.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.